Quảng Ngãi: Tăng cường công tác bảo vệ rừng trong mùa mưa bão

Tỉnh Quảng Ngãi đang bước vào mùa mưa bão, để tránh trường hợp các đối tượng lợi dụng việc này để khai thác lâm sản, săn bắt động vật rừng quý hiếm, chính quyền tỉnh này đã yêu cầu các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra.

Theo đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi mùa mưa bão đang vào thời kỳ chính của năm 2024 với diễn biến thời tiết phức tạp, khó lường, nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất rất cao. Lợi dụng thời điểm này, các đối tượng thường lấn, chiếm đất rừng, khai thác gỗ trong rừng phòng hộ ở lưu vực đầu nguồn các sông lớn, nơi có các công trình hồ, đập thủy lợi, thủy điện và săn, bắt động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, vận chuyển lâm sản trái pháp luật.

Để tăng cường các biện pháp quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý lâm sản trong mùa mưa bão, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các Sở, ban, ngành có liên quan, các Tổ chức Chính trị - Xã hội và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt nghiêm túc tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 26/6/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc chủ động ứng phó các tình huống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, phù hợp với phong tục tập quán của địa phương nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, nhân dân về giá trị đa dạng của rừng. Bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế, môi trường, xã hội, quốc phòng, an ninh; bảo tồn tài nguyên đa dạng sinh học, duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng và ứng

Giao Sở NN&PTNT chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm tham mưu cho chính quyền địa phương các cấp huyện, xã kiểm tra, đôn đốc các đơn vị chủ rừng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, quản lý lâm sản; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, xây dựng kế hoạch huy động lực lượng theo quy chế phối hợp tuần tra, truy quét, chốt chặn trên các tuyến giao thông đường thủy, đường bộ, địa bàn trọng điểm, vùng giáp ranh,.. triển khai thực hiện khi điều kiện bảo đảm an toàn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Chỉ đạo các chủ rừng là tổ chức phối hợp với chính quyền địa phương sở tại và đơn vị chức năng có liên quan kiểm tra, rà soát và cắm biển cảnh báo, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng những khu vực rừng, đất lâm nghiệp có nguy cơ bị sạt lở, để người dân sống quanh khu vực chủ động di dời ra khỏi nơi nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản.

Cùng với đó, các Sở, ban, ngành, Tổ chức Chính trị - Xã hội, các đơn vị có liên quan, theo chức năng nhiệm vụ, chủ động phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ, phát triển rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, chỉ đạo cơ quan chức năng, chủ rừng phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn chủ động nắm bắt tình hình thời tiết, xây dựng kế hoạch tổ chức lực lượng kiểm tra, truy quét các địa bàn có nguy cơ xảy ra khai thác gỗ, lấn chiếm đất rừng và các “tụ điểm" mua bán, vận chuyển lâm sản trái pháp luật,... không để xảy ra “điểm nóng” trên địa bàn.

Đặc biệt, trong trường hợp mưa bão gây thiệt hại về rừng trên địa bàn, khi điều kiện bảo đảm an toàn, tổ chức thống kê, phân loại diện tích, mức độ rừng bị thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định tại Thông tư liên tịch số 43/2015/TTLT- BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đề xuất hỗ trợ theo quy định tại Nghị định số 02/2017/CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ, đề xuất thanh lý rừng trồng theo quy định tại Nghị định số 140/2024/NĐ-CP ngày 25/10/2024 của Chính phủ.

Minh Quân

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/quang-ngai-tang-cuong-cong-tac-bao-ve-rung-trong-mua-mua-bao-457713.html