Quảng Ngãi nghiêm cấm tàu, thuyền ra biển hoạt động từ 20h tối 26/10

Nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, từ 20h ngày 26/10.

Thực hiện Công điện số 1470/CĐ-TTg ngày 26/10/2020, về công tác ứng phó với bão số 9, để kịp thời triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bão số 9 đổ bộ và mưa, lũ lớn sau bão có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu:

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các sở, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Công an tỉnh, Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Công ty Điện lực Quảng Ngãi và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện ngay các nội dung sau:

Tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Công văn số 4850-CV/TU ngày 11/10/2020 về việc tập trung ứng phó với thiên tai, tăng cường công tác tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh, Chỉ thị số 10/CT-UBND ngày 19/8/2020 và các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống, ứng phó với bão, mưa lũ lớn, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh.

Công tác đảm bảo an toàn tàu, thuyền, lồng bè giao Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chủ trì, phối hợp với Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Chi cục Thủy sản, UBND các huyện, thị xã, thành phố:

Nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển hoạt động (bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại) từ 20h ngày 26/10/2020 cho đến khi có thông báo chính thức về thời tiết ổn định từ Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi.

Nghiêm cấm tất cả các phương tiện, tàu, thuyền ra biển, bao gồm cả phương tiện vận tải hành khách Sa Kỳ - Lý Sơn và ngược lại, từ 20h ngày 26/10. (Ảnh: quangngai.gov.vn).

Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm hoặc quay về bờ ngay để neo đậu an toàn. Vùng nguy hiểm trên Biển Đông được cập nhật theo các bản tin bão của cơ quan chức năng dự báo khí tượng thủy văn.

Tiếp tục theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra (nhất là đối với các tàu, thuyền còn ở trong khu vực ảnh hưởng của bão).

Lưu ý các tàu thuyền neo đậu ở các khu vực bãi ngang ven biển phải vào nơi trú tránh hoặc có biện pháp bảo vệ an toàn. Kêu gọi và hướng dẫn neo đậu tàu, thuyền, lồng bè nuôi trồng thủy sản an toàn tại các khu neo đậu; tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè khi có sóng, gió lớn.

Yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 9, sử dụng tất cả các phương tiện truyền thông hiện có (hệ thống truyền thanh địa phương, loa truyền thanh lưu động, loa tay,…) để truyền tin dự báo, cảnh báo bão.

Hướng dẫn nhân dân di dời, sơ tán, chằng chống nhà cửa theo phương thức “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, đảm bảo tất cả người dân đều thường xuyên nắm được thông tin, chủ động phòng, chống bão; vận động, tuyên truyền người dân phát huy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng.

Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức kiểm tra, triển khai thực hiện Phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của cấp xã, các đơn vị trên địa bàn đã được phê duyệt. Trong đó, đặc biệt lưu ý phải sẵn sàng kế hoạch và tổ chức sơ tán, di dời dân đến nơi tránh trú bão an toàn; kiên quyết di dời, sơ tán những hộ có nhà yếu, đơn sơ không đảm bảo an toàn.

Đối với trường hợp không hợp tác thì thực hiện cưỡng chế nếu cần thiết; tổ chức kiểm tra nhà, trụ sở,... phải đảm bảo an toàn trước khi đưa người dân đến sơ tán.

Hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa; huy động lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai hỗ trợ người dân thực hiện, nhất là đối với những hộ chỉ có người già yếu, phụ nữ, neo đơn, khuyết tật. Hoàn thành trước 17h ngày 27/10/2020; báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.

Khẩn trương thu hoạch cây trồng, vật nuôi đã đến kỳ thu hoạch và có biện pháp phòng, chống bão cho cây trồng, vật nuôi đang trong kỳ chăm sóc để giảm thiểu thiệt hại. Chặt, tỉa cành cây để tránh ngã, đổ gây thiệt hại, nhất là cây xanh đô thị và cây lớn gần nhà ở vùng nông thôn.

Riêng huyện Lý Sơn phải tổ chức các biện pháp đảm bảo an toàn cho người, tài sản, khách du lịch đang còn ở lại trên địa bàn huyện (nếu có).

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố quán triệt và triển khai ngay phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ; chỉ huy tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ) đến từng xã, thôn, xóm để ứng phó với cơn bão số 9...

Nguyễn Tuấn

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/doi-song/quang-ngai-nghiem-cam-tau-thuyen-ra-bien-hoat-dong-tu-20h-toi-26-10-d138945.html