Quảng Bình: Thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước

Kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên & Môi trường (TN-MT) Quảng Bình đã chỉ ra nhiều sai phạm về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước trong việc chấp hành pháp luật tại 19 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

Theo đó, tại thời điểm thanh tra, có 17 đơn vị đang hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường, 2 đơn vị tạm dừng sản xuất. Trong đó, có 7 đơn vị hoạt động theo mô hình công ty cổ phần (CP) và 12 đơn vị là công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH).

Công ty CP Gốm sứ và Xây dựng COSEVCO chưa kê khai để nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp theo quy định.

Cụ thể, tại kết luận số 01/KL-TTr ngày 15/1/2024 của Thanh tra Sở TN-MT Quảng Bình tại 19 cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động trong các lĩnh; dịch vụ, du lịch; sản xuất gạch men Ceramic và gạch không nung; chăn nuôi trâu bò; chế biến nhựa thông, cao su; sản xuất bê tông xi măng thương phẩm; may mặc... trên địa bàn đã chỉ ra nhiều sai phạm.

Về lĩnh vực bảo vệ môi trường (BVMT), Đoàn thanh tra phát hiện, 8 đơn vị chưa lập hồ sơ đề nghị kiểm tra, xác nhận việc đã thực hiện các công trình, biện pháp BVMT phục vụ giai đoạn vận hành, nay thuộc đối tượng phải lập hồ sơ đề xuất cấp Giấy phép môi trường để được cấp có thẩm quyền xem xét cấp phép theo quy định tại thời điểm thanh tra gồm có: Trang trại chăn nuôi, trạm trung chuyển của Công ty TNHH Thương mại Lê Dũng Linh; Khu nghỉ mát và du lịch sinh thái FSEC của Công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam; khách sạn biển Phú Cường của Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hải Cường; Nhà máy May công nghiệp của Công ty TNHH S&D Quảng Bình; Nhà máy sản xuất bê tông thương phẩm cấu kiện bê tông đúc sẵn và bê tông nhựa nóng của Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn; Nhà máy bê tông thương phẩm Nguyên Anh Cam Liên của Công ty CP Kinh doanh vật liệu xây dựng Nguyên Anh I; Nhà máy sản xuất gỗ Quảng Phát của Công ty CP gỗ Quảng Phát; lò giết mổ gia súc, gia cầm sạch tập trung của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Dương là thực hiện không đúng quy định của Chính phủ và luật bảo vệ môi trường.

Hệ thống đánh đông mủ Nhà máy chế biến mủ cao su Việt Trung của Công ty CP Cao su Việt Trung, chưa thực hiện lập báo cáo công tác BVMT định kỳ hàng năm.

Về thực hiện quan trắc, giám sát môi trường định kỳ, có 6 đơn vị chưa thực hiện đầy đủ trong hai năm 2020 và 2021 theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 gồm: Khu nghỉ mát và du lịch sinh thái FSEC; khách sạn biển Phú Cường; Nhà máy sản xuất gỗ Quảng Phát; khu điều hành các điểm dừng chân và tuyến du lịch thuộc dự án Xây dựng phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, khám phá và bảo tồn hang động Tú Làn của Công ty TNHH MTV Chua Me Đất; Nhà máy sản xuất gạch không nung của Công ty CP Khoáng sản Thuận Sơn; lò giết mổ gia súc, gia cầm sạch tập trung của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Dương.

Về thực hiện lập báo cáo công tác BVMT định kỳ hàng năm theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, có 12 đơn vị chưa thực hiện gồm: Công ty CP chế biến Nhựa thông Quảng Bình, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Dương, Công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam, Công ty TNHH MTV Chua Me Đất, Công ty TNHH Xây dựng Trường Thành Quảng Bình, Công ty TNHH S&D Quảng Bình, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Trường Thành, Công ty TNHH Đoàn Kết Phú Quý, Công ty TNHH Hào Hưng Quảng Bình, Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn, Công ty CP Kinh doanh vật liệu xây dựng Nguyên Anh I và Công ty CP gỗ Quảng Phát.

Trong đó, Dự án Khu nghỉ mát và du lịch sinh thái FSEC, thuộc Công ty TNHH Đầu tư Linh Việt Nam còn phát hiện thêm sai phạm, chưa xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Ngoài ra, có 3 đơn vị chưa kê khai để nộp phí BVMT đối với nước thải công nghiệp theo quy định gồm: Công ty CP Gốm sứ và Xây dựng COSEVCO; Công ty CP Kinh doanh vật liệu xây dựng Nguyên Anh I, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Dương.

Riêng lò giết mổ gia súc, gia cầm sạch tập trung của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hải Dương đã dừng hoạt động, nhưng không có văn bản thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về môi trường.

Về lĩnh vực tài nguyên nước, Công ty TNHH Kaolin Quảng Bình Bohemia chưa có phương án để thực hiện trám lấp giếng khoan I; Công ty CP Gốm sứ và Xây dựng COSEVCO chưa có phương án để dừng khai thác và thực hiện xử lý, trám lấp giếng khoan theo yêu cầu của UBND tỉnh; Công ty CP Tinh bột sắn Quảng Bình không thực hiện báo cáo định kỳ năm 2022 về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định.

Để xảy ra các vi phạm nêu trên, Đoàn thanh tra xác định, trách nhiệm thuộc về chủ tịch hội đồng thành viên, giám đốc, người đại diện theo pháp luật tại các đơn vị có vi phạm.

Trên cơ sở xác định tính chất, mức độ vi phạm, Thanh tra Sở TN-MT Quảng Bình yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp được thanh tra, nghiêm túc thực hiện kết luận để khắc phục, nếu hết thời hạn ngày 28/2/2024 mà cố tình không khắc phục sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

Minh Phương

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/quang-binh-thanh-tra-chi-ra-nhieu-sai-pham-ve-bao-ve-moi-truong-va-tai-nguyen-nuoc-416029.html