Quản trị doanh nghiệp nhà nước: Cần tư duy mới

Đây là ý kiến của nhiều chuyên gia tại hội thảo với chủ đề về kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức mới đây.

Theo TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng CIEM, câu chuyện tư duy trong quản trị doanh nghiệp nhà nước được tóm tắt bằng hai chữ “bình đẳng”. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân mong được “bình đẳng” với doanh nghiệp nhà nước trong khi doanh nghiệp nhà nước cũng lại mong được “đối xử bình đẳng” như doanh nghiệp tư nhân. “Tư duy quản trị hiện tại không thúc đẩy được doanh nghiệp nhà nước lại còn kìm hãm cả doanh nghiệp tư nhân” - TS. Cung nói.

Còn theo ông Phạm Thế Trung - Trưởng ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp của CIEM, trong quá trình sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp nhà nước phải xin ý kiến của nhiều cơ quan nhà nước do cơ chế đặc thù về thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu. Quy định này dẫn tới tình trạng cơ quan nhà nước quyết định rất nhiều vấn đề kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nhà nước đồng thời phải chịu nhiều ràng buộc từ quy định và cơ chế quản lý như: Bổ nhiệm cán bộ, lao động, tiền lương, quản lý tài chính…

Thậm chí, một số quyền của Hội đồng thành viên hiện nay hẹp hơn Hội đồng Quản trị theo Luật doanh nghiệp nhà nước 1995, như quyền huy động vốn... “Về lâu dài và dưới góc độ quản trị doanh nghiệp hiện đại, những ràng buộc như trên là yếu tố giảm quyền tự chủ của doanh nghiệp nhà nước so với doanh nghiệp khác”, ông Trung thẳng thắn nhìn nhận.

Trong khi đó, TS. Lê Xuân Bá – nguyên Viện trưởng CIEM - cho rằng, vấn đề chính trong quản trị doanh nghiệp hiện nay là kỷ luật điều hành không nghiêm. Chẳng hạn, đã có quy định, nếu không nghiêm túc thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn theo đúng tiến độ thì lãnh đạo doanh nghiệp phải chịu kỷ luật, kể cả bị cách chức, cho thôi việc, nhưng trên thực tế chưa “xử” được mấy.

Chuyên gia kinh tế Trần Tiến Cường nhận định, tư duy quản trị doanh nghiệp nhà nước tới đây phải làm rõ và sâu hơn về phạm vi sử dụng doanh nghiệp nhà nước làm công cụ điều tiết vĩ mô về mức độ, thời điểm, bối cảnh được sử dụng.

Một số chuyên gia cho rằng, trong quản trị doanh nghiệp nhà nước, rất cần đến việc thực hiện cải cách đồng bộ 3 yếu tố: Sở hữu, thể chế quản trị và thể chế quản lý khoa học công nghệ. Tuy nhiên thực tế cho thấy, trong khi hai yếu tố đầu làm tương đối tốt thì yếu tố thứ ba còn chưa được quan tâm thích đáng.

Quang Lộc

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/quan-tri-doanh-nghiep-nha-nuoc-can-tu-duy-moi-121123.html