Quan tâm hơn tới công tác phổ biến, giáo dục pháp luật để giảm vi phạm

Sáng 24-4, thảo luận tại hội thảo bàn về các giải pháp đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật do Bộ Tư pháp tổ chức, các đại biểu tham dự nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và sự cần thiết phải tăng cường công tác này nhằm giảm hành vi vi phạm pháp luật.

Theo các đại biểu, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ. Những năm qua, trong điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn, thách thức, khối lượng công việc rất lớn, với nhiều yếu tố khách quan và chủ quan tác động, nhưng các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương vẫn tích cực triển khai thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Nhờ vậy, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu khai mạc hội thảo.

Tuy nhiên, các đại biểu cũng đánh giá, mặc dù phạm vi và đối tượng giáo dục pháp luật rất rộng, nhưng nguồn lực đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt, có địa phương không bố trí kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Vì vậy, chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đạt được như mong đợi, chưa tạo được sự chuyển biến rõ rệt trong ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật. Tình hình vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội còn nhiều diễn biến phức tạp, có biểu hiện gia tăng các vi phạm về trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm… Tình trạng cán bộ vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật trong thực thi pháp luật có xu hướng gia tăng…

Để đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, các đại biểu chia sẻ nhiều kinh nghiệm thực tế từ hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật của bộ, ngành, tổ chức, địa phương mình, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp. Trong số các giải pháp được nêu ra, các đại biểu đề nghị cần bảo đảm kinh phí cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp hằng năm nên có văn bản đề nghị các địa phương quan tâm bố trí ngân sách cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; cập nhật, khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật, Bộ Pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật.

Tin, ảnh: CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/quan-tam-hon-toi-cong-tac-pho-bien-giao-duc-phap-luat-de-giam-vi-pham-537217