Quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần

BS CKII Trần Thanh Liêm

Sức khỏe tâm thần (SKTT) đang ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của nhiều người trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Vậy làm cách nào để dự phòng và vượt qua bệnh tật. Trao đổi với phóng viên Báo Đồng Nai về vấn đề này, BS CKII Trần Thanh Liêm, Trưởng khoa Tâm thần cán bộ và quốc tế, phụ trách công tác chuyên môn kỹ thuật Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho biết:

- Sức khỏe của con người bao gồm 3 yếu tố: thể chất, tinh thần (tâm thần) và xã hội. Hiện nay, nhiều người mới chỉ chú ý đến khía cạnh sức khỏe thể chất mà chưa quan tâm cũng như chưa có sự chăm sóc, đầu tư cải thiện SKTT, thậm chí là không nhận diện được những dấu hiệu bất ổn về SKTT trong con người mình. Thiếu chăm sóc SKTT sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe thể chất.

* Ông có thể cho biết SKTT là gì? Nhận định của ông về sự quan tâm của xã hội hiện nay với SKTT?

- Có thể hiểu đơn giản, SKTT chính là toàn bộ phần “hồn” của một con người. Khi một người thức dậy thì toàn bộ SKTT của người đó hoạt động thông qua cách người đó cảm nhận thế giới, cách tư duy về nó, có cảm xúc, có hành vi, thái độ với nó... Người có SKTT bình thường khi toàn bộ các hoạt động phần “hồn” diễn ra một cách tỉnh táo.

Hiện nay, vấn đề SKTT chưa được nhiều người dân quan tâm; đồng thời ở Việt Nam cũng chưa có nhiều chính sách để giúp người dân hiểu hơn về SKTT và các bệnh nhân tâm thần, bởi đến nay vẫn chưa xây dựng được Luật SKTT. Vì thế, đôi khi còn hạn chế công việc của bác sĩ tâm thần, cụ thể như “giao” công tác quản lý người tâm thần cho đơn vị không có chuyên môn. Ví dụ: quản lý người bệnh tâm thần, công tác cai nghiện ma túy trong cộng đồng cho ngành LĐ-TBXH trong khi nó là chuyên môn của ngành Y tế tâm thần.

* Những đối tượng nào có nguy cơ dễ bị các bệnh lý về tâm thần, dấu hiệu nhận biết một người có “trục trặc” về SKTT, thưa ông?

- Giới tính nào, lứa tuổi nào cũng có thể mắc các chứng về tâm thần. Đó có thể là một đứa trẻ luôn thấy bất an khi đột ngột bị tách ra khỏi mẹ; đó là một trí thức bị mất ngủ lâu ngày; một bà nội trợ luôn cảm thấy lo âu, mệt mỏi; một phụ nữ bị trầm cảm sau sinh…

Về dấu hiệu nhận biết, một người bình thường, trong cuộc sống có thể có những lo lắng, rối trí, căng thẳng, áp lực... về một việc gì đó, nhưng khi giải quyết xong thì trở lại trạng thái bình thường. Nhưng người có “trục trặc” về SKTT là người mất ngủ kéo dài; luôn mang tâm trạng bất an, hoảng hốt, chán nản, uể oải, bức bối, có suy nghĩ tiêu cực, không thiết tha đến công việc, học hành, không muốn gặp gỡ người khác... Bản thân họ muốn thoát ra tâm trạng đó mà không thoát được, thậm chí là có ý định... tự tử.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần từ sớm sẽ giúp ngăn ngừa bệnh lý về sức khỏe tâm thần diễn tiến nặng Trong ảnh: Các bệnh nhân của Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 nhận các suất ăn trưa. Ảnh: Phương Liễu

* Những nguyên nhân nào đưa đến các bệnh lý về SKTT, thưa ông?

- Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những “trục trặc” về SKTT ở một người. Tuy nhiên, có 2 yếu tố chính là nội sinh và ngoại sinh. Yếu tố nội sinh chính là do di truyền. Nếu cha hoặc mẹ bị rối loạn cảm xúc lưỡng cực, một dạng bệnh trong SKTT, thì 20% con cái sẽ bị; cả cha và mẹ đều bị thì có tới 45% con cái sinh ra sẽ bị chứng này.

Còn yếu tố ngoại sinh là do người đó ăn uống, sử dụng những độc chất gây phá hủy chức năng của não, ví dụ người uống rượu, hút chích ma túy... Những rối loạn tâm thần còn liên quan đến các sang chấn tâm lý mà người đó phải đối mặt hằng ngày trong đời sống. Cùng bị các sang chấn tâm lý “tấn công” như: chứng kiến thảm họa động đất, sóng thần; chứng kiến người thân chết thảm; bị mất mát tài sản quá lớn hay oan khuất, uất ức nặng nề... thường khi sự việc qua đi hoặc được giải quyết xong thì tinh thần có người trở lại bình thường, nhưng có người lại bị “di chứng” nặng nề trước sự mất mát, đau đớn ngoài sức tưởng tượng này.

Đối với những trường hợp bị sang chấn tâm lý quá lớn, não sẽ kích hoạt cơ chế tự bảo vệ bản thân bằng việc gây ra một lớp “mây” che mờ não đi, điều này giúp người đó nhận thức về biến cố không còn đúng với thực chất, để người đó không phải chịu đựng nỗi đau đớn quá lớn. Nếu được điều trị kịp thời thì chỉ một thời gian ngắn hiện tượng “mây” mờ này sẽ biến mất và người bệnh sẽ khỏi hoàn toàn.

Ngoài ra, trong cuộc sống còn có các sang chấn không mạnh nhưng là cơ chế tích lũy gây ra những tổn thương tâm lý nặng nề. Ví dụ như một người vợ thường xuyên bị người chồng nghiện rượu bạo hành ngày này, qua tháng khác bỗng có ngày đã phản kháng lại mạnh mẽ; một đứa trẻ bị xâm hại tình dục có thể ngay thời điểm đó các em chỉ bị đau đớn về thể chất, nhưng trong cuộc sống khi chứng kiến sự phán xét, khinh bỉ, coi thường của người khác đối với “vết thương” của mình... dẫn đến tình trạng bị trầm cảm, để lại những tổn thương lớn lao về tâm lý.

* Nếu SKTT không được đầu tư chăm sóc, cải thiện sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất như thế nào, thưa ông?

- Hoạt động tâm thần ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất. Chẳng hạn, người thường xuyên bị căng thẳng, áp lực, lo nghĩ sẽ bị đau bao tử; người gặp phải biến cố bất ngờ hoặc tiếp nhận tin sốc có thể bị tăng huyết áp, đột quỵ; người bị trầm cảm không ngủ được lúc nào cũng có cảm giác đau như bị ai đánh, lâu ngày dẫn đến suy nhược cơ thể. Chưa kể những đứa trẻ bị trầm cảm rất dễ bị xâm hại tình dục. Chúng tôi đã làm một thống kê, trong số 49 trẻ dưới 13 tuổi đến điều trị trầm cảm tại Bệnh viện Tâm thần trung ương 2, thì có hơn 30 trẻ từng bị xâm hại tình dục. Do đó, nếu SKTT không được chăm sóc tốt sẽ gây ra nhiều chứng bệnh về thực thể.

* Để ngăn ngừa tình trạng mắc các chứng liên quan đến tâm thần, người dân cần ứng phó như thế nào khi hằng ngày phải đối diện với rất nhiều vấn đề phức tạp diễn ra trong đời sống, nhất là khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát?

- Các bệnh lý về SKTT được xem như gánh nặng không xác định và giấu mặt, bởi nó gây tổn thất về kinh tế và xã hội với gia đình, cộng đồng và đất nước. Gần đây, bệnh nhân bị các chứng rối loạn tâm thần vào viện có xu hướng tăng, nhất là trong đợt dịch bệnh Covid-19, nhiều người thất nghiệp, mất thu nhập, nợ nần..., tuy nhiên đây chỉ là vấn đề thời điểm.

Về căn cơ, để giảm nguy cơ dẫn đến bị các bệnh lý liên quan đến tâm thần thì nên có lối sống lành mạnh không rượu bia, ma túy, tệ nạn; giữ môi trường tâm lý trong lành cho bản thân và gia đình; không nên thường xuyên bực tức, hằn học; cái gì không đáng, không thể giải quyết được tại thời điểm đó thì nên bỏ qua, đừng cố nghĩ. Lâu lâu cũng nên đi du lịch, thăm người thân, gặp bạn bè để chia sẻ, tâm sự, vui chơi... Khi thấy bản thân hoặc người nhà có những dấu hiệu khác thường, nên đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được bác sĩ khám, xác định tình trạng bệnh lý mà có phương pháp điều trị phù hợp.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới cứ 4 người thì có 1 người từng bị 1 hoặc nhiều rối loạn trong đời. Tại Việt Nam, theo Viện SKTT Trung ương, tỷ lệ mắc 10 chứng rối loạn tâm thần phổ biến trong năm 2014 là 14,2%, trong đó riêng rối loạn trầm cảm chiếm 2,45%. Tỷ lệ tự sát trong năm 2015 là 5,87/100 ngàn dân. Tỷ lệ dự kiến sẽ tăng bởi số người sử dụng ma túy và nghiện game đang gia tăng. Hiện tại, Văn phòng WHO tại Việt Nam đang hỗ trợ Bộ Y tế phát triển mô hình lồng ghép SKTT vào sức khỏe nói chung, tập trung vào tuyến chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Phương Liễu (thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202010/quan-tam-cham-soc-suc-khoe-tam-than-3027243/