Phương Tây trừng phạt Nga đến bao giờ?

Hôm 28/9, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đề xuất gói trừng phạt mới nhằm vào Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Nếu đề xuất này được thông qua trong kỳ họp sắp tới của EU thì đây sẽ là gói trừng phạt thứ 8 của EU nhằm vào Nga. Trong bối cảnh các bên đều thiệt hại kinh tế nặng nề khi phương Tây tiến hành các gói trừng phạt nhằm vào Nga kể từ khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, dư luận đang băn khoăn, đến khi nào thì các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga kết thúc.

Bà Leyen. Ảnh: AP.

Bà Leyen. Ảnh: AP.

Gói trừng phạt thứ 8 của châu Âu được đề xuất bao gồm các lệnh cấm nhập khẩu đối với các sản phẩm của Nga, dự kiến làm giảm doanh thu của Moscow thêm 7 tỷ euro (khoảng 6,75 tỷ USD) và nhiều lệnh cấm xuất khẩu khác đối với công nghệ chủ chốt được sử dụng cho quân đội như các mặt hàng hàng không, linh kiện điện tử và nhiều sản phẩm cụ thể khác.

Gói trừng phạt mới cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc áp trần đối với giá dầu của Nga và cấm các công dân EU tham gia vào ban điều hành các công ty thuộc sở hữu của Chính phủ Nga. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Leyen cho biết: “Chúng tôi không chấp nhận cuộc trưng cầu ý dân cũng như bất kỳ hình thức sáp nhập nào ở Ukraine và chúng tôi quyết tâm buộc Điện Kremlin phải trả giá cho hành động leo thang này. Vì vậy, hôm nay, chúng tôi đang cùng nhau đề xuất một gói trừng phạt mới nhằm vào Nga."

Bà Leyen cho biết bất kỳ ai giúp Nga trốn tránh các lệnh trừng phạt đều sẽ bị liệt vào danh sách các biện pháp hạn chế của Liên minh châu Âu (EU). EU sẽ chuyển đề xuất này đến 27 quốc gia thành viên của khối. Để các lệnh trừng phạt được thực thi phải cần có sự đồng ý của tất cả thành viên. EU dự kiến sẽ có cuộc thảo luận đầu tiên vào ngày 30/9 trước khi nhóm họp chính thức tại Praha, Cộng hòa Séc vào tháng 10.

Trong khi Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất gói biện pháp trừng phạt thứ 8 nhằm vào Nga thì Mỹ cũng cho biết sẽ tăng cường trừng phạt kinh tế đối với Moscow.

Theo lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, Washington đang làm việc với các đồng minh và đối tác để nhanh chóng áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế mạnh mẽ lên Nga liên quan đến các cuộc trưng cầu dân ý tại 4 khu vực ở Ukraine. Các biện pháp trừng phạt lần này sẽ bao gồm việc siết chặt các hạn chế thương mại đối với Moscow, đưa thêm nhiều cá nhân của Nga vào danh sách đen và áp giá trần đối với bên thứ ba nhập khẩu dầu Nga. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ xem xét lĩnh vực tài chính và công nghệ cao của Nga, đặc biệt là khai thác năng lượng.

“Mỹ sẽ không bao giờ công nhận những nỗ lực của Nga nhằm sáp nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine. Hoàn toàn ngược lại, chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác để gây áp lực hơn nữa lên Nga. Chúng tôi đang bổ sung những biện pháp trừng phạt trong những ngày tới ”.

Trước những biện pháp trừng phạt liên tục nhằm vào Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov mới đây cho rằng, biện pháp trừng phạt là con dao hai lưỡi, bởi vì giá cả tăng và thu nhập giảm ở nhiều nước châu Âu, kéo theo đó là tình trạng thiếu năng lượng và các mối đe dọa của biến động xã hội.

"Những người mà trước đây là đối tác kinh tế của chúng tôi đã chọn các biện pháp trừng phạt bất hợp pháp và đơn phương cắt đứt quan hệ kinh doanh. Điều này không giúp giải quyết các vấn đề của nền kinh tế thế giới mà còn khiến nó trầm trọng thêm”

Nhiều nhà phân tích nhận định, các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga đều được đưa ra một cách vội vàng và không thành công như dự tính. Thực tế, những biện pháp này gây thiệt hại ít hơn nhiều cho nền kinh tế Nga. Bất chấp “bão” trừng phạt, hiện nền kinh tế Nga đang được hưởng lợi do giá năng lượng tăng cao, trong khi nền kinh tế phương Tây và nhiều nước trên thế giới lại đang bị thiệt hại nặng nề vì lạm phát tăng cao./.

Vũ Anh Tuấn/VOV1 tổng hợp

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/phuong-tay-trung-phat-nga-den-bao-gio-post974075.vov