Phù Yên nâng cao chất lượng giáo dục

Với phương châm “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao trình độ, năng lực giảng dạy của đội ngũ giáo viên; thường xuyên phát động phong trào thi đua dạy tốt, học tốt, đưa chất lượng giáo dục đi vào thực chất.

Học sinh Trường THPT Tân Lang trao đổi bài ngoài giờ lên lớp.

Huyện Phù Yên hiện có 69 đơn vị trường học các cấp, với trên 35.000 học sinh và hơn 2.000 cán bộ, giáo viên. Theo khảo sát từ các đợt kiểm tra chất lượng giáo dục, có sự chênh lệch tương đối lớn giữa các xã vùng trung tâm có điều kiện thuận lợi và các xã vùng sâu, vùng xa. Vì vậy, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã chỉ đạo các trường học đánh giá năng lực của giáo viên và khả năng tiếp thu của học sinh, từ đó, đưa ra những điều chỉnh hợp lý trong chương trình học phù hợp với từng địa bàn.Bà Lường Thị Thắm, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phù Yên, cho biết: Từ đầu năm học 2023-2024, Phòng chú trọng nâng cao trình độ chuẩn đối với giáo viên cấp mầm non, tiểu học và THCS. Khuyến khích đội ngũ nhà giáo tự học, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. Phối hợp với Phòng Nội vụ điều động, luân chuyển, bố trí giáo viên đảm bảo cân đối, phù hợp về cơ cấu bộ môn. Đẩy mạnh xã hội hóa, huy động nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu tổ chức các hoạt động giáo dục và thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.Trong năm 2023, toàn huyện đã có 60 giáo viên được đi đào tạo chuyên môn đại học và sau đại học; trên 100 giáo viên được đào tạo lý luận chính trị. Hiện nay, 80% số giáo viên có trình độ đạt chuẩn trở lên.

Thầy và trò Trường PTDT Nội trú THCS và THPT huyện Phù Yên trao đổi ngoài giờ học.

Tại các trường học, ngay từ đầu năm học đã tổ chức đánh giá chất lượng học sinh. Trên cơ sở đó, phân công giáo viên dạy phụ đạo cho học sinh có học lực trung bình và học lực yếu, giúp các em củng cố, bổ sung những kiến thức, từng bước nâng cao lực học. Đẩy mạnh phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi; thi làm đồ dùng dạy học… Khuyến khích giáo viên phát huy sáng kiến kinh nghiệm giảng dạy gắn với cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”. Đa dạng hình thức giảng dạy theo hướng mở, linh hoạt, phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh ở từng địa bàn, nhằm tăng sự hứng thú trong việc học của học sinh các cấp, từ đó, khơi dậy tinh thần ham học của các em.Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện ngày càng thực chất và nâng cao hơn. Kết quả học kỳ 1, năm học 2023-2024 của toàn huyện đạt và vượt mục tiêu đề ra, theo đó, tỷ lệ học sinh có học lực khá, giỏi đạt trên 85%; học lực trung bình giảm 5%. Căn cứ vào kết quả học kỳ 1, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đã yêu cầu các trường xây dựng kế hoạch tổ chức các lớp bồi dưỡng, phụ đạo cho học sinh có học lực trung bình và yếu. Đồng thời, ưu tiên việc ứng dụng các phương pháp dạy học mới, phát huy tối đa các giáo cụ trực quan giúp học sinh nắm bắt kiến thức tốt hơn.Cùng với đó, chất lượng giáo dục mũi nhọn cũng được chú trọng, toàn huyện có 26 học sinh giỏi cấp tỉnh, với 2 giải nhì; 10 giải ba; 14 giải khuyến khích và 459 học sinh giỏi cấp huyện. Năm học 2023-2024, có 10 dự án dự thi và đạt giải trong Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THCS cấp tỉnh .Thầy giáo Nguyễn Văn Tĩnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Suối Bau, thông tin: Năm học này, nhà trường có 17 lớp, với tổng số trên 350 học sinh, hầu hết là con em của đồng bào Mông, nên việc dạy và học cũng khó khăn, nhất là các em học sinh lớp 1, chưa thạo tiếng phổ thông. Nhà trường đã tổ chức dạy thêm tiếng Việt cho các em. Đồng thời, phân luồng học sinh có học lực trung bình, yếu để dạy phụ đạo ngay từ đầu năm học. Các thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp thường xuyên động viên, khích lệ các em cố gắng vươn lên trong học tập và rèn luyện. Nhờ vậy, học kỳ 1 vừa qua, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của trường đạt 62%, tăng 7% so với cùng kỳ của năm học trước.

Một giờ học tại điểm trường tiểu học bản Suối Dinh, xã Mường Bang.

Còn tại Trường tiểu học thị trấn Phù Yên, chất lượng giáo dục tăng rõ rệt qua từng năm học. Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn; đổi mới phương pháp dạy học phù hợp với điều kiện thực tế; khuyến khích giáo viên ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, tạo môi trường học tập thân thiện, tạo hứng thú cho học sinh tiếp thu các bài học trên lớp. Vì vậy, tỷ lệ học sinh khá, giỏi hằng năm đều đạt trên 90%.Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, huyện Phù Yên tiếp tục tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn đạt chuẩn; cải thiện điều kiện cơ sở vật chất, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong dạy và học.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/khoa-giao/phu-yen-nang-cao-chat-luong-giao-duc-1J0GykFIR.html