Phụ nữ Ấn Độ gặp khó vì luật phá thai

Quan niệm trọng nam khinh nữ, tư tưởng bảo thủ, sự thiếu hiểu biết, sự chậm trễ trong việc xử lý của cơ quan pháp luật là những lý do chủ yếu đẩy nhiều phụ nữ Ấn Độ vào con đường phá thai bất hợp pháp, nguy hiểm đến tính mạng.

Luật bảo vệ phụ nữ lại đẩy phụ nữ đến lựa chọn phá thai bất hợp pháp

Chị Anita Adhikari (43 tuổi, sinh sống tại khu ổ chuột ở thành phố Gurgaon, Ấn Độ) ngượng nghịu nói, dù đã có 2 người con trưởng thành, trong đó 1 cậu con trai của chị sắp làm cha, nhưng vợ chồng chị vẫn quan hệ tình dục gần như hàng ngày để đáp ứng nhu cầu của chồng chị.

Với thể trạng thiếu máu và thiếu cân, chị Anita thường không để ý đến kỳ kinh nguyệt. Sau 3 tháng không thấy có kinh nguyệt, ngỡ mình đã mãn kinh nhưng vào một ngày tháng 2 vừa qua, chị nhận được tin "sét đánh" rằng mình đang mang thai và lựa chọn duy nhất của chị là phá thai. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, một người phụ nữ không thể phá thai chỉ vì cô ấy không muốn đứa trẻ hay bởi cô ấy không có khả năng nuôi nấng hoặc vì cô ấy chưa kết hôn. Sự lựa chọn không có trong luật.

“Khi tôi sắp trở thành bà nội thì tôi lại có thai. Tôi còn không có tiền nữa”, chị Anita than thở.

Hiện chị Anita mang thai đã 22 tuần và bác sĩ buộc phải từ chối phá thai cho chị vì đã quá thời hạn được phép phá thai trong luật là 20 tuần.

Một tấm biển quảng cáo dịch vụ phá thai

Theo luật, bác sĩ chỉ có thể thực hiện phá thai hơn 20 tuần trong 3 trường hợp:

- Thai kỳ gây nguy hiểm cho sức khỏe của thai phụ;

- Thai nhi phát triển bất thường;

- Cái thai là kết quả của một vụ hãm hiếp.

Trên thực tế, giới hạn 20 tuần được các nhà lập pháp Ấn Độ đưa ra dựa trên kiến thức y khoa với ý tốt vì phá thai sau 20 tuần là không an toàn. Thậm chí, phá thai ở tuần thai thứ 12 cũng có thể có rủi ro nên luật còn yêu cầu phải có 2 bác sĩ ký giấy phá thai từ 12 đến 20 tuần.

Bên cạnh đó, tất cả các trường hợp phá thai đều phải được sự đồng ý của tòa án. Tuy nhiên vì số lượng các trường hợp chờ xử lý quá lớn nên tòa án thường mất một thời gian dài để ra quyết định, vì vậy phê duyệt cuối thường vượt giới hạn pháp lý 20 tuần tuổi thai.

Nhớ lại vào năm ngoái, một bé gái 14 tuổi đến từ Uttar Pradesh mang thai sau khi bị hãm hiếp đã phải ra tòa sau khi bị các bác sĩ từ chối phá thai. Các thủ tục tố tụng mất 8 tuần. Vào thời điểm đó, cái thai của cô bé đã quá lớn và không được tòa chấp thuận phá thai. Vì vậy gia đình đã buộc phải gả con gái cho chính kẻ đã hãm hiếp cô bé để “cứu” gia đình khỏi “sự nhục nhã” khi con gái chưa lập gia đình đã mang thai.

Ngoài cái kết đau lòng như cô bé trên, nhiều người phụ nữ tìm đến các phòng khám chui, không đảm bảo, không giấy phép để phá thai.

Kết quả một nghiên cứu của Viện Guttmacher được công bố trên tạp chí The Lancet tháng 12/2017 cho thấy, trong số 15,6 triệu vụ phá thai ở nước này năm 2015, chỉ có 3,4 triệu vụ (22%) được thực hiện tại các cơ sở y tế.

Là một người nghèo, không biết chữ, làm việc trong nhà máy lốp xe, việc xin tòa cho phép phá thai đối với chị Anita thực sự rất khó khăn. Cuối cùng, một người dì đã đưa chị đến một phòng khám không phép để phá thai.

Trong một tình trạng khác, bác sĩ Manisha Gupte, người tiên phong trong việc ủng hộ quyền phá thai của phụ nữ, chỉ ra rằng, đại đa số phụ nữ nông thôn Ấn Độ không biết rằng phá thai là hợp pháp. Hầu hết họ vẫn nghĩ rằng việc phá thai là một tội ác. Đó là một lý do tại sao nhiều người đã để vượt quá giới hạn 20 tuần mới phá thai và biến việc thực thi quyền của mình trở thành bất hợp pháp.

Kêu gọi thay đổi luật

Nhiều bác sĩ phụ khoa và các nhà hoạt động nữ quyền tin rằng điều luật trên cần được sửa đổi.

Tiến sĩ Jaideep Tank, Tổng thư ký của Liên đoàn các Hội Phụ sản và Sản khoa Ấn Độ, cho biết: “Giới hạn chắc chắn cần phải được kéo dài đến 24 tuần vì những tiến bộ y khoa đã có thể đảm bảo quá trình phá thai ở thời điểm này hoàn toàn an toàn và đảm bảo đạo đức”.

Trên thực tế, một dự luật sửa đổi đã được trình từ năm 2014. Trong đó đề xuất một số thay đổi bao gồm việc tăng giới hạn pháp lý phá thai từ 20 đến 24 tuần, công nhận quyền phá thai an toàn và hợp pháp là quyền của phụ nữ nói chung, chứ không chỉ là quyền của phụ nữ đã lập gia đình.

Xã hội Ấn Độ đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua. Phụ nữ độc thân quan tâm đến đời sống tình dục nhiều hơn. Họ thoải mái với vấn đề ly hôn, độc thân hay sống tự do hơn. Nhưng họ vẫn bị ám ảnh bởi những quan niệm cũ và hạn chế của luật phá thai hiện tại.

Natasha Puri, sinh viên ngành báo chí ở New Delhi, là ví dụ điển hình cho mẫu người phụ nữ hiện đại này. Cô thoải mái trong vấn đề tình dục với bạn trai tuy nhiên rắc rối ập đến khi cô phát hiện mình mang thai vào tháng 11/2017. Cô tìm đến thuốc phá thai nhưng nó khiến cô mất máu, nhiễm trùng và sốt cao.

Khi cô đến gặp bác sĩ và nói rằng cô đang mang thai, điều đầu tiên bác sĩ hỏi là: “Cô đã kết hôn chưa?”. Natasha đã phải nói dối rằng: “Chồng tôi đang ở ngoài thị trấn”. Cô đã đi phá thai mà không nói với bạn trai hay gia đình vì: “Nếu họ biết, họ sẽ không bao giờ nói chuyện với tôi một lần nữa. Đó là một cơn ác mộng. Tôi sợ rằng bác sĩ sẽ nói với gia đình tôi hoặc họ sẽ biết sự thật bằng một cách nào đó”.

Việc xử đổi luật phá thai sẽ giúp những phụ nữ chưa lập gia đình như Puri có thể phá thai mà không phải giả vờ là mình đã kết hôn.

Tuy nhiên đã 4 năm trôi qua kể từ khi dự luật sửa đổi được đệ trình, nó vẫn bị bỏ ngỏ.

Ảnh minh họa

“Nó không phải là một ưu tiên đối với các nghị sĩ nam. Trong xã hội gia trưởng này, đàn ông không thích ý tưởng mà trong đó phụ nữ có quyền kiểm soát cơ thể họ. Điều này cũng không quan trọng đối với họ vì đàn ông không mang thai”, bác sĩ Gupte chua chát nói.

* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Trà Li South China Morning Post

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/xa-hoi/phu-nu-an-do-gap-kho-vi-luat-pha-thai-post42844.html