Phú An làm giàu từ nghề mộc

Ông Nguyễn Doãn Hợp, Trưởng thôn Phú An, chia sẻ: 'Từ khi kinh tế phát triền, các hộ gia đình trong thôn đều tham gia làm nghề mộc'.

Thôn Phú An, xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ (Hà Nội) hiện có 500 hộ gia đình với khoảng 2.500 nhân khẩu, trong đó có tới 1.570 người làm nghề mộc và khoảng 200 lao động phụ từ 12–15 tuổi đến 65 tuổi.

Trên thị trường xuất hiện các sản phẩm đồ gỗ sản xuất ở Phú An khá đa dạng và phong phú, một số hàng thông dụng như: Giường, tủ, bàn ghế, cửa các loại, chấn song và tay vịn cầu thang, hàng trang trí nội thất… với chất lượng đảm bảo, mẫu mã phổ biến, giá thành hợp lý. Không chỉ vậy, thôn Phú An cũng có không ít thợ giỏi làm ra những loại đồ gỗ cao cấp, cầu kỳ, sang trọng theo truyền thống như: tủ chè, sập gụ, sập lim, chạm trổ hoa văn các loại…, tùy theo nhu cầu của khách hàng.

Dọc theo con đường trong thôn, chúng tôi có thể bắt gặp nhiều xưởng mộc với vô số loại gỗ và máy móc, trang thiết bị. Bác Nguyễn Văn Quyền (có thâm niên 15 năm trong nghề) vui vẻ nói: “Để nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo mẫu mã đẹp, các cơ sở sản xuất đồ mộc ngày nay đều trang bị máy móc hiện đại như: máy cưa, bào, khoan, tiện… Tuy nhiên, không có máy nào thay thế được đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của những nghệ nhân đồ mộc đã có truyền thống bấy lâu nay”.

Sản phẩm của Phú An.

Khi được hỏi về các loại gỗ được sử dụng, bác Quyền chia sẻ: “Những loại gỗ dùng để làm mặt hàng đồ gỗ nội thất cao cấp thường sử dụng là gụ, hương, sồi, lim…; ngoài ra còn một số loại gỗ thông dụng khác như xoan, mận… Hiện nay các xưởng còn dùng gỗ công nghiệp để có những mẫu mã mới”.

Nhờ những phương thức kinh doanh đáp ứng được nhu cầu thị trường mà nghề mộc ở Phú An vẫn được duy trì và ngày càng phát triển, mức tiêu thụ sản phẩm mộc khá ổn định. Mẫu mã, chất lượng sản phẩm mộc dân dụng và mộc mỹ nghệ của thôn được khẳng định ở hầu khắp các thị trường Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Phú Thọ…

Việc duy trì và phát triển làng nghề mộc đã góp phần giải quyết việc làm tại chỗ cho trên 1.570 lao động chính và hàng trăm lao động phụ của địa phương cũng như ở một số xã lân cận với mức thu nhập trung bình từ 3-4,5 triệu đồng/người/tháng. Nhiều hộ gia đình, cơ sở sản xuất, tùy theo quy mô và mức độ đầu tư phương tiện, máy móc sản xuất, có thể thu lãi từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/năm.

Chủ tịch UBND xã Thanh Đa, ông Nguyễn Văn Mạnh, cho biết: “Hiện nay, cùng với nghề sản xuất tượng thạch cao, sản xuất đồ gỗ cũng đang là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Nghề mộc phát triển ở tất cả các thôn. Trong đó, tập trung ở 2 thôn Phú An và Thanh Mạc. Đây cũng là nghề mở ra hướng đi mới để phát triển kinh tế ở xã Thanh Đa”.

Lan Phương

KTNT

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/phu-an-lam-giau-tu-nghe-moc-post5814.html