Phòng, trị liệu rối nhiễu tâm trí cho trẻ em

Tăng động giảm chú ý, trầm cảm, tự kỷ, rối nhiễu hành vi, cảm xúc... là những dạng rối nhiễu tâm trí (RNTT) thường gặp ở trẻ. Điều đáng báo động là hiện tượng này ngày càng có chiều hướng gia tăng.

Trong căn phòng rộng chừng 50m2 được trang trí và bày biện tươi tắn, vui mắt như một lớp mẫu giáo, có tranh tường, có giá gỗ và tủ gương đựng đồ chơi, 3 nhân viên trị liệu của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (Sở LĐ-TB&XH) đang trị liệu cho các cháu bị RNTT. Ở đây mỗi nhân viên trị liệu cho một cháu và đều có giáo án riêng. Bé S năm nay 5 tuổi bị rối nhiễu cảm xúc từ nhỏ, nghĩa là bé không làm chủ được cảm xúc của mình, lúc nào cũng cười. Khi phát hiện ra con mình bị như vậy, bố mẹ của S đã đưa bé đến Trung tâm Công tác xã hội để được trị liệu. Tại đây, S được nhân viên của Trung tâm soạn giáo án riêng để điều trị, sau hơn 1 năm, đến nay S đã tiến bộ hơn rất nhiều, nhận biết được nhiều thứ và quan trọng nhất là bước đầu kiểm soát được cảm xúc của mình.

Nhân viên Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, can thiệp trị liệu cho trẻ rối loạn cảm xúc.

Không chỉ S, mà nhiều trẻ khi điều trị tại đây đã tiến bộ rõ rệt. Mô hình “Phòng và điều trị RNTT cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” được triển khai từ năm 2013. Đến nay, sau gần 7 năm triển khai, mô hình đã thực hiện sàng lọc, tư vấn; can thiệp, trị liệu tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh cho hàng trăm trẻ có biểu hiện rối nhiễu, chậm phát triển ở các lĩnh vực: Chậm ngôn ngữ, tăng động giảm chú ý, rối loạn cảm xúc, hành vi… Các cháu khi kết thúc trị liệu tại Trung tâm đã có sự thay đổi, tiến bộ vượt bậc so với lúc đầu đến sàng lọc, đánh giá. Nhiều trẻ không còn ngại giao tiếp, ngôn ngữ linh hoạt hơn, chủ động hơn, có những trẻ mất hẳn sự tăng động, chú ý và tập trung hơn trong học tập, sinh hoạt hàng ngày.

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã thực hiện sàng lọc đối với 47 trẻ (đạt 94% so với kế hoạch). Trong đó, phát hiện 34 trẻ có biểu hiện của RNTT; độ tuổi đánh giá từ 2-7 tuổi. Hoạt động sàng lọc đánh giá được thực hiện bằng phương pháp Test denver II, thang đo tăng động giảm chú ý, và PEP R để đánh giá thực trạng sự phát triển trên từng lĩnh vực của trẻ (7 lĩnh vực phát triển: Vận động tinh, vận động thô, bắt chước, tri giác, phối hợp tay mắt, tư duy, ngôn ngữ, 4 thang hành vi: Quan hệ, vật liệu, cảm giác và ngôn ngữ).

Đặc biệt, nhân viên phòng khám thực hiện trị liệu theo phương pháp một - một. Nghĩa là trong một ca trị liệu, mỗi nhân viên sẽ can thiệp với một trẻ. Kế hoạch cho từng cháu được xây dựng theo chương trình cả đợt, từng tháng, từng ngày. Tối thiểu mỗi cháu cần trị liệu trong 3 tháng, trung bình là 6 tháng, có cháu nặng có thể cần hỗ trợ trị liệu hơn 12 tháng. Mỗi cháu được trị liệu từ 3-5 ca/tuần, có cháu gặp vấn đề nặng có thể được tăng buổi trị liệu lên 10 ca/tuần, thời gian trị liệu 75 phút/ca. Sau khi trị liệu cho trẻ, nhân viên phòng khám trao đổi lại với phụ huynh, hướng dẫn, nhận xét về từng bài tập để phụ huynh phối hợp can thiệp trị liệu với trẻ tại nhà.

Can thiệp trị liệu cho trẻ tự kỷ.

Ngoài việc can thiệp, trị liệu tại Trung tâm, đơn vị còn thực hiện sàng lọc, tư vấn và trị liệu cho trẻ tại cộng đồng trên địa bàn phường Ka Long, xã Hải Xuân, Hải Hòa (Móng Cái) xã Quảng Chính (Hải Hà). Sau khi sàng lọc và phát hiện 20 trẻ có biểu hiện RNTT, Trung tâm đã tổ chức tập huấn cho người thường xuyên chăm sóc trẻ. Đồng thời, nhân viên của mô hình đã tiến hành phối hợp với gia đình thực hiện các hoạt động trị liệu cho trẻ và hướng dẫn gia đình thực hiện các bài tập trị liệu để có thể tự thực hiện cho con em hiệu quả.

Với sự kết nối, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chăm sóc và giáo dục, can thiệp, mô hình Phòng và điều trị RNTT cho trẻ em tại Trung tâm Công tác xã hội và tại cộng đồng đã góp phần tạo thêm cơ hội để trẻ được chăm sóc, điều trị tốt hơn khi hòa nhập cộng đồng.

Thu Trang

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/phong-tri-lieu-roi-nhieu-tam-tri-cho-tre-em-2491698/