Phóng sinh thế nào cho may mắn, không gây hại môi trường?

Gặp con chim, con cá bị lạc bầy thì phải đưa bàn tay từ bi ra giúp chúng trở lại môi trường tự nhiên. Việc phóng sinh nên được thực hiện bất cứ lúc nào chứ không chỉ chờ ngày lễ, Tết mới làm.

Không nên chờ đến Tết hay ngày lễ mới phóng sinh

Ngày ông Công ông Táo, lễ Tết, mùng 1 hay ngày Rằm, nhiều người thường mua chim, cá chép, rùa để thực hiện việc phóng sinh, cầu mong năm mới, tháng mới gặp nhiều may mắn, tốt lành. Phóng sinh thường được hiểu đơn giản là khi gặp một con vật bị nạn thì ra tay cứu thoát. Đặc biệt, vào dịp Tết, mùng 1 hay ngày Rằm, mọi người thường mua chim, cá, rùa để phóng sinh, cầu mong năm mới, tháng mới gặp nhiều may mắn, tốt lành.

Thời gian qua, nhiều người đã phóng sinh các loài cá chim, rùa tai đỏ - những loài có khả năng sinh sản nhanh, ăn tất cả các loài thủy sinh trong ao, làm phá hủy môi trường nước, đe dọa các loài đang sinh sống trong môi trường đó. Ngoài ra, không ít loài đã chết sau khi được phóng sinh. Điển hình là, những con chim trời đang tự do bay lượn thì bị người ta bẫy và bán cho những người đi phóng sinh. Vòng luẩn quẩn bắt rồi thả rồi lại bị bắt khiến những chú chim tội nghiệp chết dần chết mòn và không còn có thể cất cánh bay cao được nữa.

Cần tìm hiểu kỹ môi trường sống của các loài động vật trước khi phóng sinh.

Nhiều loài rùa như rùa núi viền, rùa núi vàng thường bị phóng sinh xuống ao chùa, nhưng trên thực tế chúng cũng không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước. Hầu hết chúng sẽ chết sau vài ngày hoặc một tuần sau khi được thả xuống ao.

TS. Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc Liên hiệp khoa học công nghệ UIA, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, việc phóng sinh mà nhiều người đang làm hiện nay mới chỉ thiên về hình thức chứ không phải là bản chất. Phóng sinh là việc khơi dậy lòng từ bi ở mỗi con người. Nguồn gốc của phóng sinh là không ăn thịt cá, không sát sinh. Sau đó, tinh thần phóng sinh là đi đến đâu thấy người hay con vật gặp hoạn nạn là phải cứu giúp.

Gặp con chim, con cá bị lạc bầy thì phải đưa bàn tay từ bi ra giúp chúng trở lại môi trường tự nhiên. Còn đi mua chim, cá về để phóng sinh thì chỉ là hình thức. Chính vì có người mua nên mới có người đi bắt chim, cá về để bán. Trong quá trình bắt, vận chuyển, không ít con bị chết. Vậy là chính hành vi đi mua động vật để phóng sinh đã vô tình giết hại động vật mà chúng ta không hay biết. Nếu ta không mua, sẽ không ai bắt chúng để đi bán.

Hiện nay một số ngôi chùa họ định ngày trong tháng sẽ phóng sinh, mọi người cũng có thể đến chùa vào ngày đó để cùng phóng sinh. Thế nhưng, điều này dẫn đến việc những người xấu họ lợi dụng để chầu chực sẵn, chờ đến khi bắt đầu phóng sinh thì họ tìm mọi cách như dùng điện, giăng lưới… để bắt cá lại mang đi bán. Phóng sinh như thế, không đưa được động vật về với tự nhiên mà lại là cơ hội để kẻ trục lợi kiếm lời, gây họa nhiều hơn lợi.

Theo chuyên gia, thay vì phóng sinh như thế, nhà chùa nên chuyển sang làm những việc thiện khác như dùng tiền đó giúp đỡ người nghèo khó, tặng quà Tết cho các gia đình nghèo, trao học bổng cho học sinh vượt khó.... sẽ có ích hơn nhiều.

Phóng sinh cần tìm hiểu môi trường sống của động vật

Bà Nguyễn Thị Phương Dung, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên cho biết, việc phóng sinh trước hết không nên quá hình thức mà nên được làm một cách tùy duyên, ngay trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người. Theo đó, khi gặp một con vật bị nạn, mình ra tay cứu thoát. Cứu chúng sinh trong thời điểm này mới thực là ý nghĩa nguyên bản của việc phóng sinh.

Cần lưu ý rằng có rất nhiều người chọn rùa làm sinh vật để phóng sinh. Tuy nhiên, nhiều loài rùa như rùa núi viền, rùa núi vàng nếu phóng sinh xuống ao thường không thể sống hoặc ở lâu trong môi trường nước; chúng đều sẽ chết sau vài ngày hoặc 1 vài tuần. Thậm chí, nhiều loài còn thuộc nhóm loài đặc biệt nguy cấp và được pháp luật bảo vệ.

Để việc phóng sinh thực sự có ý nghĩa, người phóng sinh cần phải tìm hiểu rõ môi trường sống của các loài vật để có thể đưa chúng đến nơi phù hợp và an toàn, tạo cơ hội sống sót cho các loài sinh vật được phóng sinh. Khi gặp khó khăn, có thể liên hệ các cơ quan chuyên môn để có cách phóng sinh, cứu giúp các loài sinh vật đúng đắn và phù hợp nhất, tránh phóng sinh vội vàng, bừa bãi.

Khi phóng sinh phải chọn những nơi không có bất kỳ mối đe dọa gây nguy hại nào, tránh những nơi thường xuyên xảy ra vấn nạn săn bắt. Chọn những nơi có môi trường sống tốt để chúng có thể phát triển, sinh sôi, không nên chọn những nơi ô nhiễm, khi đó sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng của các loại động vật.

Theo chuyên gia, để phong tục phóng sinh ngày Tết có ý nghĩa, đem lại may mắn, chỉ cần ra chợ mua số cá vừa đủ số tiền mình có, chọn nơi thích hợp và phóng sinh là được. Tuyệt đối không được đặt hàng trước, mua số lượng lớn con vật để phóng sinh. Ngoài ra, không nên trả giá khi mua lại những con vật mà mình phóng sinh.

Bà Nguyễn Thị Phương Dung cho rằng, phóng sinh vốn là nét đẹp trong văn hóa người Việt, có ý nghĩa nhân sinh và góp phần giáo dục con người bảo vệ thiên nhiên. Tuy nhiên, việc phóng sinh bừa bãi không có hiểu biết chính là nguy cơ đe dọa sự sống cho các loài động vật hoang dã. "Nếu muốn bảo vệ động vật hoang dã thì cách tốt nhất là để chúng được sống trong môi trường tự nhiên và đảm bảo chúng không bị săn bắt…," bà Dung nhấn mạnh.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/phong-sinh-the-nao-cho-may-man-khong-gay-hai-cho-moi-truong-1692402011144579.htm