Phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp xây dựng bằng trọng tài

Sáng 16-6, tại Hà Nội, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ban vận động thành lập Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo 'Phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp xây dựng bằng trọng tài'. Đây là hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Trọng tài và hòa giải thương mại Việt Nam 2020 (VAW2020).

Ngày 17-6-2010, Luật Trọng tài thương mại được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-1-2011. Trong 10 năm qua, trọng tài thương mại nói riêng và giải quyết tranh chấp bằng các phương thức ngoài tòa án nói chung (ADR) đã có những bước phát triển đáng kể, điều này cho thấy chủ trương khuyến khích giải quyết tranh chấp bằng trọng tài của Nhà nước đã phát huy được hiệu quả trên thực tế.

Toàn cảnh hội thảo.

Năm 2010, khi Luật Trọng tài thương mại được thông qua, cả nước chỉ có 7 trung tâm trọng tài với số lượng trọng tài viên ít ỏi, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng như luật sư còn hạn chế, số vụ mà các trung tâm trọng tài nhận được không đáng kể (VIAC thời điểm đó chỉ nhận được khoảng 50 đến 60 vụ/năm) và không có trung tâm hòa giải thương mại nào tồn tại. Cho đến nay, Việt Nam đã có 31 trung tâm trọng tài thương mại và chi nhánh văn phòng đại diện trung tâm trọng tài nước ngoài cùng với 20 trung tâm hòa giải thương mại (bao gồm cả những trung tâm trọng tài đăng ký thêm dịch vụ hòa giải). Đội ngũ trọng tài viên cũng như hòa giải viên phát triển và đã có cả những trọng tài viên, hòa giải viên của Việt Nam được công nhận trên thế giới.

Trọng tài thương mại nói riêng và các phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án nói chung (ADR) phát triển, một mặt giúp các doanh nghiệp có thêm lựa chọn giải quyết tranh chấp đáp ứng tối đa quyền tự do thỏa thuận và lựa chọn của các bên tranh chấp, mặt khác giúp giảm tải khối lượng công việc của tòa án, từ đó góp phần vào công cuộc cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, ADR phát triển cũng góp phần làm giảm gánh nặng ngân sách nhà nước do nhà nước không phải tăng biên chế thẩm phán cũng như giảm đầu tư cho cơ sở vật chất của hệ thống tòa án. Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều nội dung hữu ích như: Phòng ngừa rủi ro tranh chấp xây dựng; kinh nghiệm giải quyết tranh chấp xây dựng tại trọng tài quốc tế; hậu phán quyết trọng tài.

Tuần lễ Trọng tài và hòa giải thương mại Việt Nam 2020 được tổ chức từ ngày 15-6 đến 19-6 với mục đích quảng bá phương thức trọng tài và hòa giải cũng như nâng cao nhận thức của cộng đồng về các phương thức này. Với 11 sự kiện kéo dài xuyên suốt, VAW2020 không chỉ tập trung vào các nội dung liên quan đến trọng tài và hòa giải thương mại mà còn có nhiều nội dung thiết thực cho doanh nghiệp trong đại dịch Covid-19 cũng như trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị chính thức tham gia vào Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Tin, ảnh: BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/phong-ngua-rui-ro-va-giai-quyet-tranh-chap-xay-dung-bang-trong-tai-623126