Phố Wall phập phồng trước thềm đàm phán Mỹ-Trung

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch hôm 7-10 khi giới đầu tư dồn sự chú ý vào các thông tin liên quan đến vòng đàm phán thương mại tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc cuối tuần này.

 Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 95,7 điểm (0,4%), xuống mức 26.478,02 điểm trong phiên giao dịch hôm 7-10. Ảnh: Investing

Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 95,7 điểm (0,4%), xuống mức 26.478,02 điểm trong phiên giao dịch hôm 7-10. Ảnh: Investing

Chốt phiên giao dịch hôm 7-10, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 95,7 điểm (0,4%), xuống mức 26.478,02 điểm, trong khi đó hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt thoái lùi 0,5% và 0,3%.

Trong phiên giao dịch, các chỉ số chứng khoán Mỹ tăng giảm đan xen khi các tin tức về triển vọng đàm phán Mỹ-Trung khiến giới đầu tư bối rối.

Hôm 6-10, hãng tin Bloomberg dẫn các nguồn tin cho biết Trung Quốc muốn thu hẹp phạm vi của thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung. Trong cuộc gặp gỡ với các quan chức Mỹ ở Bắc Kinh những tuần gần đây, các quan chức cấp cao Trung Quốc đã bày tỏ rằng họ chỉ sẵn sàng thảo luận một số chủ đề.

Các nguồn tin cho biết, Phó Thủ tướng Lưu Hạc, người sẽ dẫn đầu phái đoàn Trung Quốc dự vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung lần thứ 13 ở Washington vào ngày 10-10 tới, nói với các vị khách Mỹ rằng đề xuất mà ông đưa ra với phái đoàn Mỹ sẽ không bao gồm các cam kết cải cách chính sách công nghiệp Trung Quốc hay các chương trình trợ cấp của Bắc Kinh dành cho các công ty trong nước.

Thông tin này khiến thị trường chứng khoán Mỹ mất điểm. Giới phân tích nhận định Trung Quốc đang củng cố quyền lực đàm phán khi Tổng thống Donald Trump đối mặt với cuộc khủng hoảng liên quan đến cuộc điều tra luận tội ông ở Hạ viện Mỹ với cáo buộc xúi giục Ukraine hạ thấp uy tín của đối thủ Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020.

Cuộc điều tra dựa trên đơn tố giác của một nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (FBI) cho rằng trong cuộc điện đàm ngày 25-7, ông Trump đã thúc giục Tổng thống Ukraine điều tra ông Joe Biden vì cho rằng vào đầu năm 2016, ông Biden, lúc đó là Phó tổng thống Mỹ, đã gây sức ép buộc chính phủ Ukraine sa thải vị tổng công tố viên được cho là đang điều tra sai phạm của một công ty sản xuất khí đốt, nơi mà Hunter Biden, con trai của ông Biden, có chân trong hội đồng quản trị.

Luật sư của nhân viên tình báo CIA này tiết lộ một người tố cáo thứ hai, được cho là nắm được thông tin trực tiếp từ cuộc điện đàm của ông Trump với Tổng thống Ukraine, sẵn sàng ra làm chứng chống lại ông Trump.

“Người tố cáo thứ hai trong vụ bê bối giữa ông Trump và Ukraine sẽ giúp Trung Quốc tự tin hơn nữa trong đàm phán thương mại. Các thông tin nói Trung Quốc muốn hạn chế các chủ đề trong thỏa thuận thương mại là một bước thụt lùi nữa cho tham vọng đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện của Mỹ”, Jasper Lawler, Giám đốc nghiên cứu của Công ty London Capital Group, nhận định.

Hơn nữa, Trung Quốc cũng nhận thấy ông Trump có thể đang chịu áp lực khi các dữ liệu kinh tế vĩ mô gần đây của Mỹ suy yếu rõ rệt mà nguyên nhân là do các tác động của cuộc chiến tranh thương mại do Nhà Trắng phát động, theo giới doanh nghiệp Mỹ.

Tuy nhiên, các nguồn tin thân cận của chính quyền ông Trump khẳng định tiến trình điều tra luận tội không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán với Trung Quốc. Họ lập luận rằng nếu Trung Quốc xem cuộc điều tra luận tội sẽ làm suy yếu lập trường của Mỹ trên bàn đàm phán thương mại Mỹ-Trung, điều này sẽ là một tính toán sai lầm.

Thị trường phục hồi sau khi Giám đốc Hội đồng Kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow nói Mỹ có thể đón nhận một thỏa thuận thương mại ngắn hạn miễn là Trung Quốc nhất trí giải quyết các vấn đề mang tính cấu trúc vào một thời điểm cụ thể nào đó. Ông cũng khen ngợi thái độ hợp tác của Trung Quốc trong thời gian gần đây khi quyết định tăng mua nông sản Mỹ và nhấn mạnh, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc chỉ tác động đến nền kinh tế Mỹ ở mức tối thiểu.

Vào phiên giao dịch buổi chiều, các chỉ số chứng khoán Mỹ giảm điểm trở lại trước thông tin cho rằng Bộ Thương mại Trung Quốc sẵn sàng ký thỏa thuận với Mỹ ở những lĩnh vực mà hai nước đồng thuận nhưng sẽ không thay đổi luật pháp để bảo vệ tài sản sở hữu trí tuệ của nước ngoài.

Phát biểu với phóng viên sau khi thị trường đã đóng cửa, Tổng thống Trump nói rằng ông muốn tìm kiếm “một thỏa thuận lớn” với Trung Quốc hơn là “thỏa thuận từng phần”.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ thông báo đưa thêm 20 cơ quan an ninh và 8 công ty thương mại vào danh sách đen vì cho rằng họ “vi phạm nhân quyền” của các nhóm người Hồi giáo thiểu số ở Trung Quốc.

Các công ty này bao gồm một số công ty trí tuệ nhân tạo hàng đầu của Trung Quốc như SenseTime Group, Megvii Technology và Hikvision.

Các quan chức Mỹ nói quyết định này không liên quan đến vòng đàm phán thương mại Mỹ-Trung sắp diễn ra ở Washington. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng thông báo được đưa ra trước thềm đàm phán Mỹ-Trung sẽ đào sâu thêm sự chia rẽ giữa hai nước, có thể ảnh hưởng đến các triển vọng đàm phán.

Theo Market Watch, Reuters

Chánh Tài

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/295075/pho-wall-phap-phong-truoc-them-dam-phan-my-trung.html