Phim kinh dị Ghost Walk: Gai góc nhưng rất nhân văn

Ghost Walk là bộ phim kinh dị hiếm hoi của xứ sở Kim Chi đến với khán giả Việt trong tháng 9 này. Với nội dung độc đáo và kịch bản có chiều sâu, bộ phim ám ảnh sự vô cảm đến ớn lạnh của con người đối với đồng loại, nhưng đồng thời cũng chinh phục khán giả, đặc biệt là các khán giả trẻ bởi những thông điệp và bài học ý nghĩa đằng sau nó.

Nỗi đau và sự chật vật của giới trẻ

Ghost Walk xoay quanh nhân vật Hye-jeong (Han Hae-in) – một cô gái có tính cách tẻ nhạt, sống lay lắt ngày qua ngày như một bóng ma, cô lập chính mình khỏi gia đình, bè bạn, tình yêu.

Cô thờ ơ trước lời thỉnh cầu của bạn cùng phòng, vô cảm trước sự cầu cứu tuyệt vọng của cô bé Su-yang (Gam So-hyun) trong cơn thập tử nhất sinh. Và rồi, Hye-jeong bị giết, trở thành hồn ma lang thang nơi mình sinh sống, đi ngược lại thời gian và trải nghiệm lại những biến cố xảy của cuộc đời.

Một lớp thế hệ đang sống mòn từng ngày, cố vùng vẫy để thoát khỏi vỏ bọc chính họ đã tạo dựng.

Một lớp thế hệ đang sống mòn từng ngày, cố vùng vẫy để thoát khỏi vỏ bọc chính họ đã tạo dựng.

Ghost Walk là những thước phim ghi lại nỗi đau, sự bế tắc, nỗi ám ảnh đến tê liệt tâm hồn mà người trẻ phải đối mặt. Đó là những khó khăn về tài chính, về công việc cùng áp lực luôn phải khẳng định bản thân. Họ sợ một tương lai ảm đạm tưởng chừng không lối thoát mình đang phải đối diện.

Ở Hàn Quốc, ở lứa tuổi thanh - thiếu niên, việc bằng mọi giá phải đạt được điểm giỏi và vào được đại học được xem là ngưỡng cửa sẽ quyết định phần đời còn lại của một con người bao gồm cả công việc, hôn nhân, sự trọng vọng ngoài xã hội và ngay dưới mái nhà của chính mình.

Ở tuổi 20 đến 50, người ta lại bị cuốn vào guồng quay cơm áo gạo tiền, áp lực từ công việc, từ các rắc rối tài chính. Thậm chí đến tuổi 60, nhiều người tìm đến cái chết vì lý do bệnh tật, suy nhược thể chất.

Bằng ngôn ngữ điện ảnh, nữ đạo diễn trẻ Yu Eun-jeong đã phần nào khắc họa được sự bế tắc đến chai sạn tâm hồn mà cô nhìn thấy, cảm thấy của một lớp thế hệ đang sống mòn từng ngày, cố vùng vẫy để thoát khỏi vỏ bọc chính họ đã tạo dựng.

Sớm muộn con người sẽ phải trả giá vì sợ thờ ơ

“Tuyệt vọng là ma túy. Nó ru ngủ trí óc vào sự dửng dưng” (Helen Keller). Theo chân nhân vật Hye-jeong trong Ghost Walk, khán giả sẽ phần nào hiểu và đâu đó nhận thấy bản thân mình trên hành trình của nhân vật.

Có những khi chính bản thân chúng ta đang chật vật trong cuộc sống của mình thì đâu thể nhìn thấy khó khăn của kẻ khác. Trên dòng chảy hối hả của cuộc sống, đôi lúc con người vô tình “lướt qua nhau”, rồi cứ vậy, dần dần trở nên thờ ơ, vô cảm, dửng dưng trước những cảnh ngộ xung quanh.

Chúng ta thờ ơ trước khó khăn một bạn bè, người thân hay một người vô tình lướt qua ta. Rồi, chính mình lại trở thành nạn nhân của sự lặng im đáng sợ đó.

Hành động thay đổi số phận

Nhẹ nhàng lên án lối sống ích kỷ, trách cứ sự thờ ơ của con người trong xã hội hiện đại, nhưng Ghost Walk cũng mang đến hơi ấm và hy vọng về sự thức tỉnh dù đã muộn màng của nhân vật.

Một nụ cười có thể sưởi ấm tâm hồn. Một cử chỉ, lời nói có thể đem đến niềm hạnh phúc. Vươn tay ra là có thể cứu sống một con người.

Với nội dung hấp dẫn, thông điệp giàu ý nghĩa, bộ phim của nữ biên kịch - đạo diễn trẻ cùng dàn diễn viên Han Hae-in, Gam So-hyun, Jeon So-nee, Lee Ja-min, Lee Seung-chan, Lee Young-soo đã gây tiếng vang trong làng điện ảnh Hàn Quốc khi giành giải thưởng bình chọn của khán giả tại Liên hoan phim Bucheon International Fantastic Film Festival (BIFAN) năm 2018.

Diệp Anh

Ảnh trong phim

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phim-kinh-di-ghost-walk-gai-goc-nhung-rat-nhan-van-96450.html