Philippines đang dồn chứ không nhún Trung Quốc

Philippines đang tích cực thúc đẩy tiến trình giải quyết vụ tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc tại tòa án quốc tế. Đây được xem là bước đi “dồn ép” Trung Quốc bởi cường quốc số 1 Châu Á lâu nay vẫn kiên quyết chối từ tham gia tiến trình này. Giới chức Philippines vừa mới đây cho biết, họ hy vọng, tòa án quốc tế có thể đưa ra phán quyết sớm hơn mong đợi ban đầu.

Trung Quốc đang đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông.

Theo một nhà ngoại giao hàng đầu Philippines, nước này đang rất mong muốn bồi thẩm đoàn của Tòa án Quốc tế về Luật Biển của Liên Hợp Quốc sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng trong vụ kiện Trung Quốc của họ về tranh chấp ở Biển Đông trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino kết thúc vào năm 2016. Các quan chức Philippines trước đó tin rằng, vụ kiện của họ sẽ mất từ 3 đến 4 năm để hoàn thành.
Cách đây vài ngày, Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario đã phát biểu tại thủ đô Manila rằng, việc theo đuổi vụ kiện Trung Quốc ở tòa án quốc tế là lựa chọn khả thi duy nhất sau khi Manila “đã dùng mọi con đường ngoại giao có thể” trong nỗ lực giải quyết tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ với Bắc Kinh ở Biển Đông.
“Sức mạnh và sự hiện diện hàng hải, hải quân vượt trội của Trung Quốc ở khu vực cũng đã góp phần khiến căng thẳng khu vực leo thang”, ông Rosario nói thêm.
Trung Quốc đang có tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở Biển Đông với một loạt nước láng giềng Đông Nam Á gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei. Trung Quốc đòi chủ quyền một cách thái quá và phi lý đối với gần như toàn bộ Biển Đông. Điều này đã khiến không chỉ các nước láng giềng bất bình mà cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ.
Cuộc tranh chấp nóng bỏng nhất ở Biển Đông hiện nay là giữa Philippines và Trung Quốc. Tàu thuyền Trung Quốc đã chiếm bãi cạn Scarborough – một ngư trường đánh cá truyền thống của người Philippines, sau một cuộc va chạm giữa tàu chiến lớn nhất của Philippines với 2 tàu hải giám Trung Quốc hồi đầu năm ngoái. Các nhà phân tích cho rằng, Bắc Kinh đã thành công trong chiến lược giành quyền kiểm soát trên thực tế đối với bãi cạn tranh chấp. Hồi đầu năm nay, Philippines đã chính thức đưa vụ tranh chấp ở Biển Đông với Trung Quốc ra tòa án quốc tế để xét xử theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã kiên quyết từ chối tham gia vào tiến trình giải quyết tranh chấp thông qua tòa án quốc tế dù nước này đã ký vào Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Bắc Kinh đã không phản ứng với bất kỳ thủ tục giải quyết tranh chấp nào ở tòa án quốc tế sau đó, khiến Philippines trở thành bên duy nhất tham gia vào tiến trình này. Mặc dù vậy, Manila vẫn nhất quyết theo đuổi vụ kiện Trung Quốc.
Hồi tuần trước, ông Paul Reichler – người đứng đầu đoàn luật sư của Philippines tham gia phiên tòa, đã nói với tờ Thời báo Phố Wall rằng, nếu Trung Quốc “tiếp tục giữ lập trường như vậy”, ông mong chờ tòa án quốc tế sẽ đưa ra một quyết định vào giữa hoặc cuối năm sau.
Một phán quyết của tòa án quốc tế về tranh chấp ở Biển Đông không mang tính ràng buộc và Trung Quốc được cho là sẽ không thi hành nếu phán quyết đó bất lợi với họ. Tuy nhiên, giới phân tích tin rằng, phán quyết của tòa án quốc tế mang sức nặng về mặt chính trị và đạo lý. Vì thế, nó gây sức ép nhất định đối với Trung Quốc. Nếu Bắc Kinh không tuân thủ thì nước này sẽ bị tổn hại về mặt uy tín cũng như hình ảnh.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ ngày hôm qua (25/10) ở thủ đô Bắc Kinh, khi được hỏi liệu Trung Quốc có tham gia tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông ở tòa án quốc tế khi Philippines trình đầy đủ các bằng chứng cho vụ kiện của họ, nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc – bà Hua Chunying đã trả lời, Trung Quốc không chấp nhận vụ kiện do phía Philippines khởi xướng. Bà này kêu gọi Manila giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán song phương.
Bắc Kinh luôn khăng khăng đòi hỏi rằng, các cuộc tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết trên cơ sở song phương mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ các nước không có liên quan đến tranh chấp. Giới phân tích tin rằng, với tư cách nước lớn, Trung Quốc muốn giải quyết “tay bo” với từng nước có tranh chấp một để dễ bề gây sức ép giành lợi thế cho mình.

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Nguồn VnMedia: http://www6.vnmedia.vn/vn/quoc-te/tin-tuc/17_1832979/philippines_dang_don_chu_khong_nhun_trung_quoc.html