Phẫu thuật cắt lá lách 'khổng lồ' dọa vỡ nguy hiểm cho cụ bà 70 tuổi

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các bác sĩ của Bệnh viện đã phẫu thuật cấp cứu cắt bỏ thành công lá lách kích thước 'khổng lổ' dọa vỡ nguy hiểm do tắc mạch cho một cụ bà 70 tuổi.

Lá lách “khổng lồ” dọa vỡ được kíp bác sĩ khoa Ngoại cắt bỏ thành công.

Bệnh nhân là bà N T H (huyện Cô Tô) có tiền sử điều trị bệnh rối loạn sinh tủy nhiều năm. Gia đình cho biết, bà H đi khám phát hiện lách to cách đây 3 năm; khoảng 1 tháng gần đây bụng chướng to bất thường, tình trạng mệt mỏi, đau bụng ngày càng tăng nên được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy hình ảnh lá lách rất to, kích thước 21 x 30cm, chiếm nửa ổ bụng, kéo dài đến hố chậu, một phần lách bị nhồi máu do tắc mạch.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị lá lách to độ IV, nhồi máu lách trên, rối loạn sinh tủy, cần thực hiện phẫu thuật cấp cứu cắt lách để tránh nguy cơ hoại tử và vỡ lách gây mất máu cấp dẫn đến tử vong cao.

Kíp phẫu thuật do bác sĩ Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại và các bác sĩ trong khoa phối hợp cùng kíp Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện. Bệnh nhân được mở bụng kiểm tra thấy lá lách kích thước “khổng lồ" căng cứng, sẫm màu chiếm hơn nửa ổ bụng, trên khối lách có đám nhồi máu đang hoại tử và thấm máu ra ổ bụng, các mạch của lá lách giãn lớn.

Các phẫu thuật viên tiến hành thắt động mạch lách trước để tránh mất máu trong quá trình gỡ lách ra khỏi các tổ chức, sau đó bóc tách giải phóng khối lách ra ngoài ổ bụng rồi cắt bỏ.

Lá lách “khổng lồ” nặng hơn 4,7 kg, dài hơn 30cm đã được cắt bỏ hoàn toàn sau hơn 1 tiếng phẫu thuật.

Do quá trình xử trí nhanh chóng nên bệnh nhân không bị mất máu nhiều. Sau 3 ngày phẫu thuật, sức khỏe bà H. tiến triển tích cực, hết đau bụng, ăn uống được, các chỉ số xét nghiệm ổn định.

Lá lách của bệnh nhân H. to gấp 20 lần so với lá lách bình thường của người khỏe mạnh.

Bác sĩ Phạm Việt Hùng cho biết: “Phẫu thuật cắt lách là kỹ thuật thông thường ở các tuyến bệnh viện, tuy nhiên với lá lách “khổng lồ” đang trong tình trạng nhồi máu như bệnh nhân H thì thường dính, chướng to, rất dễ chảy máu trong cuộc mổ. Đây sẽ là một "thảm họa" vì nếu chảy máu ồ ạt từ khối lách chứa đầy máu thì bệnh nhân có thể tử vong ngay trên bàn phẫu thuật. Thành công của ca mổ là nhờ sự chuẩn bị kỹ càng, cẩn trọng tỉ mỉ trong quá trình phẫu thuật cũng như phối hợp chặt chẽ với các bác sĩ gây mê hồi sức để kiểm soát tốt cuộc mổ, không để tình trạng chảy máu xảy ra”.

Lách to là do hậu quả của nhiều bệnh lý về máu, trường hợp này lá lách phải làm việc quá mức để tiêu hủy các tế bào máu dẫn đến phì đại. Khi lách quá to sẽ có nhiều nguy cơ, đặc biệt là dọa vỡ gây mất máu cấp. Trường hợp lách to nhanh và đau nhiều là tình trạng tắc mạch trong lách nên bệnh nhân cần được phẫu thuật gấp. Tuy nhiên, sau khi cắt bỏ lá lách, người bệnh có thể gặp phải một số biến chứng về nhiễm trùng gây nguy hiểm vì lách đóng vai trò trong hệ miễn dịch, khi bị cắt bỏ toàn bộ lá lách, bệnh nhân vẫn sống được nhưng dễ suy yếu hệ miễn dịch. Vì vậy, người bệnh sau phẫu thuật cần chú ý về chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt lành mạnh để duy trì sức khỏe về sau.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nên khám sức khỏe định kỳ và khám ngay khi có các triệu chứng đau chướng bụng, tự sờ thấy khối bất thường… Việc phát hiện muộn sẽ khiến bệnh nặng nề, gây khó khăn cho bác sĩ trong việc điều trị bệnh triệt để.

Nguyễn Hoa-Hà Trang (CTV)

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202105/phau-thuat-cat-la-lach-khong-lo-doa-vo-nguy-hiem-cho-cu-ba-70-tuoi-2532831/