Phát triển vùng nguyên liệu chè Mường Khương
Chè là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Mường Khương. Cây chè không đòi hỏi kỹ thuật canh tác cao, lại phù hợp với trình độ canh tác của người dân các xã vùng cao, đồng thời ít chịu rủi ro bởi thiên tai.

Nông dân Mường Khương thu hái búp chè.
Thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế nông - lâm nghiệp tỉnh Lào Cai giai đoạn 2016 - 2020, Huyện ủy Mường Khương đã ban hành Đề án số 01 ngày 12/5/2016 về phát triển ổn định vùng nguyên liệu, đẩy mạnh thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm chè Mường Khương giai đoạn 2016 - 2020. Huyện đã hoàn thành việc rà soát, quy hoạch chi tiết vùng sản xuất nguyên liệu chè đến năm 2020 với 3.100 ha tại 67 thôn, bản của 8 xã, trong đó diện tích quy hoạch tại các xã khu vực vùng thấp là 2.100 ha và các xã vùng cao 1.000 ha. Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển và chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích, huyện Mường Khương tiếp tục mở rộng, bổ sung quy hoạch thêm 765 ha (mở rộng 557 ha tại các xã vùng thấp, bổ sung 190 ha tại xã Nấm Lư), đưa tổng diện tích chè của huyện đến năm 2020 lên 3.865 ha.
Chè Mường Khương cho năng suất cao và ổn định nếu đầu tư thâm canh đúng quy trình kỹ thuật. Mặt khác, chè Mường Khương được người tiêu dùng ưa chuộng bởi chất lượng vượt trội so với các vùng chè khác trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Nếu thâm canh tốt, mỗi héc-ta chè cho thu nhập trung bình 60 - 80 triệu đồng, thậm chí 100 triệu đồng.
Nhận thức được hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại, cùng với sự chỉ đạo của cả hệ thống chính trị ở địa phương, người dân đã đầu tư phát triển vùng nguyên liệu chè. Năng suất chè Shan trung bình đạt 11 tấn/ha, sản lượng đạt 23.947 tấn; chè chất lượng cao sản xuất theo công nghệ chè Ô long đạt 4 tấn/ha, sản lượng ước đạt 482,6 tấn. Việc phát triển, mở rộng diện tích chè giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, bền vững, đặc biệt là giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, hạn chế tình trạng đi lao động trái phép bên kia biên giới.
Gia đình ông Nông Văn Vinh (thôn Sín Lùng Chải, xã Lùng Khấu Nhin) chuyển từ trồng ngô sang trồng chè cách đây 5 năm. Từ năm thứ 3, cây chè đã tạo tán và bắt đầu cho thu hoạch. Ông Vinh cho biết: Mỗi tháng gia đình tôi thu hái búp chè 1 lần, bán cho nhà máy với giá 7.000 đồng/kg. Tuy cây chè còn nhỏ, sản lượng chè chưa nhiều nhưng có thu nhập đều hằng tháng và không lo lắng về đầu ra nên gia đình tôi rất yên tâm.
Một trong những yếu tố quan trọng góp phần thực hiện thành công việc phát triển vùng nguyên liệu chè là sự hợp tác liên kết tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi ổn định cho người dân trong suốt thời gian qua. Trên địa bàn huyện Mường Khương hiện có 2 doanh nghiệp thu mua, chế biến chè búp tươi, gồm: Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình với công suất chế biến 20.000 tấn chè búp tươi mỗi năm và Công ty Mường Hoa với dây chuyền chế biến chè Ô long xuất khẩu đã bao tiêu toàn bộ nguyên liệu chè Kim Tuyên tại 2 xã Cao Sơn, La Pan Tẩn. Trong những năm qua, 2 doanh nghiệp luôn đồng hành, hỗ trợ người trồng chè trong việc cung ứng vật tư, tư vấn kỹ thuật. Ngoài ra, các doanh nghiệp luôn quan tâm đến xây dựng thương hiệu và quảng bá hình ảnh chè Mường Khương. Đến nay, Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “Chè Shan Mường Khương”, Công ty Mường Hoa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu “Chè Ô long Cao Sơn”.
Theo ông Bùi Đức Rạng, Giám đốc Công ty Cổ phần Chè Thanh Bình, phần lớn sản lượng của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông và Đài Loan với hàng rào về an toàn thực phẩm nghiêm ngặt nên từ đầu mỗi vụ sản xuất, doanh nghiệp đều ký hợp đồng với người dân. Theo đó, công ty bao tiêu toàn bộ sản phẩm, cung ứng vật tư đảm bảo chất lượng và người dân sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật từ khâu sản xuất đến chế biến. Việc liên kết này đảm bảo tính bền vững trong sản xuất và kinh doanh ngành hàng chè.
Với tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, lao động và cơ chế hỗ trợ của Nhà nước, sự liên kết tiêu thụ sản phẩm chè búp tươi của các doanh nghiệp trên địa bàn, huyện Mường Khương tiếp tục quy hoạch bổ sung và trồng mới chè trên cơ sở chuyển đổi các diện tích trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả, đất chưa sử dụng. Huyện phấn đấu đến năm 2030, có 5.418 ha chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và phục vụ thị trường trong nước. Công ty cũng tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người trồng chè nhằm phát huy tối đa tiềm năng, năng suất cây chè, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác, tạo động lực cho việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Với sự liên kết chung tay của 4 nhà: Nhà nước, nhà doanh nghiêp, nhà khoa học và nhà nông, vùng nguyên liệu chè Mường Khương đã và đang phát triển mạnh cả về chất và lượng, tạo thu nhập ổn định và bền vững cho nông dân, bảo vệ môi trường, góp phần tạo diện mạo mới cho nông thôn vùng cao Mường Khương.