Phát triển sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Phát triển xanh, bền vững là mục tiêu phấn đấu của nhiều doanh nghiệp (DN), cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Để thực hiện mục tiêu này nhiều DN đã triển khai các mô hình sản xuất theo hướng thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh môi trường.

Đầu tư, đổi mới công nghệ

Có thể nói, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều ảnh hưởng tiêu cực hoặc tích cực tới môi trường và ngược lại. Chính vì vậy, việc xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển sản xuất, kinh doanh gắn liền với các cam kết, chính sách về bảo vệ môi trường có tầm quan trọng rất lớn đối với sự phát triển bền vững của DN.

Theo đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, các dự án trong KCN đã bắt đầu áp dụng những giải pháp sử dụng năng lượng sạch (năng lượng mặt trời áp mái, khí CNG thay than), sinh khối (biomass: Mùn cưa, viên nén trấu...) trong sản xuất, hay tuần hoàn tái sử dụng chất thải trong sản xuất. Hiện tỉnh cũng đang phối hợp với Ngân hàng Thế giới nghiên cứu triển khai thí điểm chuyển đổi KCN Bàu Bàng thành KCN sinh thái. Kết quả nghiên cứu này sẽ là tiền đề để chuyển đổi các KCN hiện hữu thành KCN sinh thái, cũng như đầu tư xây dựng KCN sinh thái mới trên địa bàn tỉnh.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đầu tư công nghệ sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH trưng bày sáng tạo Kingwood Việt Nam (KCN Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên)

Hiện nay, đa số DN hoạt động sản xuất trong các cụm, KCN đều có hệ thống xử lý nước thải sơ bộ, sau đó đấu nối, xả nước thải về nhà máy xử lý nước thải tập trung của cụm, KCN để tiếp tục xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. Mặt khác, các DN cũng chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất phù hợp với ngành nghề hoạt động để không ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Dương Văn Ước, Giám đốc Hành chính - nhân sự Công ty TNHH Trưng bày sáng tạo Kingwood (Việt Nam) tại KCN Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, cho biết công ty chuyên sản xuất đồ nội thất, nhận các dự án đồ gỗ, ngũ kim, kính, đá... Công ty đầu tư hệ thống hút bụi gỗ thu gom vào bồn chứa, trang bị thiết bị thoát nước, xử lý bụi từ sơn tránh bay ra không khí. Người lao động được trang bị đầy đủ khẩu trang, bảo hộ lao động. Rác thải công nghiệp, nguy hại, rác sinh hoạt được xử lý đúng quy định.

Đối với các DN sản xuất ngoài cụm, KCN hầu hết đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải để xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường. Đồng thời, các DN có nguồn xả thải lớn đều có lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để giám sát lưu lượng, chất lượng nước.

Phát triển bền vững

Sự hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, để Bình Dương xây dựng thành công nền kinh tế sinh thái, hướng tới bền vững, trước hết phải bắt đầu từ việc tổ chức lại không gian sản xuất công nghiệp với cơ cấu năng lượng sạch, vật liệu mới tiên tiến thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, công nghệ sạch theo chu trình tuần hoàn khép kín dựa trên tối đa tái chế, tái sử dụng, xử lý triệt để lượng chất thải phát sinh, giảm phát thải khí nhà kính.

Ngoài ra, tỉnh cũng xác định cần nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và tài nguyên thông qua việc chuyển đổi mô hình phát triển gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ - thông minh, bền vững, tỉnh xây dụng và nâng cấp các KCN hiện hữu trở thành các KCN thông minh với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0. Từ đó giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh trong hệ sinh thái của Bình Dương một cách nhanh chóng, hiệu quả, tăng năng suất lao động và thu hút các ngành công nghiệp xanh.

Giai đoạn 2, tỉnh phát triển công nghiệp - đô thị - dịch vụ quốc tế - đổi mới sáng tạo - khoa học công nghệ, xây dựng các KCN gắn liền với khoa học và công nghệ. Tập trung thu hút các viện, trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.

Theo định hướng, tỉnh sẽ phát triển thêm 15 KCN mới, trong đó thí điểm phát triển trước 1 KCN sinh thái, từng bước điều chỉnh, cải tạo và chuyển đổi các KCN hiện hữu theo hướng KCN sinh thái trên cơ sở kết quả nghiên cứu thí điểm chuyển đổi KCN Bàu Bàng. Tỉnh cũng sẽ lựa chọn định hướng chuyển đổi một số KCN phía Nam thành các khu đô thị - dịch vụ chất lượng cao.

TIẾN HẠNH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/phat-trien-san-xuat-gan-voi-bao-ve-moi-truong-a304815.html