Phát triển mô hình trồng rừng đa giá trị

Những năm qua, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phê duyệt nhiều đề tài nghiên cứu liên quan đến phát triển rừng gỗ lớn đa giá trị. Từ kết quả thực hiện ban đầu, nhiều mô hình, đề tài đã được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn, góp phần nâng chất lượng rừng trồng.

Từ nghiên cứu đến thực tiễn

Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử (Sơn Động) có cây vù hương phát triển tự nhiên từ nhiều năm qua nhưng số lượng ít. Loài cây này cũng được trồng thử nghiệm tại xã Lục Sơn (Lục Nam) và Yên Lư (Yên Dũng) với quy mô nhỏ. Tỉnh Bắc Giang chưa có quy trình nhân giống, quy trình kỹ thuật bài bản, chính xác để hướng dẫn người dân trồng thâm canh.

Đại diện Sở KH&CN kiểm tra mô hình trồng thông Caribe tại huyện Yên Dũng.

Trong khi đây là cây quý hiếm, gỗ và tinh dầu cho giá trị kinh tế cao, cần được mở rộng diện tích. Trước thực tế trên, nhóm tác giả Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Hà Nội) đã thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh về nghiên cứu xây dựng mô hình rừng trồng thâm canh vù hương tại tỉnh Bắc Giang. Thời gian thực hiện từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2024.

Từ nguồn giống đã chọn lọc, nhóm tác giả xây dựng thành công vườn sưu tập giống 0,5 ha tại thôn Đồng Con 1, xã Tân Lập (Lục Ngạn). Cây giống sinh trưởng, phát triển tốt, ít sâu bệnh. Vừa qua, Công ty TNHH một thành viên Thương mại Phương Hà (Lục Ngạn) đã liên kết, cung cấp cây giống cho nhiều người dân trong và ngoài huyện. Cũng tại địa điểm trên, nhóm tác giả trồng thử nghiệm 5 ha vù hương nhằm mục đích nghiên cứu, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp.

Nhiều thí nghiệm được thực hiện như đánh giá mức ảnh hưởng của phân bón tới sinh trưởng của cây; nghiên cứu tuổi cây con phù hợp; thực hành các kỹ thuật xử lý thực bì, làm đất, bón lót, bón thúc, khoảng cách, mật độ trồng, phòng ngừa sâu bệnh cho cây… Kết quả đến nay, tỷ lệ cây sống đạt hơn 90%, sinh trưởng tốt; chiều cao trung bình ước đạt 3,7-4,7 m, đường kính ước đạt 4,7-6,5 cm. Đặc biệt, nhóm tác giả đã chuyển giao kết quả nghiên cứu; hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc vù hương cho gần 200 người dân trên địa bàn xã Tân Lập và Nam Dương (cùng huyện Lục Ngạn).

Cũng trong năm 2021, Sở KH&CN phê duyệt đề tài nghiên cứu KH&CN “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, sử dụng chế phẩm MF1 xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn thông Caribe tại huyện Yên Dũng” do Trung tâm Nghiên cứu Bảo vệ rừng (Hà Nội) thực hiện. Đến nay, dự án đã hoàn thành xây dựng vườn ươm giống thông Caribe với 1 nghìn cây con làm thí nghiệm và sản xuất khoảng 19 nghìn cây giống.

Dự án có nội dung quan trọng là xây dựng mô hình trồng thâm canh 20 ha thông Caribe sử dụng chế phẩm vi sinh vật MF1 tại tổ dân phố Kem, thị trấn Nham Biền. So với các giống đại trà, không dùng chế phẩm vi sinh vật MF1, cây thông được sử dụng chế phẩm này có nhiều ưu điểm nổi trội hơn (tỷ lệ sinh trưởng cao hơn 20%). Hiện chiều cao trung bình của cây là 1,5 m, cây không bị sâu bệnh, góp phần tạo cảnh quan tươi xanh, chống xói mòn.

Trước đó, Sở KH&CN cũng phê duyệt nhiều đề tài nghiên cứu trồng thử nghiệm bạch đàn, keo giống F1. “Trái ngọt” của đề tài là đưa các giống cây lấy gỗ trên vào trồng tại nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, tập trung tại các huyện Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế, Lạng Giang, góp phần mở rộng diện tích rừng trồng, cân bằng hệ sinh thái, gia tăng hiệu quả kinh tế.

Thêm nhiều nghiên cứu phát triển rừng

Phát triển rừng trồng cây gỗ lớn là chủ trương của tỉnh Bắc Giang nhằm bảo vệ hệ sinh thái, chống xói mòn, tạo sinh kế cho người dân. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có khoảng 16 nghìn ha rừng trồng gỗ lớn trở lên, tương đương với 20% tổng diện tích rừng trồng tập trung trên địa bàn. Mục tiêu nâng cao giá trị sản xuất, kinh doanh rừng trồng và phát triển lâm nghiệp bền vững, gắn kết theo chuỗi.

Góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương này, Sở KH&CN tiếp tục hướng dẫn, phê duyệt thực hiện các đề tài, dự án, nghiên cứu liên quan đến phát triển rừng gỗ lớn. Mới nhất là đề tài nghiên cứu trồng thử nghiệm cây thanh thất phục vụ trồng rừng gỗ lớn và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên trên địa bàn tỉnh do Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện.

Đồng hành với các tác giả, Sở KH&CN thường xuyên phân công cán bộ nắm bắt, kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài, kịp thời giải đáp vướng mắc nếu có. Quá trình nghiệm thu, Hội đồng đánh giá làm việc khách quan, nghiêm túc”.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN.

Loài cây này có giá trị, hiệu quả kinh tế cao; gỗ mềm, sáng, thớ mịn, dễ gia công chế biến, dễ bóc; vỏ, thân, lá, quả được dùng làm dược liệu; lá có thể dùng làm thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Cây phân cành cao nên thuận lợi trong công tác phòng, chống cháy rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, cây thanh thất chưa được trồng nhiều trên địa bàn.

“Chúng tôi đã lựa chọn được nguồn giống chất lượng; sản xuất hơn 5 nghìn cây giống đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Từ nay đến đầu năm 2026, chúng tôi tiếp tục xây dựng mô hình trồng rừng thanh thất 5 ha ở xã Liên Chung (Tân Yên) và hoàn thiện quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho người dân. Mục tiêu là đưa cây thanh thất vào danh sách cây lâm nghiệp chính của tỉnh”, ông Lã Mạnh Cường, Trưởng Phòng Quản lý bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), chủ nhiệm đề tài cho biết. Ngoài ra còn có dự án nghiên cứu bảo tồn nguồn gen loài lim xanh do Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử thực hiện.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN, hầu hết các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học liên quan đến phát triển rừng gỗ lớn đều hướng đến những loài cây có giá trị kinh tế, hiệu quả xã hội cao nhưng đang có nguy cơ mai một, diện tích trồng ngày càng thu hẹp. Vướng mắc khi thực hiện là các mô hình trồng rừng, nhân giống bị ảnh hưởng bởi thời tiết; chủ đề tài và các cộng sự cần thực hiện nhiều nghiên cứu song song với công việc chuyên môn tại đơn vị. Tuy khó khăn nhưng nhìn chung các dự án đều có kết quả khả quan; tỷ lệ cây sống, phát triển tốt đạt 85-90%.

Đồng hành cùng các tác giả, Sở KH&CN thường xuyên phân công cán bộ nắm bắt, kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài, kịp thời giải đáp vướng mắc nếu có. Quá trình nghiệm thu, Hội đồng đánh giá làm việc khách quan, nghiêm túc. Nhiều dự án, đề tài đạt loại xuất sắc, có khả năng ứng dụng cao.

Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/khoa-hoc-cong-nghe/418463/phat-trien-mo-hinh-trong-rung-da-gia-tri.html