Phát triển chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học

Sau thời gian chịu nhiều ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, các địa phương trong tỉnh đang tích cực tái đàn, trong đó ưu tiên khuyến khích các hộ dân phát triển chăn nuôi bằng phương pháp an toàn sinh học (ATSH).

Chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học giúp đàn lợn của ông Phạm Hồng Giang, thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường, thành phố Hà Giang phát triển khỏe mạnh.

Gia đình ông Phạm Hồng Giang, thôn Thái Hà, xã Ngọc Đường (thành phố Hà Giang) hiện có 70 con lợn. Trước đây, ông chăn nuôi tự phát, ít kinh nghiệm nên đàn lợn chậm lớn, dễ bị dịch bệnh. Cuối năm 2020, cùng với các hộ dân trong thôn, ông được Chi cục Chăn nuôi và Thú y hỗ trợ kinh phí mua lưới quây chuồng trại, vòi nước uống tự động, dung dịch sát khuẩn, bình phun hóa chất và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, công tác phòng, chống dịch bệnh. Có kiến thức, được hỗ trợ kinh phí, ông quy hoạch, xây dựng lại chuồng trại khép kín, lắp đặt vòi uống tự động, có hệ thống xả thải, thường xuyên phun tiêu độc khử trùng, rửa chuồng trại, tạo không gian chăn nuôi thoáng mát, sạch sẽ; hạn chế người ra, vào chuồng trại, khi vào phải mang ủng bảo hộ và đi qua dung dịch sát khuẩn. Ông Phạm Hồng Giang chia sẻ: “Nhờ chăn nuôi theo phương pháp ATSH, đảm bảo sạch khuẩn từ nguồn thức ăn đến môi trường chăn nuôi nên đàn lợn phát triển tốt. Năm 2020, thôn Thái Hà có nhiều hộ chăn nuôi lợn bị dịch tả lợn châu Phi, nhưng gia đình tôi và các hộ chăn nuôi ATSH không bị ảnh hưởng”.

Để hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi bền vững, cuối năm 2020, Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai thực hiện mô hình “Hỗ trợ áp dụng các biện pháp ATSH trong chăn nuôi lợn” với 40 hộ tham gia tại xã Ngọc Đường và xã Đạo Đức, thị trấn Việt Lâm (Vị Xuyên) với mục tiêu xây dựng mô hình áp dụng các biện pháp ATSH trong chăn nuôi lợn; chuyển giao kỹ thuật nuôi dưỡng và chăm sóc lợn theo hướng ATSH, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người chăn nuôi; hỗ trợ vật tư, dụng cụ, hóa chất phục vụ chăn nuôi. Qua đó góp phần hạn chế dịch bệnh, thay đổi tư duy chăn nuôi của người dân theo hướng tập trung, hàng hóa, an toàn; phát triển chăn nuôi bền vững. Kinh phí hỗ trợ thực hiện mô hình gần 300 triệu đồng. Các biện pháp chăn nuôi lợn ATSH được thực hiện từ các khâu: Cách ly kiểm soát, làm sạch và khử trùng chuồng nuôi; hướng dẫn kỹ thuật; hỗ trợ vật tư, hóa chất, dụng cụ để hộ chăn nuôi áp dụng được các biện pháp ATSH. Chi cục Chăn nuôi và Thú y cử cán bộ kỹ thuật thường xuyên theo dõi, hỗ trợ người dân trong quá trình triển khai thực hiện mô hình. Đến nay, các hộ dân tham gia thực hiện mô hình đã xuất chuồng 80,5 tấn lợn thịt hơi và 490 con giống; đàn lợn phát triển khỏe mạnh, hạn chế dịch bệnh xảy ra, môi trường chăn nuôi được cải thiện. Người dân đang tiến hành tái đàn sau chu kỳ xuất bán, hiện tổng đàn lợn đang có của mô hình là 1.432 con. Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y Trịnh Văn Bình cho biết: Mô hình “Hỗ trợ áp dụng các biện pháp ATSH trong chăn nuôi lợn” mang lại “hiệu quả kép” cả về mặt kinh tế, xã hội và môi trường; giúp người dân thay đổi nhận thức, tập quán chăn nuôi từ nhỏ lẻ, manh mún, tự phát sang chăn nuôi lợn theo hướng tập trung, hàng hóa, ATSH; phục vụ tái đàn sau dịch tả lợn châu Phi; đàn lợn phát triển nhanh, thời gian nuôi rút ngắn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, môi trường chăn nuôi đảm bảo, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng”.

Bài, ảnh: BIỆN LUÂN

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202104/phat-trien-chan-nuoi-theo-phuong-phap-an-toan-sinh-hoc-774866/