Pháp lý và đạo lý vụ tranh chấp con sau ly hôn ở Bạc Liêu

Vụ 'Sau ly hôn, mẹ đến thăm con rồi lén đưa đi, cha dẫn người qua giành lại' đặt ra nhiều vấn đề về pháp lý và đạo lý, kể cả công tác thi hành án giao con của cơ quan thi hành án dân sự.

Trên bản tin trước, PLO đã thông tin về vụ việc tranh giành con sau ly hôn khá xót xa, xảy ra tại tỉnh Bạc Liêu giữa chị Huỳnh Thúy Quyên và chồng cũ là anh LVL.

Chị Quyên và chồng ly hôn, được tòa giao quyền nuôi con gái 3 tuổi, còn chồng cũ nuôi con trai 5 tuổi. Khi anh LVL chưa tự nguyện thi hành án (THA), quá nhớ con, chị Quyên đến thăm rồi lén ôm con về nhà. Sau đó, anh LVL cũng dẫn người tới nhà chị Quyên để giành con về.

Quá trình đó, hai bên giằng co, nhóm người nhà anh LVL đã ôm, giữ tay chị Quyên và bà ngoại để ôm em bé đi. Chị Quyên đã trình báo sự việc với cơ quan công an.

 Hình ảnh được camera ghi lại cảnh tranh chấp con, khi vụ việc đang trong quá trình THA.

Hình ảnh được camera ghi lại cảnh tranh chấp con, khi vụ việc đang trong quá trình THA.

Trong vụ việc này, vấn đề được nhiều người quan tâm đó là hành vi giành con qua lại giữa cha và mẹ của đứa bé đúng sai ra sao dưới góc độ pháp luật.

Để bạn đọc có góc nhìn đa chiều, PLO giới thiệu các quan điểm pháp lý cũng như góc nhìn thực tế trong việc THA giao con hiện nay.

ThS VÕ VĂN TÀI, Trưởng khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM:

Thử đặt trong cấu thành tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi

Bản án giao con cho người mẹ được quyền nuôi dưỡng đứa trẻ nhưng cơ quan THA vẫn đang vận động người cha giao con cho người mẹ thì phải xem là việc tổ chức THA giao con chưa hoàn thành.

Cụ thể, theo Luật THA dân sự thì thời hạn tự nguyện THA là 10 ngày, kể từ ngày người phải THA nhận được quyết định THA. Hết thời hạn này mà không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế.

 ThS VÕ VĂN TÀI, Trưởng khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM. Ảnh: AN BÌNH

ThS VÕ VĂN TÀI, Trưởng khoa Kiểm sát hình sự, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP.HCM. Ảnh: AN BÌNH

Trong vụ việc trên, cơ quan THA chưa tổ chức cưỡng chế thi hành giao con được cho người mẹ nên về mặt pháp lý, người mẹ chưa có quyền quản lý và chăm sóc đứa trẻ hợp pháp. Người mẹ cũng thừa nhận việc đã lợi dụng sơ hở của gia đình chồng để ôm con đi. Vì vậy, khi gia đình người chồng tới giành lại bé sẽ không thể cấu thành tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi được. Vì tội danh này đòi hỏi người đang chiếm giữ bé phải là chiếm giữ bất hợp pháp.

Việc gia đình người chồng dùng vũ lực giành con gây ồn ào thì chỉ có thể xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây mất trật tự tại địa phương. Còn việc dùng vũ lực gây thương tích nếu đủ yếu tố thì người bị thương tích có thể đề nghị xử lý về tội cố ý gây thương tích.

Bên cạnh đó, Điều 27 Nghị định 71/2016 quy định nếu người nào cố ý không chấp hành án hoặc cản trở THA thì tùy từng trường hợp mà bị xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, đối với hành vi không THA sẽ bị xử phạt 3-5 triệu đồng theo điểm a khoản 3 Điều 64 Nghị định 82/2020.

Ngoài ra, người nào cố ý không chấp hành án hoặc cố ý cản trở việc THA nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 380 BLHS 2015 về tội không chấp hành án.

Về hành vi của người mẹ, có thể thấy nó xuất phát từ tình mẫu tử và rõ ràng bản án cũng phán quyết giao con cho người mẹ. Vì vậy, không nên xử lý hành vi này.

Thi hành án giao con trần ai

Chia sẻ với PV, một chấp hành viên cho biết trong các loại án phải thi hành thì THA giao con luôn là án khó thi hành. Bởi lẽ đối tượng phải rất đặc biệt - một đứa trẻ. Việc “bắt” trẻ từ người này sang giao cho người kia rất khó.

Việc THA giao con phải xem xét nhiều yếu tố. Đành rằng bản án của tòa đã xem xét nhiều yếu tố mới quyết định giao con cho một bên nuôi dưỡng. Tuy nhiên trên thực tế phát sinh rất nhiều vấn đề mà chỉ khi THA mới hiểu được.

Vị chấp hành viên kể rằng đã từng thi hành một bản án giao con cho người mẹ. Tuy nhiên, do đứa bé đã sống một thời gian dài với cha nên không chịu về, bé phản ứng rất kịch liệt. Nhiều lần người bố mang bé tới cơ quan THA nhưng bé khóc và chống đối khiến việc THA không thành. Để tránh ảnh hưởng đến tâm lý và tổn thương đứa trẻ, chấp hành viên phải khuyên nhủ người mẹ hãy đến “làm thân” với con trước, để bé tin tưởng chấp nhận thì mới giao trẻ cho mẹ được.

Một vụ án giao con khác cũng đầy nhọc nhằn. Tòa giao con cho mẹ nhưng người cha và gia đình cương quyết không giao đứa trẻ. Người mẹ vì quá thương nhớ con đã đến trường học đưa bé đi. Việc bắt bé không thành đã gây mất trật tự tại trường học và công an cùng THA đã đến để lập biên bản ghi nhận sự việc.

Sau đó, THA đã nhiều lần vận động người cha, người cha đồng ý rồi cứ đến ngày lại không đến giao con. Cuối cùng đã ra quyết định cưỡng chế. Tuy nhiên khi cưỡng chế tại nhà người cha thì người này đã dẫn con đi mất. Vụ án này đã bị liệt vào danh sách án tồn không thi hành được nhiều năm của cơ quan THA.

Rất may, nhiều năm sau đó, người cha đã liên lạc với người mẹ vì suốt nhiều năm qua ông không thể làm được giấy tờ cho bé (vì bản án giao con cho mẹ nên việc ở với cha không hợp pháp). Lúc này, hai bên đã thỏa thuận được các vấn đề để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho đứa trẻ.

Luật sư TRẦN VÂN LINH, Đoàn Luật sư TP.HCM:

Có dấu hiệu của tội phạm

Trong vụ án ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền và nghĩa vụ chăm sóc con chung. Tuy nhiên, khi tòa án đã giao con cho một bên nuôi dưỡng thì bên kia chỉ được quyền thăm mà không có quyền đưa đứa trẻ ra khỏi sự quản lý của người có quyền quản lý, trừ khi họ đồng ý.

 Luật sư TRẦN VÂN LINH

Luật sư TRẦN VÂN LINH

Trường hợp này, dù bản án tuyên cho người mẹ nuôi nhưng người cha không tự nguyện thi hành và người mẹ đã có đơn yêu cầu THA thì không ai được dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hay thủ đoạn khác nhằm mục đích chiếm đoạt đứa trẻ. Việc chuyển giao đứa trẻ trong trường hợp này phải do cơ quan THA thi hành.

Thế nhưng, qua những hình ảnh camera ghi lại thì người chồng cùng với một số người thân đi xe xe ô tô, đậu sẵn ngoài đường, dùng vũ lực để giành lấy đứa bé. Còn trước đó, người mẹ dùng thủ đoạn khác là lén lút, thừa cơ hội gia đình chồng sở hở chiếm đoạt đứa trẻ giao cho em gái mang đi trước.

Vì vậy, hành vi của người cha lẫn người mẹ đều cho thấy có sự vi phạm pháp luật. Tuy nhiên việc xử lý cần tùy vào tính chất, mức độ của hành vi.

Đối với người mẹ, hành vi dù sai nhưng có thể thông cảm được và không đến mức phải chịu chế tài.

Còn đối với hành vi của người cha, pháp luật hình sự có quy định về tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Theo đó, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác chiếm giữ hoặc giao cho người khác chiếm giữ người dưới 16 tuổi, thì bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm.

Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi cấu thành hình thức nên chỉ cần có hành vi chiếm giữ đứa trẻ là phạm tội. Như vậy, chỉ cần có hành vi bắt giữ trẻ khỏi sự quản lý của người có trách nhiệm quản lý là đã cấu thành tội này.

Có thể thấy, người cha có hành vi cùng nhiều người (cha, ông bà nội, thím) gây áp lực và dùng vũ lực như ôm bà ngoại bé, đè mẹ bé xuống để gỡ tay bé khỏi mẹ nhằm mục đích bắt bé đưa lên xe ô tô để đưa về nhà. Chuỗi hành vi này nhằm chia tách bé ra khỏi sự quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng của người mẹ đã được pháp luật quyết định bằng bản án có hiệu lực pháp luật.

Dù cơ quan THA chưa giao con cho người mẹ nhưng tại thời điểm đó người mẹ đang quản lý (dù trước đó trẻ đang ở nhà bà nội nhưng về pháp lý cha không có quyền quản lý mà ngược lại phải có nghĩa vụ thi hành bản án). Vì vậy, người cha dùng vũ lực để bắt lại con là trái pháp luật, có dấu hiệu của tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Bên cạnh đó, ông bà nội, thím cũng tham gia vào việc bắt giữ nên cũng có dấu hiệu đồng phạm.

Nhất cử nhất động đều phải đặt quyền lợi của con trẻ lên trên

Ly hôn là điều không ai mong muốn nhưng trong nhiều trường hợp, đó là giải pháp tốt nhất cho cả hai bên.

Tuy nhiên, các bậc cha mẹ khi thực hiện quyền ly hôn theo quy định cũng phải nghĩ đến những đứa trẻ, nghĩ đến quyền và lợi ích cùng sự phát triển toàn diện, lành mạnh của chúng, thay vì ích kỷ tìm mọi cách giành giật đứa trẻ về mình và cắt mọi liên hệ giữa trẻ với người bên kia. Những hành xử theo bản năng và thiếu khoa học của cha hoặc mẹ rất dễ gây ra những tổn thương, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Pháp luật hiện nay có hẳn một hệ thống các quy định về việc giải quyết vấn đề con chung khi ly hôn, ai sẽ là người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ... Từ thực tiễn xét xử các vụ án ly hôn, chúng ta đều thấy tòa án cân nhắc rất kỹ về việc giao con cho cha hay mẹ nuôi dưỡng. Để đưa ra các quyết định này, ngoài việc căn cứ vào quy định của pháp luật, các quan tòa còn dựa vào rất rất nhiều yếu tố khác nữa để củng cố niềm tin rằng phán quyết của mình là tốt nhất cho đứa trẻ.

Vì vậy, một khi bản án của tòa đã có hiệu lực pháp luật thì các bên nên tự nguyện thi hành một cách khéo léo, giảm thiểu sự tổn thương của trẻ khi phải rời hơi ấm của cha để sà vào lòng mẹ hoặc ngược lại.

Việc không tự nguyện thi hành dẫn đến phải cưỡng chế THA giao con là một vấn đề hết sức nhạy cảm, gây khó khăn không chỉ cho bên được quyền nuôi con mà còn cho cơ quan THA. Bởi lẽ, thứ phải THA ở đây không phải là tiền, nhà, đất hay một loại tài sản nào đó vô tri mà đó là những-đứa-trẻ-rất-dễ-bị-tổn-thương, sau cú sốc của việc chứng kiến cảnh gia đình chia cắt.

Các bậc cha mẹ hãy thận trọng, kiểm soát hành xử của mình, hãy đặt mọi quyền lợi của con trẻ lên trên hết. Bất kỳ cha mẹ nào cũng muốn con mình sẽ được chăm sóc tốt, được phát triển toàn diện về mặt thể chất và tinh thần. Vì thế, việc giành giật con khi chưa được cơ quan THA thi hành để thực hiện bản án, quyết định của tòa không chỉ là hành vi không tôn trọng phán quyết của tòa mà còn tiềm ẩn nguy cơ vi phạm pháp luật, đối mặt với chế tài pháp lý, kể cả bị tội tù...

Luật sư TRƯƠNG NGỌC LIÊU, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/phap-ly-va-dao-ly-vu-tranh-chap-con-sau-ly-hon-o-bac-lieu-post824495.html