Pháp luật Việt Nam sẵn sàng hội nhập tới mức nào?
Việt Nam đã và đang tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, đồng nghĩa với việc hệ thống pháp luật cần phải xem xét, nghiên cứu, sửa đổi để phù hợp với các cam kết quốc tế. Tuy nhiên, thực tế hiện nay đang có không ít những rào cản pháp lý đối với doanh nghiệp, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế.
Sau gần 15 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã ký kết 7 FTA với tư cách là thành viên ASEAN; 5 FTA ký kết với tư cách là một bên độc lập; hiện đang đàm phán 3 FTA. Đáng chú ý, có nhiều FTA thế hệ mới, như FTA với Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Việc Việt Nam ký kết các FTA song phương và đa phương thế hệ mới tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường khu vực và toàn cầu nhưng cũng đặt ra yêu cầu rất cao với việc hoàn thiện thể chế và pháp luật liên quan tới thương mại.
Theo phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp, pháp luật về kinh doanh hiện hành của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều đạo luật có nội dung còn chung chung, cần phải ban hành các văn bản dưới luật để cụ thể hóa, làm chậm quá trình thực thi luật trong cuộc sống. Cùng với đó, hệ thống pháp luật chưa bảo đảm tính đồng bộ, nhiều quy định mang tính nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp nhưng chưa thể hiện rõ trong luật và thực thi trong thực tiễn.
Trong thời gian tới, để tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kinh doanh phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với xu thế hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, theo ý kiến của nhiều đại diện doanh nghiệp, luật gia, chuyên gia kinh tế, cần phải sửa đổi, bổ sung và ban hành luật để thay thế dần các văn bản quy phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc ban hành các văn bản dưới luật, qua đó khắc phục tình trạng cồng kềnh, không đồng bộ của hệ thống pháp luật về kinh doanh ở nước ta.
Mới đây, tại Hội thảo “Pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng cho hội nhập?” tổ chức ngày 17-10-2019, các chuyên gia, luật gia, lãnh đạo các hiệp hội, ngành hàng tham dự đã có những ý kiến thể hiện góc nhìn từ thực tiễn đối với pháp luật về kinh doanh tại Việt Nam. Phóng viên Báo Năng lượng Mới trích đăng một số ý kiến.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI): Loại bỏ những quy định không minh bạch
Chất lượng văn bản pháp luật rất quan trọng, có tác động ngày càng lớn tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Có 10 tiêu chí để đánh giá một văn bản pháp luật tốt: Sự cần thiết, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi, tính minh bạch, chi phí tuân thủ thấp, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, thúc đẩy cạnh tranh, giảm nguy cơ nhũng nhiễu, đủ tính tiên liệu. Trong đó, tính hợp lý, tính thống nhất, tính khả thi và tính minh bạch là những tiêu chí vô cùng quan trọng.
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, pháp luật có nhiều thay đổi nhưng vẫn phức tạp, trung bình 1 luật có tới 10,5 nghị định, 37 thông tư của các bộ, ngành, nên quy định từ luật có thể thuận lợi nhưng xuống nghị định, thông tư lại không còn được bảo đảm như trong luật. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn bị “ám ảnh” bởi vấn đề hồi tố, khi các quy định áp dụng khác nhau, khiến doanh nghiệp một ngày nào đó có thể bị cơ quan chức năng yêu cầu nộp lại một khoản tiền lớn...
Nhiều doanh nghiệp phản ánh, pháp luật có nhiều thay đổi nhưng vẫn phức tạp, trung bình 1 luật có tới 10,5 nghị định, 37 thông tư của các bộ, ngành, nên quy định từ luật có thể thuận lợi nhưng xuống nghị định, thông tư lại không còn được bảo đảm như trong luật.
Trong thời gian tới cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục gỡ bỏ rào cản doanh nghiệp gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, tăng cường công khai, lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân. Đặc biệt, những văn bản luật có ảnh hưởng rộng rãi, như các luật thuế, không nên làm theo quy trình rút gọn, nhất thiết phải công khai, minh bạch dự thảo văn bản, để doanh nghiệp, người dân và các đối tượng có liên quan được tham gia góp ý trong quá trình xây dựng văn bản luật.
Bên cạnh đó, cần thiết phải tiến hành đánh giá tác động kinh tế - xã hội của các văn bản pháp luật và chính sách mới trước khi ban hành để không tạo ra những hệ quả không mong đợi.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Lo ngại gánh nặng chi phí
Tôi lấy ví dụ, nếu chúng ta muốn cạnh tranh với Thái Lan về một sản phẩm cụ thể như cái cốc chẳng hạn, về cơ bản, công nghệ sản xuất như nhau, chi phí đầu vào như nhau và chi phí sản xuất sẽ như nhau. Thế nhưng trên thực tế, cái cốc của Việt Nam lại không thể nào cạnh tranh nổi với cái cốc sản xuất tại Thái Lan. Nguyên nhân vì ở Việt Nam, ngoài chi phí cố định để sản xuất ra cái cốc thì doanh nghiệp phải chịu thêm gánh nặng chi phí bỏ ra để tuân thủ pháp luật. Như vậy, pháp luật của nước nào tốt hơn thì chi phí rẻ hơn, doanh nghiệp có cơ hội hội nhập tốt hơn.
Một quy định pháp luật có khả năng tạo ra 5 loại chi phí. Những loại chi phí này không chỉ đơn thuần là tạo thêm gánh nặng mà thậm chí có thể giết chết một doanh nghiệp. 5 loại chi phí này gồm: Thủ tục hành chính, phí và lệ phí, chi phí cơ hội, chi phí đầu tư, chi phí không chính thức. Tôi cho rằng, chi phí rất lớn chính là chi phí đầu tư. Đôi khi chỉ là một quy định của pháp luật có thể tạo ra chi phí rất lớn cho xã hội. Ví dụ, sắp tới quy định bắt buộc xe taxi công nghệ phải treo mào, xét về mặt chi phí, nếu doanh nghiệp có 100 ôtô, mỗi cái mào trị giá 200 nghìn đồng, thì tổng chi phí sẽ tới hàng chục triệu đồng, trong khi không biết khi đeo cái mào taxi đó có tăng thêm được doanh thu hay không?
Hay ví dụ khi thay đổi quy định về số lượng bình gas, rất nhiều doanh nghiệp đã tính toán, nếu vay vốn ngân hàng để đầu tư mua thêm bình gas tối thiểu như quy định thì sẽ... phá sản, trong khi nhu cầu thị trường không tăng. Doanh nghiệp cho rằng, đầu tư thêm cũng “chết”, thà rằng “chết sớm” còn hơn.
Chi phí cơ hội cũng có thể giết chết một doanh nghiệp. Ví dụ, hai doanh nghiệp cùng nhập một loại hàng về Việt Nam để bán, ở hai cửa khẩu khác nhau, một doanh nghiệp thông quan trong vòng 1 giờ, doanh nghiệp thứ hai mất 3 ngày. Như vậy, doanh nghiệp thông quan 1 giờ có thể bán hết sản phẩm ra thị trường trong 3 ngày, trong khi doanh nghiệp kia mới nhận được hàng.
Vậy cần phải có giải pháp nào? Theo tôi, cần xác định ai là người đứng ra giải quyết rào cản này. Hiện các bộ, ngành tích cực chủ động cải cách. Để các bộ, ngành thực hiện tốt cải cách cần phải có một cơ quan giám sát, chẳng hạn, một cơ quan tạm gọi là ROB (Cơ quan giám sát ban hành và thực thi pháp luật). Cơ quan này có 5 chức năng cơ bản: Đưa ra quy trình soạn thảo văn bản pháp luật; giám sát chất lượng quy trình; xác định lĩnh vực trọng tâm để tiến hành cải cách pháp luật; tiếp cận vấn đề có hệ thống; nâng cao năng lực cho cơ quan soạn thảo văn bản pháp luật. Việt Nam rất cần có một cơ quan như thế để có thể kiểm soát được các vấn đề liên quan tới việc ban hành các văn bản pháp luật.
TS Nguyễn Đình Cung, chuyên gia kinh tế: Pháp luật Việt Nam thiếu ổn định
Việt Nam đã tham gia vào hàng loạt các FTA, trong đó có nhiều FTA thế hệ mới. Điều chắc chắn, các FTA, trong đó mới nhất là EVFTA, khi được thực thi sẽ mở ra thị trường mới, mở ra cầu mới cho sản xuất, xuất khẩu, đầu tư... thông qua việc cắt giảm các dòng thuế, thủ tục xuất nhập khẩu, đầu tư - kinh doanh thông thoáng hơn.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt đang khó tận dụng cơ hội từ những FTA do những rào cản đến từ... bên trong. Cụ thể, doanh nghiệp đang bị “trói”, không nắm bắt được cơ hội kinh doanh, khó tiếp cận được nguồn lực. Thêm vào đó, do pháp luật Việt Nam đang thiếu ổn định, nên ở mức độ nào đó, quyền tự do kinh doanh đã có nhưng an toàn trong hoạt động kinh doanh chưa được cải thiện.
Hiện hệ thống luật của Việt Nam nhiều khi một luật nhưng có tới hàng chục nghị định và hàng trăm thông tư hướng dẫn. Đó là chưa kể đến những văn bản điều hành “xin - cho” hàng ngày. Tôi biết có những cơ quan mỗi năm ban hành 3.500-4.000 văn bản chỉ đạo “xin - cho”. Đấy mới chỉ là một cơ quan, còn các bộ, ngành, tỉnh, thành phố, các sở cũng như thế.
Để doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội mà các FTA mang lại, các trọng tâm sửa đổi luật chỉ nên tập trung cho việc trả lời hai câu hỏi sau: Vấn đề này có cần phải giải quyết không? Nếu cần thì giải quyết như thế nào? Câu trả lời nếu là “có” thì phải giải quyết một cách triệt để, gỡ rào cản cho doanh nghiệp phát triển.
Như vậy, với những văn bản đó, pháp luật của chúng ta đang được thực hiện bằng hành chính và thực thi theo chiều dọc chứ không thực thi theo chiều ngang, đẫn đến tình trạng luật không đổi nhưng đến nghị định thì có thể đổi, hay nghị định không đổi nhưng thông tư có thể đổi. Những vấn đề bất cập đó, khi kết hợp với hệ thống thanh tra, kiểm tra thì có thể dẫn đến tình trạng kiểm tra thế nào cũng sai, gây những bất ổn, rủi ro trong kinh doanh.
Trong bối cảnh này, để doanh nghiệp có thể tận dụng được các cơ hội mà các FTA mang lại, cần một cách tiếp cận đơn giản hơn, dễ dàng hơn trong mọi vấn đề. Về luật, tôi cho rằng tất cả các trọng tâm sửa đổi chỉ nên tập trung cho việc trả lời hai câu hỏi sau: Vấn đề này có cần phải giải quyết không? Nếu cần thì giải quyết như thế nào? Câu trả lời nếu là “có” thì phải giải quyết một cách triệt để, gỡ rào cản cho doanh nghiệp phát triển.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM): Thay đổi tư duy “không quản được thì cấm”
Theo quan điểm của cá nhân tôi, pháp luật Việt Nam đã sẵn sàng hội nhập, nhưng quan trọng là sẵn sàng ở mức nào? Có thể nói, kinh tế tuyền thống đã sẵn sàng ở mức trung bình cao, hệ thống pháp luật đã cơ bản ở mức phù hợp, thể hiện ở việc tham gia vào các FTA thế hệ mới.
Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam cho một giai đoạn mới với sự phát triển mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 thì chưa sẵn sàng hoặc ở mức trung bình. Vậy làm sao để có thể thích ứng được?
Trong thời gian tới cần loại bỏ những quy định không minh bạch, tiếp tục gỡ bỏ rào cản doanh nghiệp gia nhập thị trường, bảo vệ quyền tự do kinh doanh, chống lợi ích nhóm, chống chồng chéo pháp luật, tăng cường công khai, lấy ý kiến doanh nghiệp, người dân.
Trước hết, cần thấy rõ những khó khăn như việc phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ. Thứ hai đòi hỏi liên ngành. Trước kia mỗi một bộ, một ngành soạn luật thì chỉ mang tính chuyên ngành, nhưng bây giờ, với thời đại kinh tế số, các ngành nghề đều có sự giao thoa với nhau. Để giải quyết khó khăn này, theo tôi, phải thay đổi tư duy “không quản được thì cấm”, phải cho thử nghiệm. Bởi để tiếp cận được cái mới chúng ta phải học, phải thực hành thì mới biết đúng sai. Phải sẵn sàng cho một tư duy mới thì mới có thể nắm bắt được cơ hội tốt từ các FTA.
Luật gia Nguyễn Tiến Vỵ, Phó chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA): Vai trò của hiệp hội trong xây dựng pháp luật
Để pháp luật Việt Nam sẵn sàng với hội nhập, theo tôi, cần thiết phải đề cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong quá trình xây dựng pháp luật để văn bản luật phù hợp với thực tiễn.
Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia. Trong quá trình lấy ý kiến về dự thảo luật, cơ quan soạn thảo đã lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ phía VBA để chỉnh sửa một số thông tin phù hợp. Cụ thể, VBA góp ý bỏ quy định doanh nghiệp phải nộp 0,5-2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào quỹ hoặc các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia và nâng cao sức khỏe do Chính phủ quy định.
Hay đối với việc bán rượu, bia online, những quy định khắt khe về quảng cáo, tài trợ rượu, bia, chúng tôi có nghiên cứu thực tế trong nước cũng như thị trường nước ngoài, đặc biệt tham khảo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các hiệp hội ngành hàng để có một bản tổng hợp kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước, Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để cuối cùng có được những điều khoản trong luật thỏa mãn được lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.
Cơ quan quản lý Nhà nước cần công khai, minh bạch các văn bản pháp luật, nhất là các luật và chính sách về thuế, vì các chính sách thuế có tác động sâu rộng không chỉ đối với những đối tượng trực tiếp nộp thuế, mà còn cả các ngành công nghiệp có liên quan. Cụ thể, theo một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nếu đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt thì không chỉ người tiêu dùng và ngành công nghiệp nước giải khát bị ảnh hưởng mà 21 ngành công nghiệp hỗ trợ và GDP cũng bị ảnh hưởng theo.
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/phap-luat-viet-nam-san-sang-hoi-nhap-toi-muc-nao-553379.html