Phản ứng với ô nhiễm

Thời gian gần đây, thủ đô Hà Nội liên tiếp xảy ra những vấn đề ô nhiễm ảnh hưởng diện rộng đến đời sống nhân dân, đầu tiên là sự phát tán thủy ngân ra môi trường khu vực cháy Công ty Rạng Đông; rồi đến quãng thời gian ô nhiễm không khí bởi bụi và nay là nước sinh hoạt nhiễm dầu đổ trộm ở đầu nguồn nước sông Đà.

Dư luận lo lắng, bức xúc, nhưng điều đáng nói là có những thông tin “té nước theo mưa” khiến ô nhiễm lan sang môi trường mạng.

Không khí trong lành để thở, nước sạch để sinh hoạt đều là những nhu cầu thiết yếu với người dân, là một trong những tiêu chí để đánh giá chất lượng sống. Ô nhiễm thủy ngân ảnh hưởng đến một vài phường, ô nhiễm nguồn nước ảnh hưởng đến hàng trăm ngàn hộ dân trong 6 quận, huyện và ô nhiễm không khí thì tác động có lẽ còn nhiều hơn. Nhưng hùa vào những dòng trạng thái bực bội “thở bằng gì”, “uống bằng gì” trên mạng xã hội, đã xuất hiện cả những sự quy chụp, so sánh và đi đến kết luận “lỗi hệ thống”; liên hệ đến những vấn đề chính trị, xuyên tạc bôi nhọ chế độ, phủ nhận những thành tựu của đất nước cũng như của thành phố đã đạt được, tung tin giả gây hoang mang dư luận… Bởi vậy, ngày 18/10, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã phải có công văn hỏa tốc số 2742/STTT - BCXBTT đề nghị các cơ quan báo chí tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân thực hiện các giải pháp kịp thời bổ sung, thay thế nguồn nước bị ô nhiễm, sử dụng nước sạch từ các đơn vị cung cấp nước đảm bảo tiêu chuẩn và nâng cao cảnh giác trước các thông tin xuyên tạc, kích động vụ việc trên không gian mạng.

Nhìn lại nguyên nhân các vụ việc, có thể thấy cả yếu tố khách quan và chủ quan, để giải quyết vấn đề cần những phản ứng tức thời cũng như các giải pháp lâu dài. Ở thời điểm ban đầu, chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm đã lúng túng khi xử lý những vụ việc chưa có tiền lệ. Năng lực dự báo và phòng ngừa ô nhiễm rõ ràng còn hạn chế. Nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận được nỗ lực của chính quyền thành phố khi có những quyết định mạnh mẽ nhằm khắc phục hậu quả như tiến hành tẩy độc, khám sức khỏe miễn phí, hỗ trợ nước sạch cho người dân, chỉ đạo khắc phục ô nhiễm… Đồng thời với đó, những giải pháp lâu dài cũng đã được chỉ ra như xây dựng hệ thống quan trắc môi trường, công bố thông tin, kế hoạch hạn chế các nguồn phát thải như phương tiện giao thông, di dời các nhà máy, khuyến khích áp dụng công nghệ mới…

Trong quá trình phát triển, vấn đề ô nhiễm môi trường luôn được coi là mặt trái của tăng trưởng kinh tế, nó xảy ra ở nhiều nước, kể cả với các nước đã có quá trình phát triển hàng trăm năm. Vì vậy, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta luôn gắn phát triển kinh tế với an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Phát biểu tại Hội nghị Trung ương 11 khóa XII mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh chủ trương đưa đất nước phát triển nhanh nhưng phải bền vững. Trả lời các ý kiến cử tri trong cuộc tiếp xúc ngày 15/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định chủ trương tam giác phát triển là kinh tế, xã hội và môi trường, không vì lợi ích kinh tế mà bỏ qua môi trường. Chủ trương này đã được cụ thể hóa bằng các chính sách, các văn bản pháp luật và đang được thực thi mà “không có vùng cấm”. Do đó, lấy một vài vụ việc cụ thể gán ghép và xuyên tạc để mở rộng thành vấn đề “hệ thống”, “đường lối” là vô căn cứ, cố ý nhằm mục đích chống phá đất nước, phủ nhận những thành tựu mà nhân dân ta đã đạt được. Việc vô tình lan truyền những thông tin bịa đặt trên mạng xã hội gây hoang mang dư luận sẽ không giúp ích gì mà còn gây khó khăn hơn cho việc khắc phục hậu quả.

Trên thực tế, không phải ai cũng có những phản ứng tiêu cực mà nhiều cá nhân, tổ chức đã có những hành động thiết thực để khắc phục hậu quả, giúp đỡ những hộ dân bị ảnh hưởng. Những ngày qua, bên cạnh ngành y tế tổ chức xét nghiệm nguồn nước miễn phí; các nhà máy lân cận cung cấp nước sạch miễn phí, thì cũng có những cá nhân, cửa hàng thông báo mở vòi nước sạch cho những hộ dân bị cắt nước đến lấy về dùng. Ở tầm nhìn dài hạn, chỉ bằng những hành động nhỏ, đông đảo các tầng lớp nhân dân cũng đang tích cực tham gia phong trào nói không với rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, trồng cây xanh... Hay đơn giản là thực hiện tốt nhiệm vụ được giao như chị công nhân vệ sinh Nguyễn Thị Thanh Hiếu của Công ty Môi trường đô thị Hà Nội, người vừa được vinh danh là Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019.

Bảo vệ môi trường không chỉ dựa vào những giải pháp của cơ quan chức năng mà cần có cả ý thức của cộng đồng. Ý thức cộng đồng nâng lên thì ý thức công vụ cũng nghiêm minh, những hành vi vi phạm cũng như sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Bởi vậy, mỗi người làm đúng chức trách nhiệm vụ và hướng về cộng đồng bằng những hành động thiết thực thì cũng là góp phần giúp cho môi trường sống của chúng ta tốt hơn.

Trần Ngọc Tú

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/goc-nhin/phan-ung-voi-o-nhiem-20191019070956848.htm