Phán quyết và sự chia rẽ

Khi cuộc xung đột Israel - Hamas vẫn chưa có hồi kết thì những thảm kịch nhân đạo tại khu vực Gaza vẫn tiếp diễn, thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhưng giữa việc quan tâm đến và tìm ra cách giải quyết vẫn còn là một khoảng cách dài.

1. Ngày 26/1/2024, Tòa án Công lý Quốc tế của Liên hợp quốc (ICJ) đã đưa ra phán quyết tạm thời trong vụ kiện của Nam Phi chống lại Israel về các hành vi bị cáo buộc diệt chủng ở Gaza. Trong phán quyết đầu tiên này, 15 trong số 17 thẩm phán của ICJ đã bỏ phiếu thông qua các biện pháp khẩn cấp đáp ứng hầu hết những gì Nam Phi yêu cầu. Trong đó quan trọng nhất, ICJ đã ra lệnh cho Israel phải hành động để ngăn chặn các hành động diệt chủng khi nước này tiến hành chiến tranh chống lại nhóm Hamas ở Dải Gaza.

Tòa ICJ tiến hành phiên điều trần cáo buộc Israel

Tòa ICJ tiến hành phiên điều trần cáo buộc Israel

Để dẫn đến phán quyết, hai phiên điều trần đã được diễn ra vào ngày 11 và 12/1/2024 trước đó tại The Hague, Hà Lan. Phiên điều trần diễn ra theo yêu cầu của Nam Phi chống lại Israel với cáo buộc vi phạm Công ước về Ngăn ngừa và Trừng phạt tội Diệt chủng được Liên hợp quốc (LHQ) thông qua năm 1948 về ngăn ngừa và trừng phạt tội diệt chủng. Đồng thời, Nam Phi cũng yêu cầu tòa án ban hành các biện pháp tạm thời để ngừng ngay lập tức hoạt động quân sự ở Gaza. Cả Nam Phi và Israel đều nằm trong số 152 quốc gia tham gia công ước năm 1948 và Nam Phi muốn chứng minh rằng Israel đã có những hành động tiêu diệt người dân Palestine vượt quá khả năng tự vệ chính đáng.

Phán quyết của ICJ là phán quyết tối cao dựa trên Công ước năm 1948 và nó sẽ không bị phủ quyết ở bất kỳ đâu. Khi ICJ thừa nhận có “dấu hiệu diệt chủng” trong các hoạt động quân sự của Israel ở Gaza, nó sẽ dẫn đến những thay đổi lớn. Khi đó, các tổ chức quốc tế sẽ hướng sự theo dõi nhằm vào các tổ chức và cá nhân của Israel. Nếu ICJ khẳng định quân đội Israel “phạm tội diệt chủng” thì các tổ chức và cá nhân này sẽ bị truy tố trên phạm vi toàn cầu. Đây là lời cảnh báo nghiêm trọng đến quân đội Israel cũng như những nhà lãnh đạo của họ.

Khi phán quyết được công bố, các thẩm phán đã yêu cầu Israel phải báo cáo với tòa án trong vòng một tháng tiếp theo về những gì họ đang làm để duy trì lệnh của tòa án nhằm thực hiện mọi biện pháp trong khả năng của mình để ngăn chặn hành vi diệt chủng ở Gaza. Thẩm phán Joan Donoghue, chủ tịch của ICJ cho biết phán quyết này tạo ra nghĩa vụ pháp lý quốc tế cho Israel. ICJ cũng đã phán quyết Israel phải nhanh chóng thực hiện các biện pháp “ngay lập tức và hiệu quả” để đảm bảo cung cấp viện trợ nhân đạo và các dịch vụ cơ bản cần thiết khẩn cấp cho Gaza. Đây là ràng buộc quốc tế đầu tiên “ép” Israel phải nối lại các hoạt động nhân đạo sau một giai đoạn bị cắt đứt gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.

Cuộc tiến công của quân đội Israel vào Gaza vẫn tiếp tục

Cuộc tiến công của quân đội Israel vào Gaza vẫn tiếp tục

Nhưng khi một yêu cầu ngăn chặn không đi kèm với lệnh ngừng bắn, rõ ràng phán quyết đó cũng chỉ mang tính biểu tượng. Và lại một lần nữa phán quyết đã kéo theo những cuộc tranh cãi mới về cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và Hamas ở khu vực Trung Đông.

2. Trước khi phán quyết của ICJ được đưa ra, Chính phủ Israel đã mô tả khiếu nại của phía Nam Phi là "lời phỉ báng đẫm máu vô lý" trong khi các đồng minh phương Tây của nước này là Anh và Mỹ chỉ trích kịch liệt động thái của Nam Phi. Ngược lại, các quốc gia khác, bao gồm Bolivia, Brazil, Colombia, Jordan, Malaysia, Maldives, Thổ Nhĩ Kỳ, Venezuela cũng như Tổ chức các nước Hồi giáo (OIC) gồm 57 quốc gia, đã có tiếng nói chính thức ủng hộ Nam Phi đồng thời kêu gọi ICJ mạnh mẽ với Israel.

Phán quyết của ICJ được phần đông thế giới ẢRập ủng hộ

Phán quyết của ICJ được phần đông thế giới ẢRập ủng hộ

Phản ứng của các bên sau phán quyết của ICJ là rất khác biệt. Bộ Ngoại giao và Người nước ngoài của Palestine hoan nghênh phán quyết, cho rằng đây là một “lời nhắc nhở quan trọng” rằng không có quốc gia nào đứng trên luật pháp. Ngoại trưởng Riyadh Maliki nhấn mạnh rằng Israel đã không thuyết phục được tòa án rằng nước này không vi phạm Công ước diệt chủng năm 1948. Trong phát biểu ngay sau phiên tòa, ông Maliki nói: “Các thẩm phán ICJ đã nhìn thấu sự chính trị hóa, sự chệch hướng và những lời dối trá trắng trợn của Israel”.

Ngược lại, Thủ tướng Israel, ông Benjamin Netanyahu chỉ trích phán quyết này là "thái quá" đồng thời khẳng định nước này sẽ tiếp tục bảo vệ chính mình và công dân của mình tuân thủ luật pháp quốc tế.

Hamas và phần lớn các quốc gia trong khu vực cũng ủng hộ phán quyết đồng thời kêu gọi một lệnh ngừng bắn chính thức. Các quốc gia phương Tây thì đơn giản là ủng hộ phán quyết tạm thời này vì nó rất “vừa phải”. Ở chiều ngược lại, Mỹ lại cho rằng ICJ đã không đánh giá đầy đủ tình hình khi bỏ qua việc Hamas là bên khơi mào cho chiến dịch quân sự hiện nay của Israel. Sự chia rẽ vẫn tiếp tục ngay cả khi phán quyết đã được thông qua.

Những người biểu tình phản đối Israel

Những người biểu tình phản đối Israel

Ngay từ những phiên điều trần đầu tiên, sự phân cực quốc tế đã bị hé lộ. Mỹ và một số nước phương Tây gọi những cáo buộc diệt chủng chống lại Israel là “vô căn cứ”, nhất là khi Hamas cũng đã tiến hành tấn công vào Israel. Trong khi đó, một số quốc gia đang phát triển, trong đó nổi bật là Brazil, ủng hộ các cáo buộc của Nam Phi tại Tòa án Công lý Quốc tế.

Ngoại trưởng Nam Phi, bà Naledi Pandor, người có mặt tại tòa khi các thẩm phán đưa ra phán quyết, cho biết bà đã “hy vọng vào các biện pháp tạm thời bao gồm lệnh ngừng bắn”. Nhưng bà Pandor thừa nhận rằng Israel sẽ không tuân thủ nếu lệnh ngừng bắn được đưa ra. Dù vậy, bà cũng lập luận rằng bà “không hiểu làm thế nào Israel có thể thực hiện các biện pháp do ICJ chỉ đạo mà không có lệnh ngừng bắn”. Bà Pandor đã hỏi lại các phóng viên vây quanh mình bên ngoài phòng xử án: “Làm thế nào để bạn cung cấp viện trợ vào nước mà không có lệnh ngừng bắn?” đồng thời khẳng định: “Nếu bạn đọc mệnh lệnh, thì ngụ ý rằng lệnh ngừng bắn phải xảy ra”.

Trong một tuyên bố được đưa ra từ LHQ, Tổng thư ký LHQ ông Antonio Guterres đã nhắc lại tính chất ràng buộc về mặt pháp lý đối với các phán quyết của ICJ, đồng thời bày tỏ tin tưởng “tất cả các bên sẽ tuân thủ nghiêm lệnh của tòa án”.

Phán quyết của ICJ tuy được tôn trọng nhưng bản thân tòa án không đủ sức mạnh để hiện thực hóa. Chính vì thế ICJ chỉ đang theo dõi vụ việc và nếu muốn tìm kiếm đến một lệnh ngừng bắn như phần lớn các bên mong đợi thì phải đợi đến phiên họp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (UNSC) vào cuối tháng. Dẫu vậy ai cũng biết UNSC sẽ bị chặn lại bởi lá phiếu phủ quyết từ phía Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Israel trong cuộc chiến này.

3. Phán quyết của ICJ sẽ khó được thực thi đầy đủ nhưng thực sự phán quyết đã trở nên có ý nghĩa lớn đối với nhiều người. Theo Giáo sư Haidar Eid tại Đại học Al-Aqsa ở Gaza, phán quyết của ICJ tuy chưa đủ sức nặng nhưng lại có ý nghĩa rất lớn trên bình diện quốc tế. Trả lời báo Al Jazeera, ông Haidar cho biết: “Như Nam Phi đã khẳng định, các hành động diệt chủng của Israel phải được hiểu trong bối cảnh rộng hơn về chế độ phân biệt chủng tộc kéo dài 75 năm của Israel”. Đó là hành động mà người Palestine cho rằng, họ đã bị Israel “giam cầm” trên dải đất của chính họ.

Giáo sư Haidar trích dẫn lời của nhà sử học Israel, ông Ilan Pappe trong cuốn sách mới nhất của mình có tên: “Nhà tù lớn nhất trên Trái đất: Lịch sử Gaza và các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng”. Theo đó, ông Pappe giải thích: “[Người Palestine ở Gaza] sống trong khu vực riêng của họ, nhưng không tính vào tổng số nhân khẩu học của quốc gia vì họ không thể tự do di chuyển, phát triển hoặc mở rộng, cũng như không có bất kỳ quyền dân sự và nhân quyền cơ bản nào”. Đây gần như một sự giam lỏng và vi phạm toàn bộ những quyền dân sự tối thiểu theo quy định.

Việc Nam Phi, một quốc gia đã trải qua sự tồi tệ của chủ nghĩa thực dân, thanh lọc sắc tộc và phân biệt chủng tộc để vươn lên xây dựng một xã hội dân chủ như ngày nay lên tiếng về “nạn diệt chủng” đánh dấu “lần đầu tiên trong lịch sử một quốc gia Nam bán cầu đã dũng cảm vượt qua ranh giới đỏ do phương Tây vạch ra và yêu cầu Israel phải chịu trách nhiệm về những tội ác mà họ đã gây ra từ lâu chống lại người bản địa”.

Đó là hình ảnh trái ngược với trước đây khi những cáo buộc thường đến từ phía những nước giàu có hơn chủ yếu ở Bắc bán cầu. Chính vì thế, ông Haidar cho rằng “vụ án này là một bước ngoặt lớn của nhân loại”.

Dẫu vậy, giáo sư Haidar cũng phải thừa nhận đây chỉ mới là tín hiệu chứ chưa phải là hành động thực tế của các nước Nam bán cầu. “Thực tế cay đắng đối với chúng tôi, những người Palestine ở Gaza, là chúng tôi đơn độc, bị bao vây”, giáo sư Haidar viết trên tờ Al Jazeera.

Tiểu Phong

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/su-kien-binh-luan-antg/phan-quyet-va-su-chia-re-i723380/