Phân định khái niệm để bắt kịp sự phát triển

Trong dòng chảy nghệ thuật, việc sáng tác và thử nghiệm với chất liệu mới luôn được nhiều nghệ sĩ quan tâm, bởi đây cũng là một trong những xu hướng của thị trường khi chú trọng tính độc lạ và độc bản của tác phẩm.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, việc phân biệt giữa chất liệu và vật liệu sáng tạo tác phẩm vẫn còn là khái niệm chưa phân định rõ ràng. Có thể nói mối liên thông giữa vật liệu và chất liệu là một khái niệm, một trạng thái vẫn có sự bất phân, nhập nhằng trong nhận diện của hội họa Việt Nam lâu nay.

Điển hình như một tác phẩm vẽ bằng sơn dầu trên toan hay màu nước trên giấy, người trong giới lẫn công chúng quan tâm hội họa vẫn quen gọi là chất liệu sơn dầu, màu nước. Nhưng theo góc nhìn từ các nhà nghiên cứu mỹ thuật, chính xác phải gọi là vật liệu sơn dầu, màu nước, bột màu, acrylic… Vật và chất khác nhau, vật dùng để chỉ chung cho người, sự việc, các loài trong trời đất; còn chất là bản thể của sự vật, của gốc rễ, của đặc tính…

Theo cách diễn giải này, có thể hiểu vật liệu làm nên bức tranh là sơn dầu và toan, còn chất liệu của bức tranh là câu chuyện, chủ đề, hồn cốt của nó. Theo nhiều tài liệu lịch sử hội họa trong nước, có sự nhập nhằng vật liệu/chất liệu là vì hội họa hiện đại Việt Nam, đa phần vật liệu là du nhập từ nước ngoài.

Chính vì thế mà hiệu ứng từ những vật liệu mới đã biến thành chất liệu và cả hiệu quả mỹ thuật. Với các nước phát triển cũng vậy, việc tìm ra một vật liệu mới cho mỹ thuật cũng quan trọng như tìm ra ngôn ngữ mới, câu chuyện mới, chất liệu mới…

Một cách gọi khác liên quan đến tranh mà mà nhiều người trong giới quan tâm và đưa ra ý kiến trái chiều, đó chính là thử nghiệm tranh sơn mài trên toan. Sơn mài là chất liệu hội họa truyền thống của Việt Nam, tranh thường được vẽ trên vóc - một tấm gỗ, trải qua nhiều công đoạn xử lý đặc biệt để có được sự bền vững và phù hợp với chất liệu sơn mài. Vóc gỗ tuy quen thuộc nhưng kích thước lớn và nặng, nhiều họa sĩ đã thử nghiệm sơn mài hiện đại trên toan bằng vải lanh. Nhưng chính sự thay đổi này để lại các ý kiến trái chiều.

Nhiều ý kiến trong giới cho rằng, sơn mài trên vóc mới đúng là tranh sơn mài, còn sơn mài trên vải, toan… phải được gọi là tác phẩm đa chất liệu mới chuẩn xác chứ không thể gọi đó cũng là tranh sơn mài.

Chất liệu - vật liệu không chỉ là thành tố quan trọng để người thực hành sáng tạo gửi gắm ý niệm thông qua tác phẩm nghệ thuật, nó còn phản ánh sự phát triển của thị trường.

Việc tranh luận cách gọi, phân định các khái niệm rõ ràng trong sáng tạo tác phẩm cũng là bước chuẩn bị để thị trường nghệ thuật trong nước trở nên chuyên nghiệp và bắt kịp nhịp phát triển của các thị trường lớn trong khu vực cũng như có cơ hội tham gia sàn đấu giá của các nhà đấu giá quốc tế.

THIÊN THANH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phan-dinh-khai-niem-de-bat-kip-su-phat-trien-post740705.html