Phấn đấu đạt mục tiêu 'hạnh phúc - thịnh vượng' trong nửa cuối 2025
Sau sáp nhập Quảng Nam - Đà Nẵng, bộ máy chính quyền hai cấp đang vận hành nhịp nhàng, hiệu quả, góp phần tạo nền tảng cho đà phục hồi mạnh mẽ của kinh tế địa phương. Tăng trưởng GRDP năm 2025 của thành phố được dự báo đạt khoảng 9,4%, khẳng định sự khởi đầu đúng hướng của một đô thị hợp nhất đang hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững, hạnh phúc và thịnh vượng.

Góc nhìn trên cao của thành phố Đà Nẵng.
Vận hành thông suốt bộ máy hai cấp, tạo đà phát triển mới
Ngay sau khi hợp nhất địa giới hành chính và chính thức vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp từ ngày 1/7/2025, thành phố Đà Nẵng (mới) đã nhanh chóng ổn định tổ chức, phát huy vai trò chỉ đạo - điều hành của đội ngũ lãnh đạo mới. Bộ máy hành chính thống nhất từ thành phố đến phường, xã đang phát huy hiệu quả, góp phần tăng cường liên kết vùng, giảm chồng chéo, đồng thời mở ra không gian phát triển rộng lớn hơn cho toàn khu vực.
Bên cạnh việc củng cố bộ máy, thành phố cũng chủ động điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn chuyển tiếp, tập trung vào ba trụ cột: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao. Tinh thần hành động nhanh, quyết liệt và thống nhất từ cấp ủy đến chính quyền các cấp đã thổi luồng sinh khí mới vào hoạt động kinh tế địa phương.
Kinh tế phục hồi tích cực, hướng tới chỉ số “hạnh phúc - thịnh vượng”
Theo báo cáo của Chi cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 6 tháng đầu năm 2025 đạt 9,43%. Trên cơ sở đó, thành phố dự báo GRDP cả năm có thể đạt khoảng 9,4% - mức tăng trưởng cao và ổn định trong bối cảnh nhiều biến động kinh tế - chính trị trên thế giới và trong nước.
Dự báo tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm dao động từ 9,3 - 9,5%, với sự đồng đều giữa các ngành. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng được kỳ vọng tăng 12 - 12,5%, tiếp tục là động lực chính; khu vực dịch vụ - vốn là thế mạnh truyền thống - giữ đà tăng trưởng 9,5 - 10%, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, thương mại, logistics, giáo dục và y tế chất lượng cao. Khu vực nông, lâm, thủy sản tuy tăng nhẹ 3 - 3,5% nhưng thể hiện sự ổn định và khả năng phục hồi từ mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh, bền vững.

Ngành du lịch Đà Nẵng tạo động lực rất lớn cho các ngành khác.
Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm cũng tăng khoảng 5 - 5,5%, cho thấy sự khởi sắc trong sản xuất - tiêu dùng nội địa và xuất nhập khẩu, qua đó hỗ trợ tăng thu ngân sách và tạo dư địa tài chính cho các chương trình an sinh xã hội.
Tăng cường cải cách, hướng đến phát triển toàn diện và hài hòa
Trên nền tảng vận hành hiệu quả sau hợp nhất, lãnh đạo thành phố đặt mục tiêu không chỉ tăng trưởng kinh tế đơn thuần, mà còn chú trọng nâng cao chất lượng sống của người dân, theo hướng “phát triển vì con người”. Trong 6 tháng cuối năm 2025, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển đô thị thông minh, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên - môi trường và ưu tiên đầu tư cho y tế, giáo dục, nhà ở và phúc lợi xã hội.
Cùng với đó, thành phố đặc biệt quan tâm xây dựng và triển khai các chỉ số đánh giá “hạnh phúc - thịnh vượng”, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả của bộ máy chính quyền và các chương trình phát triển.
Với tâm thế chủ động, năng động và đoàn kết sau hợp nhất, chính quyền và Nhân dân thành phố Đà Nẵng đang từng bước khẳng định vị thế của một đô thị hợp nhất kiểu mẫu - nơi hội tụ trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng vươn lên vì mục tiêu “hạnh phúc của người dân - thịnh vượng của thành phố”.