Phản ánh của doanh nghiệp: Tiếp cận nguồn vốn rẻ không dễ như kỳ vọng

Nhiều doanh nghiệp cho biết dù thuộc đối tượng nằm trong nhóm 5 lĩnh vực được ưu tiên, song việc tiếp cận nguồn vốn rẻ không dễ như kỳ vọng.

Thực hiện chủ trương của Ngân hàng Nhà nước, một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư, đặc biệt là với nhóm 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu; phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Một số ngân hàng thương mại đã giảm lãi suất cho vay ngắn hạn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư. Ảnh: Trần Việt-TTXVN

Ngoài ra, các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường, doanh nghiệp có quan hệ tín dụng thường xuyên từ 3 năm trở lên và có năng lực tài chính, vốn tự có tham gia phương án sản xuất kinh doanh, khoản vay dự án hiệu quả cũng có thể tiếp cận nguồn vốn vay giá rẻ này.

Quyết định giảm lãi suất cho vay ngắn hạn được cộng đồng doanh nghiệp "hồ hởi" đón nhận, nhất là nay đang chuẩn bị bước sang quý III của năm, thời điểm quan trọng để thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và chạy nước rút hoàn thành kế hoạch.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, mặc dù, thuộc đối tượng nằm trong nhóm 5 lĩnh vực được ưu tiên, song việc tiếp cận nguồn vốn rẻ không dễ như kỳ vọng. Cơ bản là các điều kiện ràng buộc như tài sản thế chấp, lịch sử tín dụng của doanh nghiệp, thậm chí kể cả vấn đề tuổi tác chủ doanh nghiệp... cũng là những rào cản hiện hữu, khiến doanh nghiệp chỉ "đứng ngoài", cho dù thực tế, ngân hàng có giảm lãi suất.

PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Giám đốc Công ty TNHH Nấm Linh Chi cho biết, doanh nghiệp cũng đã nhiều lần tiếp cận thông tin về nguồn vốn vay ngân hàng, tuy nhiên, thủ tục và những yêu cầu bảo đảm từ phía ngân hàng khiến không ít lần doanh nghiệp chán nản. Trong khi chủ trương mới của Nhà nước, hỗ trợ vốn vay ưu đãi lãi suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khiến công ty thêm nhiều động lực.

Theo bà Chính, nếu vay được vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư thêm trang thiết bị máy móc, có thể sẽ tuyển thêm nhân công lao động, nhờ đó, chắc chắn sẽ gia tăng sản lượng và kéo theo là doanh thu. Tuy nhiên, từ chủ trương tới thực tiễn lại là chuyện rất khác.

Sau rất nhiều nỗ lực tìm hiểu, nắm bắt thông tin nhưng việc vay vốn của doanh nghiệp vẫn không có kết quả. Câu trả lời duy nhất mà bà Chính nhận được từ các giao dịch viên và tư vấn viên ngân hàng, đó là chủ doanh nghiệp nhiều tuổi, không phù hợp với chính sách cho vay của ngân hàng. Điều này thực sự khiến bà Chính thất vọng.

Là một trong những doanh nghiệp thuộc ngành xây dựng, Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị Sơn An, chuyên đầu tư, xây dựng và kinh doanh bất động sản cũng luôn có nhu cầu vốn lớn.

Nhận định về khả năng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ từ các ngân hàng thương mại, ông Nguyễn Khắc Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển đô thị Sơn An cho biết, tạm thời, doanh nghiệp chưa chủ trương vay vốn tại thời điểm này và có lẽ sẽ tiếp tục chờ những động thái mới. Chi phí vốn giảm thấp là điều đáng mừng, nhưng nếu nới lỏng các điều kiện cho vay thì mới thật là điều mà các doanh nghiệp đang mong đợi. Thực tế, muốn vay được ngân hàng mà doanh nghiệp lại có lịch sử tín dụng không tốt, có nợ xấu hay nợ quá hạn thì đương nhiên là sẽ khó khăn.

Điều kiện để được tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp là doanh nghiệp phải đạt tiêu chuẩn xếp hạng tín dụng loại A; không bị "dính" nợ xấu và có các phương án kinh doanh tốt.... Thực tế, điều này không phải doanh nghiệp nào cũng có được, nên "vốn rẻ" mà điều kiện khó thì cũng chẳng dễ vay, mặc dù, bản thân doanh nghiệp rất hiểu rằng, ngân hàng hoàn toàn có cơ sở để đưa ra các yêu cầu khắt khe trong vay vốn nhằm bảo toàn an toàn tín dụng.

Trước thực trạng các doanh nghiệp chưa thể tiếp cận với nguồn vốn lãi suất thấp của các ngân hàng thương mại, Tiến sĩ Nguyễn Toàn Thắng, Tổng thư ký, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam khẳng định, thực tế này là có và luôn tồn tại những mâu thuẫn, mà khó có thể có một giải pháp nào hoàn hảo để thỏa mãn cùng lúc nhiều điều kiện.

Ông Thắng ví dụ, cụ thể như: ngân hàng vừa tăng được dư nợ, vừa đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng như Chính phủ giao; doanh nghiệp vừa dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp để phát triển sản xuất kinh doanh... nhất là khi vấn đề đảm bảo an toàn tín dụng; giảm thiểu rủi ro nợ xấu, nợ quá hạn ngân hàng luôn được đặt ở chế độ "đèn đỏ".

Theo phân tích của ông Thắng, nút thắt lớn nhất khiến các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, chưa nói tới vấn đề lãi suất thấp hay cao, luôn là việc không có tài sản thế chấp. Không ngân hàng nào đồng ý cho vay mà không có gì nắm trong tay. Nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thì khó có thể có tài sản thế chấp. Rất cần phải có những đơn vị trung gian, các tổ chức đứng ra đảm bảo hoặc làm chức năng bảo lãnh tín dụng giúp doanh nghiệp.

Từ trước tới nay, các mô hình này đều đã có ở Việt Nam, tuy nhiên hoạt động không hiệu quả, ông Thắng nhấn mạnh. Bản thân họ còn ngại ngần, hoạt động còn không quyết liệt, hỗ trợ doanh nghiệp không tới nơi tới chốn... thì ngân hàng khó có thể mạnh dạn nắm tay doanh nghiệp chỉ bằng niềm tin.

Có lẽ, phải cần thêm cơ chế, chính sách; cùng với đó là việc tích cực cải thiện môi trường kinh doanh; tạo điều kiện đầu tư thuận lợi và dễ dàng hơn cho doanh nghiệp, ông Thắng khẳng định./.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/phan-anh-cua-doanh-nghiep-tiep-can-nguon-von-re-khong-de-nhu-ky-vong/53051.html