'Phải biết tạo thị trường và làm chủ cuộc chơi'

Khẳng định chỉ khi chấp nhận được sự khốc liệt của thương trường mới có thể vẫy vùng trên 'biển lớn', ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamit vẫn miệt mài theo đuổi định hướng đã đề ra trong suốt 30 năm hình thành và phát triển doanh nghiệp.

Chúng ta không có lý do để… không có cơ hội

+ Ở giai đoạn thị trường được đánh giá có nhiều biến động, xin ông hãy chỉ ra những thuận lợi cũng như thách thức của lĩnh vực nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp?

- Hiện nay, xu hướng của thế giới quay về những sản phẩm từ thực vật. Bởi, sau đại dịch COVID-19, họ tìm ra giá trị của việc nâng cao hệ miễn dịch bằng cách thay đổi lối sống, ăn uống…

Dựa trên xu hướng này, các nhà đầu tư tài chính nhìn ra rằng, đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở thời điểm hiện tại là phù hợp. Nếu đầu tư vào chứng khoán hay bất động sản, họ có thể đứng trước nguy cơ “bong bóng”, nhưng điều này không bao giờ xảy ra ở lĩnh vực nông nghiệp vì con người luôn có nhu cầu ăn uống.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đang đối diện với rất nhiều thách thức. Sau đại dịch, việc thông thương bị giới hạn, chúng ta dường như giậm chân tại chỗ trong kinh doanh quốc tế. Bên cạnh đó, tình hình khủng hoảng kinh tế trong năm 2022 kéo dài sang năm 2023 và chưa có dấu hiệu khởi sắc cũng làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh và sản xuất.

Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Vinamit. Nguồn: NVCC

Chúng ta chưa thể trở lại bình thường dù lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm có những bùng nổ nhất định, như việc xuất khẩu sầu riêng, nông sản tươi từ đầu năm tới nay tăng trưởng nhanh về lượng lẫn về giá.

Lĩnh vực nông nghiệp và chế biến sản phẩm nông nghiệp gần như đều theo chu trình mà chúng ta thường hay gọi là “được mùa mất giá”. Những người kinh doanh trong lĩnh vực này phải đối đầu với khủng hoảng bất chợt, nhất là đối với các sản phẩm chưa chế biến sâu.

Lần này khác thường so với khủng hoảng tài chính giai đoạn 2006-2007 hay 2012-2015 là không chỉ của Việt Nam mà của toàn cầu. Cùng với đó là nhiều bất ổn về mặt chính trị thế giới.

+ Trước sự “khác thường” đó, theo ông các doanh nghiệp cần thắp lên niềm tin và có những bước đi nào để đối đầu với những chông gai đã, đang và sẽ gặp phải?

- Dù xảy ra khủng hoảng, thách thức gì đi chăng nữa, chúng ta cũng cần có sức mạnh nội lực, dám đối đầu và nhìn thấy được tiềm năng ở tương lai để vượt qua. Chúng ta không có lý do gì để không có cơ hội. Chúng ta có đất, có nước ngọt, có nguồn lao động, có xứ sở với nhiều loại cây trái… Đây là những tiềm năng mà chúng ta phải nhìn vào để có được sự lạc quan.

Điều chúng ta cần là phải chuẩn bị cho mình một tư thế đón nhận mới. Người nông dân hiện nay đang chuyển sang trồng sầu riêng, xoài và mít rất nhiều. Đây là những tín hiệu và định hướng khá tốt vì đó vẫn là những ưu thế của nước ta.

Tôi mong là xu hướng của thế giới cộng với năng lực nội tại của nông dân Việt Nam, cũng như chính sách, sự quan tâm của Nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ giúp Việt Nam lạc quan hơn trong những năm tới. Càng khó khăn, chúng ta càng phải nhìn lại và tìm ra sức mạnh nội tại của chính mình.

Muốn đột phá, đừng bao giờ sợ thời gian

+ Như ông đã nói, “khi gặp thách thức, cần có sức mạnh nội lực, dám đối đầu và nhìn thấy được tiềm năng ở tương lai để vượt qua”, ở Vinamit, điều này đã được chứng minh như thế nào thưa ông?

- Chiến lược của Vinamit đã được định hướng rất lâu dài thay vì những cái trước mắt. Vinamit vẫn tập trung vào một con đường duy nhất là doanh nghiệp trồng trọt, canh tác, chế biến sản phẩm nông nghiệp mang lại sức khỏe tốt cho người tiêu dùng trong và ngoài nước. Chúng tôi vẫn đang liên tục mở rộng và đầu tư theo định hướng đó.

Trong nguyên tắc marketing, muốn đột phá thì đừng bao giờ sợ thời gian. Đó là văn hóa kinh doanh của Nhật Bản. Nếu doanh nghiệp đưa ra sản phẩm đơn giản mà ai cũng làm được thì chỉ có thể tồn tại trong một thời gian ngắn. Chỉ những sản phẩm của người đi sâu, tinh tế, độc đáo, đáp ứng được tiêu chuẩn thị trường mới có thể đi đường dài.

Ví dụ, cùng là sản phẩm hữu cơ (organic), nhưng tiêu chuẩn của Mỹ có thể khác với tiêu chuẩn của châu Âu. Đáp ứng được tiêu chuẩn rồi, nhưng nếu doanh nghiệp không kiên trì, đeo bám và tạo ra thị trường, thì cũng sẽ không có nhà phân phối nào… bán giúp, đơn giản vì nhà phân phối chỉ bán những mặt hàng có người mua.

Khi manh nha có thị trường, phải biết thâu tóm thị trường bằng giải pháp “lỗ có kế hoạch”, tức chấp nhận lỗ trong thời gian đầu để “bớm sức” cho nhà phân phối chiếm thị trường, sau đó mới tính tới lợi nhuận.

Ông Viên cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế của một quốc gia nông nghiệp. Nguồn: NVCC

Tóm lại, phải biết tạo thị trường và đủ sức để theo đuổi “cuộc chơi”, chấp nhận sự khốc liệt của thương trường thì mới vẫy vùng được trên “biển lớn”.

Hơn 30 năm trước, tôi đích thân đem mít sấy sang chào hàng ở các chợ đầu mối tại Đài Loan, Trung Quốc, nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu, vì bạn hàng chưa biết đến cây mít hoặc chỉ biết mít tươi.

Không bỏ cuộc, tôi bày bán hàng tại vỉa hè vào dịp Tết, khi các bà nội trợ Đài Loan đi mua sắm, để mời họ nếm thử. Họ ăn thấy ngon và lạ, rồi xúm nhau mua. Các nhà buôn chứng kiến cảnh đó, họ không bỏ lỡ cơ hội và từ đó Vinamit đã tìm được chỗ đứng ở thị trường Đài Loan.

Sang Trung Quốc, tôi thuê người bản địa đi phát sản phẩm cho người dân ăn thử. Lúc ấy, các doanh nhân ở Trung Quốc thường đi xe lửa, nên tôi đem mít lên tàu mời họ thưởng thức. Chính những chuyến xe lửa như vậy đã đưa Vinamit tiến sâu vào thị trường Trung Quốc.

Hồi đó, dù đã là chủ doanh nghiệp, nhưng mỗi tháng, tôi dành đến 20 ngày ở ngoại quốc để bán hàng, khai phá thị trường, chấp nhận đi từ nhỏ tới lớn, từ lỗ tới lãi. Nhờ vậy, mới có Vinamit hôm nay.

+ Trước những sức ép của giai đoạn mới, không ít doanh nghiệp lớn đã phải tái cấu trúc, sa thải số lượng lớn nhân viên, nợ lương… Vậy, ông có cho rằng thị trường hiện nay quá khốc liệt đối với các start-up?

- Thật ra, các start-up dù có khó khăn nhưng dễ “thắt lưng buộc bụng” hơn so với những doanh nghiệp lớn. Bởi quy mô của các doanh nghiệp khởi nghiệp còn nhỏ, thị trường cũng nhỏ nên góc tiếp cận sẽ tốt hơn, khả năng chịu đựng của họ sẽ đơn giản những doanh nghiệp lớn nhiều.

Ở tuổi 60, thay vì nghỉ hưu, ông Nguyễn Lâm Viên vẫn miệt mài phát triển các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ. Nguồn: NVCC

Tuy nhiên, nếu những doanh nghiệp nhỏ liên quan đến lĩnh vực bất động sản, tài chính, xây dựng thì chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong “chuỗi domino” của sự sụp đổ ở lĩnh vực chứng khoán và bất động sản. Các nhà thầu phụ cho các công trình xây dựng đôi khi phải rơi vào tình trạng ngưng sản xuất, bế tắc, thậm chí lâm nợ và khách hàng không có khả năng trả nợ.

Nhưng nếu đầu tư vào lĩnh vực đúng xu hướng, các bạn có thể trở thành những người thành công vượt bậc. Điển hình như những doanh nghiệp trồng trọt sầu riêng, từ đầu năm tới nay họ đã có thể phát triển gấp 3-4 lần.

Mỗi lĩnh vực hiện đang có những thuận lợi và thách thức riêng biệt. Vì thế, sự thành công của các doanh nghiệp khởi nghiệp phần lớn đến từ việc lựa chọn lĩnh vực đầu tư, phát triển của mình, có chiến lược và quyết tâm theo đuổi nó.

+ Xin cảm ơn ông!

Kỳ Hoa (Thực hiện)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phai-biet-tao-thi-truong-va-lam-chu-cuoc-choi-post244299.html