Phác họa bức tranh tổng thể mỹ thuật Việt

Dành thời gian dài nghiên cứu, học giả Pháp Louis Bezacier tự nhận thức việc mình làm là nhặt nhạnh từng hạt ngọc, so sánh, giám định, khảo tả, phân tích, rồi tổng hợp để tạo nên chuỗi vòng nghệ thuật An Nam.

Đặt nền móng nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt

Louis Bezacier là một trong số ít học giả đặt những viên gạch đầu tiên cho việc nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Việt Nam, và có ảnh hưởng sâu sắc đối với chuyên ngành này. “Tiểu luận về nghệ thuật An Nam” của ông tập hợp 7 bài nói chuyện kèm hình ảnh được thực hiện ở Bảo tàng Louis Finot (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia) tại Hà Nội dưới sự bảo trợ của Hội Những người bạn của Viện Viễn Đông Bác Cổ.

Trong cuốn sách, Louis Bezacier đã phân tích các ảnh hưởng đến nghệ thuật An Nam và phân loại theo trình tự thời gian những biểu hiện của nền nghệ thuật ấy

Trong cuốn sách, Louis Bezacier đã phân tích các ảnh hưởng đến nghệ thuật An Nam và phân loại theo trình tự thời gian những biểu hiện của nền nghệ thuật ấy. Đây là hai kết quả đáng chú ý nhất của cuốn sách, trung thực và không trau chuốt, thiếu những khéo léo văn chương nhưng lại phong phú sự thật này.

Tác giả của "Tiểu luận về nghệ thuật An Nam" tự nhận thức rằng công việc mà ông làm là nhặt nhạnh từng hạt ngọc, so sánh, đối chiếu, giám định, khảo tả, và phân tích, rồi tổng hợp lại để tạo nên chuỗi vòng nghệ thuật An Nam. Đó là chuỗi vòng có 11 thế kỷ tồn tại.

Bằng những cứ liệu vật chất, Louis Bezacier cho rằng, chỉ từ cuối thế kỷ IX mới có những yếu tố cụ thể, xác đáng cho lịch sử nghệ thuật An Nam, còn trước đó, trong suốt ngàn năm, chủ yếu là dấu vết của các chính quyền phương Bắc để lại: các ngôi mộ Hán - Lục triều. Xa hơn nữa, nền nghệ thuật Đông Sơn cho thấy mối liên hệ mật thiết với văn minh Dayak của Borneo và Battak của Sumatra, và thảng hoặc có thể nhìn thấy những dấu vết văn minh nửa Trung Hoa nửa bản địa.

Vì vậy, ông cho rằng, sẽ không ích gì khi tìm kiếm tổ tiên trực tiếp của người An Nam ngày nay qua cư dân Đông Sơn. Bezacier đã đưa ra một nhãn quan rộng mở khi nhìn các hiện vật với con mắt đa chiều, đa nguyên và đa văn hóa.

Bezacier đã đưa ra nhãn quan rộng mở khi nhìn các hiện vật với con mắt đa chiều, đa nguyên và đa văn hóa

Từ những nghiên cứu của Louis Bezacier, các học giả Việt Nam trong thế kỷ XX đã triển khai hàng loạt chuyên luận, như "Mỹ thuật thời Lý", "Mỹ thuật thời Trần", "Mỹ thuật thời Lê", "Mỹ thuật thời Mạc" của Viện Mỹ thuật, "Mỹ thuật người Việt" của Nguyễn Quân và Phan Cẩm Thượng… Sang thế kỷ XXI, ta còn biết cuốn "Arts of Việt Nam 1009-1945" của Kerry Nguyễn-Long (NXB Thế giới, 2013), "L'envol du dragon-Art royal du Vietnam" (Museé National des Arts Asiatiques - Guimet, Paris, 2014), "Mỹ thuật Nguyễn" của Nguyễn Hữu Thông (NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2019). Tất cả các công trình trên là một cuộc chạy tiếp sức trong nhiều thập kỷ, trong đó Louis Bezacier là người chạy ở những chặng đầu tiên.

Phác thảo một nền nghệ thuật đa tôn giáo

Chia sẻ tại chương trình ra mắt bản dịch tiếng Việt tác phẩm “Tiểu luận về nghệ thuật An Nam" của Louis Bezacier, do Nhã Nam và Viện Pháp tổ chức ngày 24.2, PGS.TS. Trần Trọng Dương nhận định: Louis Bezacier đã nỗ lực phác họa một bức tranh tổng thể mỹ thuật, kiến trúc, nghi lễ và văn hóa Việt Nam, với chủ ý rõ ràng về một lịch sử có tuyến tính, và ý thức về phân kỳ lịch sử, thông qua việc giám định và khảo tả các hiện vật khảo cổ và mỹ thuật.

Điều đáng lưu ý trong luận điểm của Bezacier là phác thảo về một nền nghệ thuật tôn giáo, đúng hơn là nghệ thuật đa tôn giáo của Việt Nam thời kỳ tiền hiện đại. Với góc nhìn từ chủ thể văn hóa, Bezacier coi các công trình nghệ thuật (dù là kiến trúc, điêu khắc, hay hội họa, nghi lễ…) như là những dạng thức thể hiện khác nhau của thực hành tôn giáo và tín ngưỡng dân gian.

Ông đã đưa ra một nhận định quan trọng về đình làng. Đó là loại hình kiến trúc An Nam duy nhất dựng trên cột trụ nhà sàn, nó khác với truyền thống kiến trúc Trung Hoa, và gần với kiến trúc bản địa Nam Á.

Nhà nghiên cứu Mỹ thuật Nguyễn Tuấn Anh cho rằng “Tiểu luận về nghệ thuật An Nam” là một trong những nghiên cứu khá sớm về nghệ thuật Việt Nam

Ảnh hưởng của Louis Bezacier trong văn hóa Việt Nam được thể hiện qua cách ông khảo tả các đồ án mỹ thuật, mà cho đến nay, đã trở thành các thuật ngữ. Một điểm quan trọng nữa mà Louis Bezacier đưa ra trong "Tiểu luận về nghệ thuật An Nam" là phản biện luận điểm cho rằng nghệ thuật An Nam chỉ là “một bản sao lỗi”, là “nghệ thuật thuộc địa” phái sinh từ nghệ thuật Trung Hoa…

Nói về “Tiểu luận về nghệ thuật An Nam”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: Đây là cuốn sách thú vị, là một trong những nghiên cứu khá sớm, cách đây 80 năm về nghệ thuật Việt Nam của một học giả Pháp, người đã gắn bó và nghiên cứu nghệ thuật ở phía Bắc - nghệ thuật An Nam có nền tảng và hệ thống trên các bình diện khảo cổ học, trùng tu và góc độ nghệ thuật.

Hơn nữa, Louis Bezacier còn là một giáo sư dạy ở Trường Mỹ thuật Đông Dương, để thấy rằng đóng góp của ông là một quá trình giữa nghiên cứu, thực nghiệm và giảng dạy. Đây là công trình có dấu ấn về mặt học thuật, giúp cho mọi người có hành trang nghiên cứu, cách tiếp cận một nền nghệ thuật. Tất nhiên sau 80 năm, một nghiên cứu bao giờ cũng có vấn đề của nó, nhưng vấn đề ấy có thể được các thế hệ sau điều chỉnh và bổ sung…

Ngọc Phương

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa-van-nghe/phac-hoa-buc-tranh-tong-the-my-thuat-viet-i360974/