Phá sản dự án trồng 5.000ha măng mã trúc

Một dự án trồng 5.000 ha măng mã trúc rất nhiều hy vọng, nhưng kết cục như đùa!

Ngày 16.12.2003 UBND tỉnh Quảng Ninh có văn bản số 2111/UB, phê duyệt dự án trồng tre măng và chế biến măng xuất khẩu tại địa bàn huyện Tiên Yên. Theo đó đồng ý cho Cty cổ phần đầu tư và phát triển kinh tế trang trại thủy sản Thành Tín do ông Văn Trọng Tụy làm giám đốc, hợp tác với Cty kinh doanh thổ sản Đại Hòa thuộc Quảng Đông - Trung Quốc trồng măng mã trúc xuất khẩu trên diện tích 5225,8ha. Một dự án với rất nhiều hy vọng, nhưng kết cục như đùa! Dự án to như voi Đây là một dự án có quy mô lớn, thể hiện khá rõ trong hợp đồng hợp tác kinh doanh của 2 bên như sau: Tổng vốn góp trong giai đoạn 1 là: 5 triệu USD, bao gồm vốn cố định 2,4 triệu và vốn lưu động 2,6 triệu USD. Mỗi bên có giá trị góp 50/50; bên Đại Hòa góp 33,166 triệu USD chiếm 63,32% tổng vốn góp; bên Thành Tín vì có quỹ đất nên góp 1,834 triệu USD (36,68%). Bên Thành Tín bắt đầu triển khai trồng rừng là loại tre măng mã trúc, suất đầu tư 1ha là 3.226USD (50 triệu VND). Ngay trong tháng thứ nhất, Thành Tín phải bắt đầu trồng măng và bên Đại Hòa chuyển liền 120.627USD sang Tiên Yên để xây dựng nhà máy chế biến măng vào loại lớn nhất Đông Nam Á, dự kiến sẽ hoạt động vào tháng 4 năm 2005. Trong thời hạn một năm đầu tiên, bên Thành Tín cam kết trồng được 4.000ha rừng tre măng, qua đó sẽ sử dụng 4 triệu cây tre măng giống, mật độ 1.000 cây/ha, đảm bảo tỉ lệ sống của cây sau 50 ngày ít nhất đạt 80%. Theo thuyết trình của dự án, măng mã trúc dễ trồng và dễ chăm sóc, ít sâu bệnh lại thích nghi được với nhiều loại đất, nhất là tại các vùng nhiệt đới... Quy mô sẽ có hiệu quả thu hoạch măng ổn định ngay từ năm đầu tiên và dự án sẽ đạt 2 vạn tấn măng khô/năm; đưa doanh thu lên 15,015 triệu USD/năm. Qua đó lợi nhuận sau thuế là 839.704USD và lợi nhuận được chia mỗi bên hàng năm là 398.859,5USD! Do năng lực tài chính của Cty Thành Tín hầu như không có nên các đối tác đều ngãng ra. Ông Vũ Hùng Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên - cho biết, ngay năm đầu hợp tác kinh doanh, Đại Hòa đã hủy hợp đồng. Sau đó tháng 9 năm 2005, tỉnh chấp nhận đối tác mới mà Thành Tín đề xuất là Cty cổ phần đầu tư thương mại Bắc Hà (Hà Nội) thì đến đầu năm 2006 Bắc Hà cũng bỏ cuộc. Ngày 23.7.2009 Sở Kế hoạch Đầu tư đã có Quyết định số 95/QĐ- KHĐT- TTr nêu rõ những bê bối mà Thành Tín vi phạm “đã có hành vi lập thủ tục mua, bán cổ phần; thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh không đúng trình tự; giả mạo chữ ký các thành viên HĐQT nhằm chiếm đoạt cổ phần của cổ đông sáng lập…” trong đó có một phần thuộc thẩm quyền giải quyết của mình nên Sở KHĐT đã phạt Thành Tín 5 triệu đồng… Không được nổi “bát xáo” Ở Tiên Yên, Thành Tín được giao 5225,8ha trồng măng trên địa bàn 2 xã là Hà Lâu (4797,6ha) và Hải Lạng (428,2ha). Ông Hoàng Vĩnh Hải - Chủ tịch UBND xã Hà Lâu - cho PV Lao Động biết, đất rừng giao cho Thành Tín thuộc 3 tiểu khu 236; 233; 227 tập trung ở các khe bản như Khe Lệ, Khe Danh, Bắc Buông, Nà Hắc… trong đó có một diện tích đáng kể là rừng đầu nguồn. Thành Tín được giao đất từ năm 2003 và trồng măng từ năm 2004, đến nay tổng diện tích trồng được trên địa bàn cả xã là 200ha song chỉ có 100ha là cho măng, nhưng sản lượng không cao, còn lại là “rừng tre đực”. Thế nhưng đất rừng “bìa đỏ” của Thành Tín không chỉ dừng lại tại Hà Lâu, qua điều tra, được biết: 3 xã ở Đình Lập giáp với Hà Lâu là Châu Sơn, Kiên Mộc, Bắc Lãng, tỉnh Lạng Sơn giao đất rừng cho Thành Tín rộng đến 18.000ha, song tình trạng còn tồi tệ hơn ở Hà Lâu như cây rừng thì chặt, đồi trọc bỏ hoang và Thành Tín chưa trồng được một khóm măng nào cho huyện bạn. Ông Lý Văn Bảo - Chủ tịch UBND xã Hải Lạng - cho biết: Thành Tín động viên dân xã trồng măng trên phần đất của chính họ với cam kết- nếu hộ nào trồng mà gặp rủi ro, đều được Thành Tín bù “theo giá ba rem” cho có lãi (!). Đất rừng của Thành Tín cách trung tâm xã 4km đã trồng từ năm 2005 song tre không cho măng và cũng không mọc thành rừng. Mã trúc ở đây trồng đã 5 năm trên diện rộng mà ngọn chỉ phất phơ tầm 3m, lưa thưa vài cành lá, trông rõ cả những đỉnh đồi khá xa. 5 năm trồng mã trúc mà đất ở đây vẫn bị xói mòn. Trên thực tế, những năm gần đây, đất rừng sản xuất của Tiên Yên thực sự phát huy tác dụng. Riêng năm 2009 ngoài trồng rừng bằng vốn tự có của dân được 326,5ha; và vốn hỗ trợ của tỉnh được 737,6ha thì riêng 3 cơ quan, doanh nghiệp trồng rừng hiệu quả nhất như dự án trồng rừng Việt Đức; Công ty lâm nghiệp… đã trồng mới được 296,4ha; 619ha và 592,5ha, đều vượt kế hoạch từ 147 đến 163%. Nên nhu cầu cần đất trồng rừng của Tiên Yên là rất lớn. Thế mà kế liền đó diện tích 5.226ha đất rừng của Thành Tín trì trệ từ nhiều năm nay đã gây lên sự bức xúc cho cả huyện. Hiện Thành Tín đã trồng được khoảng 500ha măng mã trúc. Nên chăng, tỉnh QN khoanh riêng phần đất mà Thành Tín đã đầu tư trồng măng để lập lại sổ đỏ giao cho họ (nếu còn có thể) và thu hồi toàn bộ phần diện tích bỏ hoang, trả lại cho huyện Tiên Yên để cân đối, giao cho doanh nghiệp và các hộ dân thực sự có nguyện vọng và khả năng tài chính, để rừng nơi đây sớm được phục hồi, mang lại hiệu quả kinh tế.

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/home/pha-san-du-an-trong-5000ha-mang-ma-truc/20105/186119.laodong