PGS. TS Nguyễn Lân Hiếu: Không để lãng phí tài nguyên tri thức trong ngành y
Giữa những bộn bề của ngành y, có những con người đã dành cả cuộc đời để lặng lẽ cống hiến. Không chỉ thăm khám, chữa bệnh, họ còn mang đến niềm hy vọng, trao cho bệnh nhân cơ hội thứ hai để tiếp tục sống. Câu chuyện sẽ thật dài để kể về những người mặc áo blu trắng, nhưng trong phóng sự ngắn ngày hôm nay, chúng tôi muốn kể về PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu - một trong những người thầy thuốc luôn đặt trái tim mình lên từng ca bệnh, góp sức từng ngày với mong muốn kiến tạo, phát triển và nâng cao nền y tế Việt Nam.
Đó là những chuyến đi kéo dài hàng trăm cây số đến vùng sâu, vùng xa - nơi những người dân chưa một lần bước chân vào bệnh viện. Những bàn tay chai sạn chìa ra đầy hy vọng, những ánh mắt già nua, những đứa trẻ gầy gò ngồi lặng lẽ chờ đến lượt khám. Ở đó, không chỉ có tiếng ống nghe áp lên lồng ngực, mà còn có những câu chuyện đời, những nỗi niềm mà người bác sĩ luôn lắng nghe bằng tất cả sự đồng cảm.
Có những bệnh nhân khi bác sĩ đến, bệnh đã quá nặng. Nhưng cũng chính những lần như vậy, ông và đồng nghiệp lại càng trăn trở. Chỉ vì khoảng cách, vì sự thiếu thốn mà một mạng người bị bỏ lỡ - đó là điều không một bác sĩ nào muốn chứng kiến.
Không thể có mặt ở mọi nơi, nhưng có một cách để mang bác sĩ đến gần hơn với bệnh nhân đó là công nghệ. Những chương trình hội chẩn từ xa, những buổi đào tạo trực tuyến (telehealth) đã giúp hàng trăm bác sĩ tuyến dưới có cơ hội tiếp cận với kiến thức mới. Và nhờ đó, nhiều bệnh nhân đã được cứu sống ngay tại địa phương mà không cần chuyển lên tuyến trên trong những tình huống nguy cấp.
Sẽ không còn những ca bệnh bị chậm trễ, sẽ không còn những bệnh nhân phải đánh cược mạng sống chỉ vì điều kiện y tế hạn chế - đó là điều mà những người như thầy thuốc ngành y đang cố gắng từng ngày để thay đổi.
Tuy nhiên, một trong những điều mà PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu vẫn luôn trăn trở và quan tâm, đó là chế độ đãi ngộ xứng đáng cho những người làm nghề y, được thực hành một cách bài bản để không bị lãng phí tài nguyên kiến thức đã được học tập trong nhà trường, đặc biệt là với các bác sĩ nội trú. Bởi, làm bác sĩ nội trú rất áp lực, có khi trực mấy ngày liền không ngủ. Nhưng họ vẫn cố gắng hoàn thành sứ mệnh và vai trò của mình, vì biết rằng ngoài kia có những bệnh nhân vẫn đang từng giây từng phút đợi chờ được cứu sống.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu đang thăm khám cho bệnh nhân
Dù ở cương vị nào - bác sĩ, giám đốc bệnh viện hay đại biểu Quốc hội - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu vẫn luôn dành trọn trái tim cho ngành y. Ông không chỉ chữa bệnh mà còn góp nhặt những viên gạch để xây nên một nền y tế bền vững hơn - nơi mọi bệnh nhân đều có quyền được chăm sóc, nơi những người làm nghề y có thể tiếp tục cống hiến bằng tất cả trái tim mình. Bởi theo ông, “dạy làm người và dạy làm nghề” chính là bài học y đức lớn nhất của những người làm ngành y.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, có lẽ với những người đã, đang và sẽ lựa chọn và gắn bó với nghề y, món quà ý nghĩa nhất không phải là những bó hoa hay lời chúc, mà là mỗi nhịp tim khỏe mạnh, mỗi bệnh nhân xuất viện với nụ cười trên môi, mỗi lần. Và đó cũng chính là lý do để những người thầy thuốc tiếp tục bước đi trên hành trình chưa bao giờ ngừng nghỉ của mình.
Y học vẫn là một đại dương mà chúng ta cứ bơi hoài tưởng đã ngoài khơi mà hóa ra vẫn chỉ ngấp nghé cửa vũ môn. Xin được khép lại phóng sự ngắn với câu nói của người thầy thuốc đáng kính ấy - PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu.