PACA INDEX 2018: Công khai, minh bạch trong công tác cán bộ kém nhất!

Thanh tra Chính phủ vừa công bố Báo cáo đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) cấp tỉnh 2018 (PACA INDEX 2018) với nhiều số liệu quan trọng.

Kết quả đánh giá cho thấy, các nội dung của công tác PCTN đều được các địa phương triển khai, thực hiện nhưng mức độ thực hiện giữa các địa phương không đồng đều, ở từng nội dung cũng có chênh lệch khá rõ rệt qua phân tích các điểm đạt được. Theo đó, công tác phòng, chống tham nhũng ở cấp tỉnh hiện nay chỉ đạt được xấp xỉ 60% yêu cầu, điểm trung bình toàn quốc là 59.575/100. Kết quả trên cho thấy công tác phòng chống tham nhũng ở cấp tỉnh cần được quan tâm, chỉ đạo tích cực hơn nữa.

Đáng quan tâm, công tác phòng, chống tham nhũng giữa các địa phương không đồng đều và có khoảng cách khá xa nhau. Công tác quản lý Nhà nước về PCTN đạt 16.77/20 điểm, đáp ứng 83.85 % yêu cầu, so với năm 2017 giảm 0.60 điểm.

Năm 2018, các địa phương thực hiện công tác thanh tra theo đúng định hướng, kế hoạch được phê duyệt; triển khai nhiều cuộc thanh tra đột xuất theo chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan nhà nước cùng cấp; hoạt động thanh tra hành chính và chuyên ngành được tăng cường đạt nhiều kết quả tích cực, các chỉ tiêu phát hiện vi phạm về kinh tế đều tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2017.

Ảnh minh họa

Qua thanh tra, ngành Thanh tra đã phát hiện, xử lý nhiều vi phạm pháp luật, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, sơ hở trong quản lý, chỉ đạo, điều hành và trong việc ban hành chính sách, pháp luật. Ngành cũng đã triển khai nghiêm túc Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy phát triển. Qua kiểm tra tại 8.619 cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc thực hiện công khai minh bạch, đã phát hiện 91 đơn vị có vi phạm.

Theo Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật tiếp cận thông tin có 5 hình thức công khai bao gồm: công bố tại cuộc họp; niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử; Thông qua việc tiếp công dân, họp báo, thông cáo báo chí, hoạt động của người phát ngôn của cơ quan nhà nước.

Điểm trung bình toàn quốc ở nội dung công khai minh bạch của PACA 2018 là 6.9/9 điểm đạt 76.67 % yêu cầu. Có 24 tỉnh đạt điểm tuyệt đối (9/9) ở nội dung này, có 5 tỉnh thực hiện việc công khai minh bạch kém, những tỉnh này hầu như không thực hiện việc công khai minh bạch trong năm 2018 trong công tác quản lý Nhà nước. Điểm số này cũng được đánh giá là khả quan hơn so với nội dung công khai minh bạch của chỉ số hiệu quả quản trị công cấp tỉnh PAPI 2018 và năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI 2018.

Trong đó, công khai, minh bạch trong công tác cán bộ được đánh giá là kém nhất, chỉ đạt 1.046/1.5 (69.73%) so với yêu cầu. Có 11 tỉnh đạt 0/1.5 điểm về công khai, minh bạch về công tác cán bộ. Một số địa phương thực hiện công khai nhưng còn mang tính hình thức, còn khó tiếp cận các văn bản có liên quan đến công tác cán bộ khi có nhu cầu thi tuyển, những người có liên quan chỉ biết khi “công bố quyết định” đến cán bộ. “Những đánh giá này tương đồng với nội dung công khai liên quan đến công khai trong công tác nhân sự do PAPI đánh giá và điểm số này luôn đạt mức thấp trong thời gian qua”, Báo cáo nêu.
Việc kê khai, công khai, xác minh tài sản minh bạch đã dần đi vào nề nếp ở các địa phương trên cả nước.

Điểm số trung bình toàn quốc là 1.78/5.0, đạt 35.6% so với yêu cầu. Chủ yếu điểm số đạt được ở nội dung kê khai và công khai tài sản thu nhập đạt trên 98% so với yêu cầu. Điểm số này phù hợp với báo cáo công tác PCTN 2018 số 481/BC-CP của Chính phủ trước Quốc hội với số người đã kê khai tài sản, thu nhập trong năm là: 1.136.902 người; đạt tỷ lệ 99,8% so với số người phải kê khai; Số bản kê khai đã công khai: 1.134.685 bản; đạt tỷ lệ 99,8% so với số bản đã kê khai; có 44 người thuộc diện kê khai được xác minh tài sản, thu nhập.

Tuy nhiên, nội dung xác minh tài sản thu nhập đạt được rất kém và không hiệu quả. Có 51 địa phương trên cả nước không thực hiện xác minh bất kỳ trường hợp nào về kê khai tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản.

Năm 2018, có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó 05 người bị xử lý hình sự, 45 người đã bị xử lý kỷ luật, 06 người đang thực hiện quy trình xử lý kỷ luật…

Hải Lý

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/paca-index-2018-cong-khai-minh-bach-trong-cong-tac-can-bo-kem-nhat-190516.html