Ông Trần Văn Tắc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giày Tuấn Việt (H.Nhơn Trạch): Mong ước dẫn đầu ngành giày lưu hóa

Sau hơn 20 năm về Đồng Nai lập nghiệp, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giày Tuấn Việt Trần Văn Tắc cho rằng, đây là quyết định sáng suốt và mong ước của ông sẽ dẫn đầu trong ngành giày lưu hóa (cao su thiên nhiên). Trong những năm qua, thương hiệu giày Tuấn Việt đã không ngừng vươn xa và trở thành doanh nghiệp (DN) tốp đầu cả nước về sản xuất giày lưu hóa.

Ông Trần Văn Tắc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giày Tuấn Việt kiểm tra giày mẫu

Hiện nay, sản phẩm của Công ty TNHH Giày Tuấn Việt đã xuất khẩu qua hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.

Hướng đi khác biệt

* Việt Nam có khoảng 600-700 nhà máy giày nhưng chỉ có hơn 10 nhà máy sản xuất giày lưu hóa. Vì sao ông lại chọn sản xuất dòng sản phẩm này?

- Việt Nam có nhiều nhà máy sản xuất giày nhưng chỉ có hơn 10 nhà máy sản xuất giày lưu hóa. Trong số này có Thượng Đình, Hiệp Hưng, An Lạc… và duy nhất Tuấn Việt có sản phẩm bán trong siêu thị Vincom, được tham gia chương trình bình ổn giá tại thị trường của TP.HCM.

Tôi làm giày lưu hóa vì là sản phẩm được làm từ cao su thiên nhiên, qua các công đoạn cán, hấp chín, định hình tạo nên sản phẩm có độ mài mòn, đàn hồi và đặc biệt an toàn với người sử dụng. Giày lưu hóa không phải ai muốn cũng làm được, nó đồng nghĩa với sản phẩm ít bị “đụng hàng” nên khả năng cạnh tranh sẽ cao hơn.

* Khi bắt tay sản xuất giày lưu hóa, ông có gặp khó khăn?

- Tôi làm giày lưu hóa từ năm 2006 và thương hiệu đầu tiên hợp tác là Rocket Dog xuất đi thị trường Nam Mỹ. Khởi đầu đang thuận lợi thì suy thoái kinh tế thế giới, đơn hàng giảm. Khi đó, không ít nhà máy giày phải chuyển sang làm gia công, thậm chí bán nhà máy, đóng cửa nhưng tôi vẫn kiên trì.

May mắn năm 2009, Tuấn Việt trở thành đối tác của Superga - thương hiệu được xem là biểu tượng của dòng giày thể thao có lịch sử hơn trăm năm ở Ý. Đây là cột mốc đánh dấu cho sự phát triển của Tuấn Việt nói riêng và giày lưu hóa Việt Nam nói chung.

Hiện tại, chúng tôi là đối tác của nhiều thương hiệu giày như: Superga, Edhardy, ATG, William Lamb, Kappa... Sản phẩm xuất khẩu đi hơn 50 quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2022, Tuấn Việt là một trong 100 DN phát triển bền vững nhất cả nước do Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Năm (VCCI) bình chọn.

* Trước khi sản xuất giày lưu hóa, ông từng làm đế giày cao su phải không?

- Trước năm 1990, tôi đã mở xưởng làm đế giày cung cấp cho các nhà máy sản xuất giày nội địa. Một lần, tôi được khách hàng đặt làm đế giày cao su theo yêu cầu của đối tác Thái Lan. Tôi cầm đế giày trên tay đã mường tượng thành phần nguyên liệu, tỷ lệ pha trộn, thế nhưng thử hàng trăm lần không ra được đế giày có màu hổ phách, độ mòn và độ đàn hồi như mẫu.

Mất gần nửa năm, tôi mới phát hiện “thủ phạm” ở máy cán. Vì máy cũ, công nhân bôi mỡ bò vào trục cho dễ vận hành, mỡ bò gặp cao su xảy ra phản ứng. Khắc phục được yếu tố này, nhiều khách hàng đề nghị công ty hợp tác làm đế giày xuất khẩu.

* Việc tìm ra công thức làm đế giày cao su màu hổ phách đã mang lại cho ông điều gì?

- Việc tìm ra công thức làm đế giày như yêu cầu của đối tác Thái Lan đã mở ra bước ngoặt trong cuộc đời tôi. Tôi làm đế giày cung cấp cho nhiều nhà máy trong nước và xuất khẩu. Chỉ trong 2 năm, tôi kiếm được gần 1 ngàn cây vàng. Thành công đến quá nhanh khiến tôi bỏ xưởng, bỏ nghề, mua căn nhà ở mặt tiền đường lớn TP.HCM hưởng thụ cuộc sống. Trong 10 năm, tôi từ người sở hữu khối tài sản lớn, được bạn bè săn đón đã trở thành đề tài cho họ đàm tiếu. Sau đó, tôi đã bán căn nhà đang ở lấy 500 cây vàng làm lại từ đầu.

Tham vọng dẫn đầu giày lưu hóa

* Không chỉ là doanh nhân thành đạt, ông còn được biết đến là cựu quân nhân đầy nghị lực?

- Năm 1974, vừa tròn 18 tuổi, tôi tình nguyện vào chiến trường miền Nam. Từ Nam Định, tôi mất 1 tháng ròng rã mới đến chiến trường Tây Ninh tham gia chiến đấu. Sau ngày thống nhất đất nước, tôi được chuyển về đơn vị ở TP.HCM, rồi đi học Trường Sĩ quan hải quân ở Nha Trang và tiếp tục phục vụ trong quân ngũ. Sau đó, vì nhu cầu công tác, tôi chuyển làm DN kết hợp học đại học.

Hiện tại, nhiều cán bộ quản lý trong công ty là cựu quân nhân như tôi, công nhân là lính hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về. Mỗi năm, tôi đều dành một phần lợi nhuận từ kinh doanh chia sẻ với người dân, các cựu chiến binh và gia đình chính sách ở TP.HCM, Đồng Nai và nhiều nơi khác.

* Về Đồng Nai hơn 20 năm, ông đánh giá môi trường đầu tư ở đây như thế nào?

- Năm 2002, tôi về H.Nhơn Trạch tìm đất và xây nhà máy sản xuất. Thời điểm đó, nơi đây hoang vu, nhưng tôi vẫn quyết tâm bám trụ lập lại cơ nghiệp. Cho đến bây giờ, tôi vẫn thấy đây là quyết định sáng suốt.

So với TP.HCM thì Đồng Nai đất rộng, đi lại thuận lợi hơn. Tỉnh có nhiều khu, cụm công nghiệp nên chính quyền rất biết cách “ứng xử”, “chiều lòng” DN. Tất nhiên, chúng tôi cũng cam kết thực hiện nghĩa vụ với tỉnh là sử dụng đến 80% công nhân là người địa phương, đóng thuế, bảo hiểm xã hội cho người lao động đầy đủ. Công ty tích cực tham gia các phong trào của H.Nhơn Trạch.

Ông Trần Văn Tắc, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Giày Tuấn Việt trao đổi công việc với quản lý

* Ngoài các nghĩa vụ trên, ông còn làm nhà ở cho người lao động?

- Tôi nghĩ người lao động là tài sản, vốn quý của DN. Năm 2011, khi làm ăn có lãi, tôi đã xây dựng 60 phòng ngay cạnh công ty cho người lao động ở để tiện đi lại và đỡ tiền thuê nhà.

Trong tương lai, tôi muốn khi DN phát triển hơn, công nhân tăng, địa phương sẽ tạo điều kiện về quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi để làm khu nhà ở xã hội. Điều này vừa giúp người lao động của công ty an cư, vừa giúp chính quyền giảm một phần áp lực nhà ở.

* Ông có dự định gì cho phát triển của DN trong tương lai?

- Tới đây, công ty sẽ đẩy mạnh phát triển sản phẩm ở thị trường nội địa thông qua hợp tác sản xuất giày cho các nhà bán lẻ, trung tâm thương mại, trường học với tiêu chí: chất lượng tốt, giá hợp lý và an toàn với người dùng.

Tiếp tục phát triển dòng sản phẩm giày lưu hóa, balo, túi xách với quy mô mỗi năm khoảng 2,5-3 triệu đôi giày và 1,4 triệu túi xách. Năm 2025, nhà máy sẽ chuyển sang làm giày đế dán, đồng thời trở thành nhà máy sản xuất giày lưu hóa hàng đầu tại Việt Nam.

* Ông nghĩ mình sẽ gắn bó với đôi giày đến khi nào?

- Khoảng 5 năm trước, bạn bè rủ tôi chuyển sang kinh doanh bất động sản nhưng tôi đã từ chối và chỉ tập trung vào sản xuất giày và nghiên cứu phát triển các nguyên liệu, mẫu giày mới. Tôi sáng tạo ra cách làm lót giày từ vỏ trấu vừa tận dụng phụ phẩm nông nghiệp vừa tạo độ cứng, xốp. Sáng tạo cách dùng vải vụn làm chi tiết trang trí để tiết kiệm vật liệu, giá thành và giảm rác thải.

Trong năm nay, tôi sẽ bàn giao nhà máy cho các con điều hành. Tôi nghĩ lớp trẻ sẽ phát triển sản phẩm, khách hàng tốt hơn. Như vậy, không có nghĩa tôi buông đôi giày mà vẫn hỗ trợ nghiên cứu mẫu mới, dạng đế giày mới theo xu hướng thân thiện với môi trường mà nhiều nhãn hàng đang hướng đến.

* Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lộc(thực hiện)

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202304/ong-tran-van-tac-chu-tich-hdtv-cong-ty-tnhh-giay-tuan-viet-hnhon-trach-mong-uoc-dan-dau-nganh-giay-luu-hoa-3164200/