Ông Nhị Lê: Trong Đảng nảy nòi nhiều 'sứ quân' thì nguy cơ khó còn là Đảng Cộng sản nữa
Nhà báo Nhị Lê - Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản đưa ra những phân tích tâm huyết vể cuộc chiến chống tham nhũng được xem là đến hồi quyết liệt nhất.
Tại Phiên họp thứ 12 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 31/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu "lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy".
Điều đó khẳng định công tác phòng chống tham nhũng do Tổng Bí thư chỉ đạo đã đi vào giai đoạn khẩn trương nhất, gấp rút nhất. Vì vậy, tất cả các cơ quan có trách nhiệm trong công tác phòng chống tham nhũng phải cùng vào cuộc và không thể đứng ngoài được nữa.
Tổng Bí thư đã từng khẳng định “cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được và thế mới thành công”.
Trả lời phỏng vấn Báo điện tử VTC News xung quanh vấn đề này, nhà báo Nhị Lê – Phó Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nói:
Đâu phải bây giờ, đối với chúng ta, tham nhũng mới được xem là vấn nạn lớn như vậy. Nghìn năm trước, ông cha ta nói đủ đầy rồi.
Hơn hai mươi năm trước, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nghiệm kỳ khóa VII, tháng 1/1994, chứ đâu phải chỉ tới hiện nay, Đảng ta đã cảnh báo cái nguy cơ đe dọa trực tiếp sự tồn vong của chế độ, của Đảng và là thủ phạm làm yếu hèn dân tộc và suy tàn đất nước ấy rồi. Tham nhũng được cảnh báo là “quốc nạn”.
Video: Nhà báo Nhị Lê: Chống tham nhũng phải làm quyết liệt đến cùng
- Quốc nạn thì không còn là nguy cơ, thưa ông?
Không dừng ở nguy cơ, mà hiện thời tham nhũng đã thành sự thật đau lòng và nguy cấp: Quốc nạn hiện thực. Nó len lỏi trên khắp các lĩnh vực, lan rộng các phương diện, chui vào khắp các cấp và ở hiện diện hoặc tàng hình ở đủ hạng người. Ai cũng thấy.
Và, trong rất nhiều lần, ở nhiều thời điểm, tôi đã cố gắng khắc sâu và cảnh báo hai nguy cơ của các bậc tiền nhân đối với một đảng cầm quyền: Một là, nguy cơ sai lầm về đường lối. Hai là, nguy cơ Đảng sa vào quan liêu, tham nhũng.
Vì, qua thực tiễn phát triển và những gì đã diễn ra trong hàng ngàn năm nay ở các thể chế; và nhìn hẹp trong gần 100 năm qua, và hôm nay, đối với các đảng cộng sản và công nhân, bài học được viết bằng máu về nguy cơ chết người khủng khiếp đó vẫn vẹn nguyên giá trị lịch sử.
Trong quá trình phát triển của các Đảng Cộng sản và công nhân quốc tế, dù cầm quyền hay chưa cầm quyền, và đặc biệt khi đã cầm quyền rồi, thì cái nguy cơ vừa nói rất dễ xảy ra và đã xảy ra. Nếu không kịp thời ngăn chặn, không kịp thời khống chế và hóa giải, thì nguy cơ các Đảng đó trở nên hủ bại, rồi mất vai trò cầm quyền, nguy cơ tan vỡ là điều rất dễ dàng xảy ra.
Hiện nay, nếu Đảng Cộng sản Việt Nam không kiên quyết và hóa giải những nguy cơ, trực tiếp là nguy cơ tham nhũng nói trên thì vị thế, vai trò, trách nhiệm lịch sử cầm quyền của Đảng sẽ khó khăn, thậm chí bị đe dọa hết sức nghiêm khắc.
Trong đó, biểu hiện tinh vi nhất của tham nhũng là nguy cơ cát cứ hóa đường lối cách mạng của Đảng, hay nói cách khác, đó chính là vấn đề tham nhũng quyền lực chính trị.
Khi nói đến vấn đề lợi ích nhóm hay là các nhóm lợi ích trong Đảng chính là đang nói đến nguy cơ về sự phân liệt về chính trị trong Đảng, là nói đến nguy cơ phân liệt đẳng cấp về tổ chức, về cán bộ cảnh báo nguy cơ mất sự thống nhất về chính trị và tư tưởng ở ngay trong chính nội bộ Đảng, mà nhất là hiện nay chúng ta đang phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế…
Cơ chế thị trường có nguy cơ tác họa tất cả. Khi đề cập đến điều này, C. Mác cũng đã tiên liệu: Khi các nhà chính trị liên kết với bọn tài phiệt tài chính thì nguy cơ sụp đổ của một nền chính trị, rất gần, thậm chí cận kề. Điều đó mới là đáng nói về tai họa tham nhũng, vào chính lúc này đây.
Tôi không thể hình dung ra được, trong Đảng lại xuất hiện bao nhiêu bè nhóm, đẳng cấp. Nói rộng ra, tôi không thể hình dung ra được một đất nước mà có tới cả hàng chục, thậm chí trăm “sứ quân” – “nhóm lợi ích”.
Cách đây 10 thế kỷ, trước thời kì Đại Cồ Việt, chỉ có 12 sứ quân mà đã làm loạn lạc và tan hoang đất nước rồi. Nguy hại hơn, ngay một số tổ chức Đảng đã bị biến thành “những bị khoai tây”. Các thành viên được tập hợp trong những “chiếc bị” này, mà điều này như tôi đã nói mấy năm trước, chỉ cần cắt cái đầu dây buộc chiếc bị đó ra thì bị khoai tây sẽ bị văng tung tóe, mỗi củ mỗi nơi.
Nhìn rộng ra, nguy cơ Đảng bị phân rã, chia cắt, cát cứ là hết sức nguy hiểm. Trong Đảng mà nảy nòi nhiều “sứ quân” thì nguy cơ khó còn là Đảng Cộng sản nữa; và khi đó, vai trò lãnh đạo, trọng trách lịch sử của Đảng sẽ bị tổn thương và đe dọa nghiêm trọng.
Hai điều đó sẽ dẫn đến vị thế, vai trò, nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng đối với đất nước, đối với dân tộc có nguy cơ bị đe dọa; và, vị thế, sức mạnh của quốc gia bị xâm hại và vị thế dân tộc bị hạ thấp.
Đó là phương diện pháp lý và tính chính danh, chính pháp của Đảng, khi xem vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng hiện nay.
Về mặt đạo lý, nếu Đảng ta là “đứa con nòi” của nhân dân lao động, sống và trưởng thành trong lòng nhân dân, mà bị chia rẽ năm bè bảy mảng, không còn là một khối thống nhất nữa, thì dân tộc Việt Nam ra sao; và những đảng viên của Đảng liệu có còn xứng đáng là những “đứa con” của dòng giống Lạc Hồng nữa không?
“Quốc nhục” là Việt Nam bị tổn thương, “quốc sỉ” là Việt Nam bị xâm hại, liêm sỉ mỗi người Việt Nam có còn không? Lúc ấy, liệu có còn xứng đáng là nòi giống Việt Nam ta nữa hay không? Dân tộc bị nô lệ, mỗi người sẽ là vong quốc nô, sớm muộn là chuyện nhãn tiền.
Nếu thất bại về mặt pháp lý và cả đạo lý nữa, có lẽ lúc ấy không còn cơ hội để nói về sự nguy hiểm của nạn tham nhũng nữa.
- Có thể nói, thực trạng tham nhũng tràn lan hiện nay không phải mới chỉ xảy ra, mà đã âm ỉ, tích tụ trong cả một quá trình để hình thành nên các “nhóm lợi ích”. Vậy tại sao bây giờ chống tham nhũng mới được thực hiện một cách quyết liệt?
Tôi vừa nói rồi. Không phải đến bây giờ Đảng Cộng sản Việt Nam mới nhận thức được điều này. Từ rất lâu rồi, thậm chí khi trước Đảng ra đời cả ngàn ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Đảng - đã cảnh báo rất rõ điều đó.
Một “con ruồi đậu trên đầu hổ”, ngồi ở cơ quan hoạch định chính sách, mà tham nhũng chính sách thì còn nguy hiểm hơn cả những nơi thực thi chính sách với chức vụ còn to hơn gấp mười.
Nhà báo Nhị Lê
Nếu nhớ lại, năm 1927, khi Người viết cuốn “Đường kách mệnh”, thì vấn đề đầu tiên Người nói chính là nói về tư cách của người làm cách mạng. Nhân đây, xin nhắc lại điều đó. Và, tháng 10 năm 2017 này, là năm kỷ niệm tròn 70 năm cuốn “Sửa đổi lối làm việc”, thì cách nay 70 năm, ở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói rất rõ, cảnh báo về thói cục bộ, tư túng, hủ bại, tham nhũng, đạo vị và bao thói tệ khác cần kíp phải tẩy bỏ của cán bộ rồi.
Trở lại vấn đề hiện nay, trong suốt chặng đường 87 năm qua, kể từ khi Đảng ra đời, mà nhìn rộng hơn là trong suốt 90 năm qua kể từ khi Bác Hồ viết “Đường kách mệnh”, vấn đề chính trị bị cát cứ, chia rẽ luôn là vấn đề cực kỳ hệ trọng.
Chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội cũng theo đó mà nảy lòi ra. Lịch sử của các đảng Cộng sản trên thế giới cũng luôn đối mặt với nguy cơ này. Sự rạn vỡ, chia rẽ về chính trị tất yếu sẽ dẫn đến sự tan vỡ về mặt tổ chức.
Nếu sự tan vỡ về mặt chính trị cộng với tan vỡ về tổ chức thì Đảng Cộng sản không còn là đảng nữa, và điều đó cũng đồng nghĩa với việc không còn vai trò lãnh đạo đất nước được nữa. Đất nước sẽ ra sao? Dân tộc sẽ ra sao? Chẳng cần nói thêm, cũng quá rõ. Đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Sự quyết liệt hiện nay là ở đó!
Đó là yêu cầu của lịch sử, là mệnh lệnh của nhân dân đối với Đảng ta – “đứa con nòi của giai cấp lao động Việt Nam”! Và, nhân dân cũng tự nhận trách nhiệm về mình, đã đứng bên Đảng!
- Hiện nay trong dư luận cũng có ý kiến cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng có thể sẽ có “tầm mức”. Quan điểm của ông thế nào?
Tại sao không phải là câu hỏi: Khi nào và chúng ta làm thế nào để có thể trị được tận gốc tham nhũng?
Ngay từ thế kỷ XV, nhà vua Lê Thánh Tông, một ông vua rất sáng suốt và tạo nên sự thịnh trị nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam đã có một câu nói mà tôi rất tâm đắc, đúng hơn đó là lời cảnh báo xương máu, ngay giữa buổi thịnh trị, rằng: Nếu có cái gì đó làm cho triều đình đổ vỡ, làm cho muôn dân bại hoại, thì đó chính là nạn tham quan lại nhũng. Bảy, tám thế kỷ qua, nhời ấy, tôi nghĩ, không bao giờ cũ.
Vấn đề tham nhũng và chống tham nhũng luôn là vấn đề sinh tử, thành bại của muôn thời. Vì thế, cũng không thể hiểu được hiện nay, tại sao có ý kiến lại đặt ra cái gọi là “liều lượng” với tham nhũng và chống tham nhũng? Rồi chuyện, thế nào là “tầm mức”, thế nào là “mạnh tay”, thế nào là đủ, thế nào là “đến cùng”… khi nói về chống tham nhũng?
Những băn khoăn ấy của một số người hiện nay âu cũng là dễ hiểu thôi.
Tôi xin nói gọn ở đây về quyết tâm chống tham nhũng. Rằng, đã sợ tham nhũng và hệ lụy của nó thì không chống; và, khi đã chống tham nhũng thì quyết không sợ, tất nhiên tất cả những gì thuộc về nó, không bàn thêm.
Vấn đề không chỉ ở quyết tâm chống: không sợ sệt; đối tượng chống: rõ ràng, đúng, trúng; phương châm chống: kiên định, không dao động, nửa vời mà còn là ở nghệ thuật chống: bước đi phù hợp, hiệu quả và lực lượng chống: mạnh mẽ, kiên quyết, kiên tâm và đông đảo!... Không có sự lựa chọn nào khác, nếu không muốn rước họa và chuốc lấy thất bại. Sinh tử thì phải tử sinh. Không do dự, cầu toàn. Đó là tất yếu!
- Như nhiều người nói, tham nhũng có nhiều loại khác nhau, thậm chí công chức đi muộn về sớm cũng là tham nhũng thời gian. Theo ông, loại tham nhũng nào nguy hiểm nhất và cần phải chống quyết liệt đầu tiên?
Vấn đề hiện nay là, phải phân loại, để có biện pháp giải quyết sao cho phù hợp. Tham nhũng tiền bạc là tham nhũng ít. Tham nhũng về chức vụ, về chính sách thì mới là tham nhũng khủng khiếp. nhưng, tham nhũng về lòng tin sẽ đưa đất nước đến chỗ sụp đổ, thực sự là trọng tội, là thảm họa. Có những việc phải dùng dao bài thì ta phải dùng dao bài. Mổ trâu thì dùng dao bài, nhưng mổ chim sẻ thì phải dùng dao kim. Song hãy coi chừng, bởi chưa chắc mổ trâu đã quan trọng hơn mổ chim sẻ.
Một con chim sẻ (các cụ xưa gọi là bọn tiểu tước) mà “đậu cành cao”, mà tham nhũng, thì tác họa còn nguy hiểm hơn cả đàn con trâu nằm ở vũng bùn. Một “con ruồi đậu trên đầu hổ”, ngồi ở cơ quan hoạch định chính sách, mà tham nhũng chính sách thì còn nguy hiểm hơn cả những nơi thực thi chính sách với chức vụ còn to hơn gấp mười. Mỗi loại một đối sách phù hợp, cố nhiên là sức mạnh tổng hợp.
Cho nên, ở đây cần phải căn cứ vào tính chất của đối tượng, của vụ việc để từ đó có đối sách cho phù hợp. Tôi muốn nói là, người lãnh đạo Đảng ở các cấp cố nhiên là nhìn xa, trông rộng, tiên liệu và có đối sách sao cho phù hợp đã đành mà còn hành xử dứt khoát với tinh thần “quốc pháp bất vị thân” một cách dân chủ, minh bạch và đầy tính nhân văn.
- Ông nghĩ sao về những quan điểm cho rằng gốc rễ tham nhũng do thể chế?
Ai ai cũng đặt câu hỏi: Chúng ta phải làm gì để trị cho bằng được cái gốc đã đẻ ra tham nhũng? Không ít người đổ cho thể chế. Phải khẳng định ngay là, từ xưa tới nay, không có thời nào, không một thể chế nào dung nạp hay nhân nhượng với tham nhũng cả. Ở đây, không phải là thể chế đẻ ra tham nhũng. Tôi cam kết lại là, không có thể chế nào dung tha tham nhũng cả. Cái gì cũng đổ lỗi là do thể chế, tham nhũng cũng đổ lỗi là do thể chế, nói thế là chỉ thấy ngọn. Vậy thì cái gì? Lý luận hay đường lối, chính sách?
Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, không thể sửa sai những lỗi lầm bằng thứ tư duy đã đẻ ra nó. Chống tham nhũng cũng vậy. Rộng hơn là đổi mới lý luận, cụ thể là chính sách, cũng vậy. Tiếp tục đổi mới không ngừng tư duy về tham nhũng và chống tham nhũng.
Vì tham nhũng giờ đây không chỉ có tham nhũng kinh tế, tiền bạc hữu hình, chức vụ và danh vị cụ thể, chính sách, chế độ cụ thể mà xâm hại cả tới những lãnh địa thiêng liêng vô hình: tham nhũng lòng tin, tham nhũng chính trị… biến ảo khôn lường.
Không thể dùng những người tham nhũng để đi chống tham nhũng được. Bộ máy chống tham nhũng phải được trao đủ quyền năng và được kiểm soát chặt chẽ và toàn diện quyền lực.
Nhà báo Nhị Lê
Rồi tham nhũng độc lập và tham nhũng tập đoàn, tham nhũng kinh tế đan cài, liên minh với tham nhũng chính trị, tham nhũng trong nước cấu kết với tham nhũng xuyên quốc gia, không quy mô, không giới hạ nào cả… Tất cả điều đó làm khuynh bại quốc gia, sụp đổ lòng tin và băng hoại dân tộc và làm tổn hại các quốc gia dân tộc khác.
- Rõ ràng, kinh nghiệm ở mọi lĩnh vực đều cho thấy "phòng tốt hơn chống". Vậy công tác "phòng" tham nhũng sẽ được thực hiện thế nào, thưa ông?
Vì thế, việc cần kíp thiết lập vòng cương tỏa tổng hợp từ “Đức trị” tới “Pháp trị” và “Dân chủ hóa”, gồm 7 mặt chỉnh thể: Không nên tham nhũng - Không được tham nhũng - Không thể tham nhũng - Không cần tham nhũng - Không vùng cấm, không ngoại lệ xử lý tham nhũng - Không thể thoát khi tham nhũng – Không thể lợi dụng trong chống tham nhũng. Bảy mặt này phải giữ nghiêm.
Nói khái lược, đổi mới thể chế chống tham nhũng quốc nội và quốc tế theo hướng đó. Đó là lý luận, là quyết sách chính trị trước hết và đầu tiên.
Về lực lượng chính trị chống tham nhũng? Ai chống tham nhũng? Kẻ tham nhũng bòn rút xương máu nhân dân, đục khoét cốt tủy quốc gia. Cố nhiên, cả dân tộc, trước hết là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, dưới ngọn cờ của Đảng, tất cả không trừ một ai, hễ có lương tri và cả bạn bè quốc tế. Thành bại là ở đây.
Tham nhũng đã lan rộng, leo cao, chui sâu… và tác họa khôn lường. Nên vấn đề rường cột cốt tử ở đây là, làm tốt yếu tố cán bộ. Thực tế cho thấy, do chính những cán bộ lợi dụng thể chế, tìm khe hở của thể chế để thực hiện mưu đồ của mình, nhằm tham nhũng, nên đột phá vào chỗ tung thâm này, mà tiếp tục đổi mới bộ máy chống tham nhũng.
Lựa chọn cán bộ có quyết tâm, có năng lực, có đạo đức là điều cực kỳ quan trọng, nếu không muốn nói đó là yếu tố quyết định việc thành bại. Người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền… phải Gương mẫu - Trung thực - Liêm sỉ và Kỷ luật trong đấu tranh chống tham nhũng. Ai không được tối thiểu như thế, thì nên từ chức.
Không thể dùng những người tham nhũng để đi chống tham nhũng được. Bộ máy chống tham nhũng phải được trao đủ quyền năng và được kiểm soát chặt chẽ và toàn diện quyền lực. Tất cả phải sống trong lòng nhân dân và chịu sự giám sát, kiểm soát của nhân dân! Lưới giời nhân dân lồng lộng!
Đặc biệt, công cuộc chống tham nhũng hiện nay đã và đang nhận được sự ủng hộ của cả hệ thống chính trị, của toàn thể đồng bào ta và sự hợp tác chặt chẽ từ quốc tế. Đó là sức mạnh vô địch. Nhưng, phải cổ vũ, giữ niềm tin của nhân dân và bảo vệ vô điều kiện nhân dân.
Nên nhớ, được lòng dân, khi nhân dân ủng hộ thì vạn sự tất thành, được cả thiên hạ, nhất là trong cuộc đấu tranh sinh tử lúc này.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
>>> Đọc thêm: Trung tướng Nguyễn Quốc Thước: ‘Đảng đã quét rác thì phải làm cho sạch sẽ’