Ông 'Minh thôn' ở Đắk Ngo

Ông Lê Văn Minh - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ngo được người dân địa phương gọi bằng cái tên thân mật 'Minh thôn'. Gần 15 năm gắn bó với vùng đất khó khăn nhất huyện Tuy Đức, ông Minh để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân bởi sự gần gũi và tận tâm của một người con gốc Phú Thọ.

Cùng ăn, cùng ở, cùng say với bà con

Chiếc xe bán tải của ông Lê Văn Minh vượt con đường đất đá gồ ghề, chạy thẳng vào trung tâm của bản Đoàn Kết, xã Đắk Ngo (Tuy Đức). Máy vừa tắt, một nhóm người đã nhanh chân chạy đến, rồi vây kín lấy ông lão gần 70 tuổi. Với dân bản, ông Minh không chỉ là “vị khách quý” mà họ coi ông như người thân thuộc trong gia đình.

Không đợi ông Minh hỏi, anh Tráng A Dơ, Trưởng bản Đoàn Kết đã vội khoe, con đường nhựa chạy dài hơn 3 km được đưa vào sử dụng, đời sống của dân bản đã có nhiều khởi sắc. Không chỉ là xe máy, nhiều hộ dân đã có tiền mua thêm máy cày, thậm chí là ô tô để phục vụ việc sản xuất, đi lại. “Vậy là dân bản khá quá rồi!”, ông Minh đáp lời Trưởng bản Đoàn Kết.

Dẫn chúng tôi đi một vòng, ông Minh tâm sự, bản Đoàn Kết từng là một trong những nơi nghèo nhất của huyện Tuy Đức. Được thành lập từ năm 2006, dân cư chủ yếu là người Mông từ các tỉnh phía Bắc vào làm ăn. Những năm trước, con đường liên bản chỉ là đường đất, việc giao thương, đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn, khiến cho đời sống vô cùng bế tắc.

“Đói nghèo, đông con và tệ nạn xã hội cứ bủa vây người dân, thế nên có thời điểm, bản Đoàn Kết trở thành một trong những “điểm nóng” của tỉnh Đắk Nông”, ông Minh hồi tưởng lại.

Mỗi lần trở lại Đắk Ngo, ông Lê Văn Minh (bên trái) lại nhận được sự đón tiếp nồng hậu của người dân

Ông Lê Văn Minh cho biết, những hộ đồng bào Mông tại bản Đoàn Kết được đưa từ các tỉnh phía Bắc vào đây để làm kinh tế. Theo quy định, mỗi hộ sẽ được cấp khoảng 1 ha đất sản xuất nhưng có 18 hộ chưa bố trí đất kịp nên có lần người dân tập trung kéo đến trụ sở UBND xã để đòi quyền lợi.

“Ngày đó, tôi cùng cán bộ xã xuống tận nơi tỉ tê, nói nhẹ rồi nói nặng, làm đủ cách để người dân hiểu. Tôi còn nhớ, mình đã thay mặt địa phương, đứng ra nói chuyện với một người có uy tín nhất bản và trong suốt buổi làm việc, một mình tôi uống hết 18 bát rượu ngô của đồng bào Mông. Hôm đó tôi say khướt, thế nhưng mọi việc lại rất thuận lợi, bà con đồng ý trở về nhà và từ từ tìm cách giải quyết”, ông Minh nhớ lại.

Giải thích về tên gọi “Minh thôn”, ông lão gốc Phú Thọ kể với giọng đầy tự hào: “Năm 1988, tôi vốn là một nông dân, đưa cả gia đình từ tỉnh Phú Thọ vào xã Quảng Tín (Đắk Nông bây giờ) để làm ăn. Năm 1994, tôi được bầu làm trưởng thôn, rồi Trưởng Công an xã Quảng Tín. Đến năm 2006, khi xã Đắk Ngo được thành lập, tôi được bầu làm Chủ tịch UBND xã và gắn bó với địa phương này đến ngày về hưu. Đến năm 2019, tôi tiếp tục được bầu làm trưởng thôn nơi đang sinh sống. Sau gần 30 năm, từ một trưởng thôn, tôi lại trở về với công việc đời thường của mình”.

Đời sống người dân bản Đoàn Kết đổi thay, một phần là nhờ sự đóng góp của ông Lê Văn Minh

Vốn xuất thân từ nông dân, ông Minh cho rằng, mình hiểu được những khó khăn mà bà con gặp phải. Cũng chính vì thế, trong suốt thời gian làm lãnh đạo UBND xã, rồi Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ngo, ông Minh chỉ suy nghĩ đơn giản, muốn hoàn thành được nhiệm vụ thì phải gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ người dân.

“Cùng ăn, cùng ở, thậm chí cùng say với bà con, tôi nghe kể và đã đứng ra giải quyết nhiều sự việc phức tạp của địa phương, từ đó tạo được sự tin yêu, tin tưởng của bà con", ông Lê Văn Minh nói rồi cho biết thêm, bản Đoàn Kết cũng là nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm khó phai trong cuộc đời của ông.

Trăn trở khi bà con vẫn còn nghèo

Ngồi trầm ngâm bên ly trà nóng, ông Minh thở dài rồi tâm sự những điều trăn trở. “Gần 15 năm gắn bó với Đắk Ngo, điều tôi vẫn thấy áy náy nhất là bà con dân tộc thiểu số vẫn còn nghèo. So với thời điểm 5 năm trước, thậm chí 15 năm trước, đời sống của người dân đã được cải thiện rõ rệt, song so với mặt bằng chung của toàn huyện, kinh tế của bà con vẫn còn khó khăn. Hộ nghèo vẫn còn nhiều và hình thức sản xuất vẫn còn lạc hậu, chưa biết ứng dụng khoa học kỹ thuật nhiều”.

Nói rồi, ông Minh chỉ tay về phía nhóm người đang cặm cụi bên đống chuối hột rừng cho biết, bà con Mông ở Đắk Ngo nhiều năm nay có thêm thu nhập nhờ việc lên rừng hái chuối về bán. Thế nhưng, nếu muốn thoát nghèo, muốn khá giả thì không thể trông chờ mãi vào rừng mà phải thay đổi tư duy làm ăn.

Sau hơn 30 năm rời Phú Thọ, ông Lê Văn Minh (bên phải) coi Đắk Nông như quê hương thứ 2 của mình

“Ngày còn công tác tại xã, tôi đã rất nhiều lần cùng anh em vào nói chuyện với người dân, với mong muốn thay đổi nhận thức sản xuất, lấy ngắn nuôi dài, tập trung đầu tư cho cây công nghiệp. Bây giờ nhìn lại thì cũng có chút thành quả, bà con không còn đói ăn, đói mặc nữa, nhưng tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao lắm”, ông Minh nói thêm.

Đặc biệt, ông Minh xót xa khi một số người dân không biết tích lũy, lúc nào cũng mang tư duy “ăn xổi” và ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước.

“Ở xã Đắk Ngo, từ nhiều năm nay một số hộ dân vẫn giữ thói quen bán điều non. Đây là hiện trạng làm đau đầu cán bộ địa phương khi có nhà bán trước một năm, có nhà bán tới cả chục năm. Tình trạng này bắt nguồn từ việc người dân không biết tích lũy, làm được đồng nào xào đồng đó nên cứ thấy có tiền trước mắt là họ bán. Đói ăn thì bán, nhưng có hộ không mấy khó khăn cũng bán”, ông Minh kể.

Trở về với cuộc sống nông dân sau gần 15 năm gắn bó với Đắk Ngo, ông Minh dành thời gian chăm lo cho gia đình và mảnh vườn trồng cây ăn trái. Mỗi khi rảnh rỗi, ông lại dành thời gian trở về với người dân Đắk Ngo. Điều ông cảm thấy tự hào và hãnh diện nhất là sau khi về hưu, ông vẫn được mọi người yêu thương, tôn trọng và đón tiếp nồng hậu.

Nói về vị lãnh đạo cũ, anh Hoàng Văn Cẩn, Bí thư Chi bộ bản Đoàn Kết cho biết, sự gần gũi và trách nhiệm trong công việc của ông Minh đã giúp đời sống của người dân thay đổi rất nhiều. Từ một bản khó khăn, sự phát triển hiện nay của bản Đoàn Kết, một phần là nhờ những nỗ lực, đóng góp của nguyên Bí thư Đảng ủy xã Lê Văn Minh.

Bài, ảnh: Thanh Hằng

2,074

Nguồn Đắk Nông: http://baodaknong.org.vn/chinh-tri/ong-minh-thon-o-dak-ngo-92374.html