Olympic 2024: 'Phát súng lệnh' của nữ xạ thủ Mộng Tuyền
Vào những ngày đầu năm mới 2024, nữ xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền của Việt Nam đã vinh dự giành vé dự Olympic Paris. Đó được xem như phát súng lệnh cho những đồng nghiệp của cô hướng tới ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.
Dù không giành được tấm huy chương ở giải vô địch bắn súng châu Á diễn ra tại Indonesia, Lê Thị Mộng Tuyền vẫn trải qua một khoảnh khắc cực kỳ đáng nhớ ở loạt bắn chung kết. Cụ thể: với 188,7 điểm, xạ thủ sinh năm 2003 này chỉ xếp 5/8 VĐV, nhưng chừng đó là đủ để cô giành vé tới Paris. Bởi trong số 8 VĐV ở vòng chung kết, có 5 người đã giành vé tới Olympic và Mộng Tuyền chỉ phải cạnh tranh với Amini Pozveh (Iran) và Huiyi Tan (Singapore) để tranh 2 suất. Kết quả là cô giành điểm số vượt trội so với Pozveh (166,6) và Tan (121,9).
Trước đó, với thành tích xếp thứ 5 ở chung kết nội dung 10m súng ngắn hơi nữ tại Giải bắn súng vô địch thế giới 2023, xạ thủ sinh năm 2000 Trịnh Thu Vinh chính là người "mở hàng" cho môn bắn súng Việt Nam đến Thế vận hội 2024. Như vậy, riêng môn bắn súng đã mang về 50% suất dự Olympic Paris 2024 (2/4). Dĩ nhiên, con số này chưa dừng lại bởi mục tiêu mà lãnh đạo ngành thể thao đặt ra nhiều hơn thế (12-15 suất).
Sau "phát súng lệnh" của Mộng Tuyền, những đồng đội của cô hẳn đang hào hứng hơn bao giờ hết. Theo ban huấn luyện của đội tuyển bắn súng Việt Nam, chúng ta còn tranh tài ở một số nội dung nữa cho đến ngày 14/1 mới về nước. Điều quan trọng là sau 1 tấm HCV (Phạm Quang Huy - Trịnh Thu Vinh, hỗn hợp đồng đội) và 1 suất dự Olympic, toàn đội đang rất thoải mái về tâm lý khi tranh tài ở những nội dung còn lại như 25m súng ngắn hơi nữ, súng trường 3 tư thế nữ, và 25m súng ngắn bắn nhanh. Các nội dung trên đều được trao suất Olympic dựa trên kết quả thi đấu tại giải bắn súng vô địch châu Á 2024.
Chia sẻ với báo giới sau khi giành vé dự Olympic, Lê Thị Mộng Tuyền thừa nhận cô đã có tâm lý lo lắng và hồi hộp trước giải đấu này khi phải đối mặt với những xạ thủ đẳng cấp từ Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc. Nhưng, nhờ sự động viên của đội ngũ HLV, cô đã cởi bỏ được tâm lý đó, và đạt thành tích quốc tế tốt nhất trong sự nghiệp còn khá non trẻ của mình.
Khi Hoàng Xuân Vinh lập kỳ tích giành 1 HCV và 1 HCB ở Olympic Rio 2016, HLV Nguyễn Thị Nhung từng chia sẻ rằng 42 tuổi mới là đỉnh cao của xạ thủ này bởi trong môn bắn súng, càng có tuổi thì càng giàu bản lĩnh, càng chiến đấu với áp lực tốt hơn. Giờ đây, khi lứa Hoàng Xuân Vinh và Trần Quốc Cường đều đã theo nghiệp HLV, một lứa VĐV tài năng khác đang nổi lên và đặc biệt, họ còn rất trẻ. Mộng Tuyền sinh năm 2003, Trịnh Thu Vinh sinh năm 2000, còn một niềm hy vọng khác - HCV ASIAD 19 Phạm Quang Huy - sinh năm 1996.
Việc những tay súng còn rất trẻ đang đối mặt với áp lực rất tốt và gặt hái thành công đáng kể có công lớn từ HLV trưởng ĐT bắn súng Việt Nam, Park Chung Gun. 8 năm trước, ông Park với tư cách một chuyên gia, cũng góp công lớn vào 2 tấm huy chương lịch sử của Hoàng Xuân Vinh, dù khá thầm lặng. Khi HLV Nguyễn Thị Nhung không còn dẫn dắt đội tuyển bắn súng Việt Nam nữa, vai trò của ông Park trong việc dìu dắt các học trò trẻ lại càng quan trọng. Lê Thị Mộng Tuyền đã "nổ phát súng lệnh", và giờ sẽ là cuộc đua của những VĐV đang tiệm cận với Olympic. Từ nay đến mùa Hè, có thể đặt niềm tin vào những VĐV Nguyễn Thùy Linh (cầu lông), Nguyễn Thanh Thủy (Judo), Trinh Văn Vinh (cử tạ), Nguyễn Văn Khánh Phong, Đinh Phương Thành, Phạm Như Phương (thể dục dụng cụ)...