Ô nhiễm không khí đe dọa châu Âu

Báo cáo 'Chất lượng không khí ở châu Âu - 2018' của Cơ quan Môi trường châu Âu (EEA) mới đây công bố mức độ ô nhiễm không khí ở các quốc gia châu Âu đang giảm dần, song vẫn là nguyên nhân dẫn đến khoảng nửa triệu ca tử vong sớm mỗi năm.

Không khí ô nhiễm tại châu Âu. Ảnh EEA.EUROPA.EU

Theo báo cáo của EEA, vận tải đường bộ là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí ở châu Âu. Khí thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, sản xuất năng lượng, công nghiệp và các hộ gia đình cũng là các tác nhân gây ô nhiễm. Theo EEA, khí ni-tơ đi-ô-xít (NO2), ô-dôn (O3) gần mặt đất và hạt bụi PM (các hạt bụi trôi nổi trong không khí có đường kính cực nhỏ) gây ô nhiễm không khí và đặc biệt có hại với sức khỏe con người.

Báo cáo của EEA đưa ra dữ liệu về chất lượng không khí được hơn 2.500 trạm giám sát trên khắp châu Âu ghi lại. Theo đó, nồng độ ô nhiễm không khí cao tiếp tục có tác động tiêu cực đến người dân châu Âu, nhất là những người sống ở khu vực đô thị. Ô nhiễm không khí là một trong những nguyên nhân gây ra các bệnh về tim mạch, đường hô hấp, đột quỵ và gây tử vong sớm. Có khoảng 79 nghìn ca tử vong sớm do tiếp xúc với khí NO2 và khoảng 17.700 trường hợp liên quan đến O3 gần mặt đất trong năm 2015. Ô nhiễm không khí cũng tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, làm hư hại đất, rừng, sông và hồ. Ngoài ra, ô nhiễm không khí cũng có tác động tiêu cực, làm chậm tốc độ phát triển của nền kinh tế do năng suất lao động giảm, các quốc gia phải chi trả nhiều hơn cho chi phí y tế và khắc phục tác động tiêu cực tới môi trường.

Theo EEA, mức độ ô nhiễm không khí ở châu Âu vẫn cao hơn những tiêu chuẩn của Liên hiệp châu Âu (EU) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra, song đã có xu hướng giảm nhẹ. Trong những năm qua, EU đã cố gắng cải thiện chất lượng không khí bằng cách kiểm soát lượng khí thải có trong khí quyển, cải thiện chất lượng nhiên liệu, tích hợp các yêu cầu bảo vệ môi trường vào các ngành vận tải, công nghiệp và năng lượng.

Giám đốc điều hành EEA H.Bruy-ninh cho biết, các quốc gia châu Âu đã tăng gấp hai lần nỗ lực giảm khí thải trong các ngành giao thông vận tải, năng lượng và nông nghiệp. Bên cạnh đó, các quốc gia châu Âu cũng chú trọng đầu tư các ngành này theo hướng thân thiện với môi trường và bền vững hơn. Có thể thấy, các chính sách kiểm soát chất lượng không khí và tiến bộ về công nghệ đã phần nào giảm những tác động tiêu cực của ô nhiễm không khí ở châu Âu những năm gần đây.

Những thông số nêu trên cho thấy, các biện pháp cải thiện chất lượng không khí có đem lại hiệu quả nhưng chưa đủ để đạt được mục tiêu không khí sạch trên khắp châu Âu. Để đối phó với tình trạng ô nhiễm không khí, các quốc gia cần cam kết và có những hành động thiết thực hơn. Ủy ban châu Âu (EC) đã hành động kiên quyết về ô nhiễm không khí và sẽ tiếp tục làm việc với các nước thành viên để bảo đảm việc áp dụng các quy tắc về chất lượng không khí.

Nhằm chống mối đe dọa nghiêm trọng của "kẻ giết người vô hình" này với sức khỏe con người, WHO phối hợp cùng các tổ chức quốc tế lần đầu tiên tổ chức Hội nghị toàn cầu về ô nhiễm không khí và sức khỏe tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ từ ngày 30-10 đến 1-11. WHO kêu gọi tất cả các quốc gia phải nỗ lực thực hiện các nguyên tắc toàn cầu về bảo đảm chất lượng không khí do WHO khuyến cáo, nhằm cải thiện sức khỏe và sự an toàn của người dân.

MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/38430302-o-nhiem-khong-khi-de-doa-chau-au.html