Ô mai Hàng Đường – thức quà vặt lưu truyền bao thế hệ Hà thành
Ô mai đối với người Hà Nội là món đặc sản có sức sống mãnh liệt trong kí ức của bao thế hệ người Việt, nhờ có giá trị tinh thần và văn hóa mà người dân bồi đắp cho nó.
Thương hiệu ô mai đầu tiên được thành lập tại Hà Nội
Hàng Đường là một trong những con phố tấp nập nhất của 36 phố phường Hà Nội, là nơi thu hút du khách gần xa với những cửa tiệm ô mai, mứt Tết cổ truyền hấp dẫn, được biết tới là cái nôi của ô mai, mứt Tết Hà Nội. Con phố từ lâu đã trở thành điểm đến quen thuộc của nhiều người dân Hà thành mỗi độ Tết đến xuân về.
Phố Hàng Đường có từ trước thời Pháp thuộc, sau người Pháp gọi là rue du Sucre, năm 1945 lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Đường, các lần đổi tên sau vẫn giữ nguyên tên phố Hàng Đường, nay thuộc phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm. Ô mai vốn dĩ là một vị thuốc trong y học cổ truyền của Việt Nam, hay còn gọi là xí muội. Với hương vị thơm ngon cùng nhiều công dụng tốt, ô mai Hàng Đường còn được xem như một loại thực - dược phẩm giúp bồi bổ sức khỏe.
Ô mai được bày bán quanh năm, trên nhiều con phố ở Hà Nội, nổi danh hơn cả là con phố Hàng Đường và nổi bật nhất trên Hàng Đường là cửa hàng Gia Lợi. Câu chuyện về ô mai Gia Lợi là câu chuyện về hành trình xuyên thế kỷ của một thức ẩm thực tinh tế và có phần tao nhã. Đây là nhân chứng của nét ẩm thực độc đáo trong suốt quá trình lịch sử của đất Kinh Kỳ. Được thành lập từ 1898, thương hiệu ô mai Hà Nội này là thương hiệu ô mai đầu tiên được thành lập tại Hà Nội.
Bên cạnh đó, nhắc đến ô mai Hàng Đường người ta cũng không quên nhắc đến Ô mai Hồng Lam, là một trong những thương hiệu ô mai nổi tiếng nhất Việt Nam suốt hơn 20 năm qua. Ô mai của Hồng Lam không chỉ được bày bán ở tất cả các siêu thị to nhỏ trong nước mà còn được xuất khẩu sang nhiều nước khác.
Trước đây, ô mai Hàng Đường chủ yếu phục vụ nhu cầu của người dân Hà Nội với loại ô mai mơ là chủ yếu, thì ngày nay, các cửa hàng phát triển đến hơn 100 loại ô mai, đáp ứng nhu cầu của khách hàng tại nhiều tỉnh thành trong cả nước và đặc biệt là những người Việt ở nước ngoài.
Ô mai và mứt là hai món được sử dụng nhiều trong những ngày Lễ Tết, dù chỉ là thức ăn vặt, thế nhưng với vị chua ngọt hài hòa, dễ khiến mọi người phải “thèm thuồng” ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đây là thức quà giúp cho người Hà Nội xa quê gợi nhớ về hương vị đậm đà của quê hương, giúp những du khách ở Hà Nội dù chỉ một lần đặt chân đến cũng bồi hồi lưu luyến. Chắc hẳn không ai khi đến với Hà Nội mà lại không đem về vài hộp ô mai làm quà cho người thân, bè bạn.
Không chỉ người dân mình biết đến ô mai Hàng Đường mà khách du lịch nước ngoài cũng thường đến đây để thưởng thức ô mai hoặc mua về làm quà. Thậm chí, ô mai Hàng Đường còn xuất khẩu sang một số nước khác. Mặc dù ở một số tỉnh thành của Việt Nam cũng có sản xuất ô mai nhưng chưa có nơi nào đạt được sự nổi tiếng rộng khắp như ô mai Hàng Đường.
Hương vị của ô mai Hàng Đường rất đặc trưng, dù chua, cay, mặn hay ngọt thì đều đậm đà, lắng đọng ở đầu lưỡi và ngọt dịu ở cuống họng, khó có thể lẫn với ô mai ở những nơi khác. Người miền Nam thường thích các loại ô mai sấu như sấu bao tử, sấu dầm... còn người miền Bắc lại ưa những loại ô mai như cam thảo, gừng, chanh, mơ... để ngậm trong những ngày trời se lạnh.
Thứ quà vặt này được làm từ nhiều loại trái cây như mơ, chanh, sấu, mận, gừng... và có nhiều màu sắc khác nhau: Mơ có màu đen, gừng có màu vàng, đào có màu hồng… vì thế, các món ô mai nhìn rất hấp dẫn cả vị giác và thị giác.
Sau hàng ngàn năm tồn tại, ô mai đã dần phổ biến, được tiêu thụ rộng rãi với mức giá phải chăng hơn. Bằng sự khéo léo và sức sáng tạo của mình, những nghệ nhân người Việt đã biến món ăn này mang màu sắc và hương vị của riêng mình với đủ vị cảm nhận.
Nét văn hóa ẩm thực mộc mạc của người Hà thành
Thật ra, ô mai không chiếm vị trí gì đặc biệt trong đời sống Hà Nội nhưng nó xuất hiện đúng chỗ, khá thú vị. Cái hay khi ăn ô mai ở Hà Nội là điểm nhấm nhót, dĩ nhiên không phải thứ ăn lấy no nhưng cũng không phải vị phổ cập. Ban đầu chỉ có một thứ quả mơ sấy khô, sau này đã có hàng bao nhiêu thứ quả khác đa dạng: Ô mai sấu, khế, hồng bì, thậm chí táo mèo...
Có thuyết cho rằng một quý bà phố cổ nhân lúc khách đến chơi đã mang ra một đĩa ô mai để nhấm nháp với trà nóng, hai vị hậu quá hợp nhau sau một bữa cơm. Thế là thành thói quen và lâu dần, chỉ sau vài thập niên đã thành tiêu chuẩn. Mấy chục năm đời sống đạm bạc đã khiến những thứ từ chỗ là nét "vương giả" đã thành nếp sinh hoạt. Nhiều khi chính nhờ sự chậm chạp thay đổi mà các ký ức truyền thống được bảo toàn.
Dù quá trình chế biến ô mai không cần quá “cao sang” nhưng ô mai đã trở thành nét văn hóa rất đỗi mộc mạc của một thức quà mà người ta dùng để biếu nhau trong nhiều dịp. Món quà này mang tinh thần của sự chân thành, gắn kết, sự bày tỏ tôn trọng người tặng dành cho người nhận.
Trên bàn nước tiếp khách ngày Tết, khay đựng ô mai đủ loại màu sắc, đủ mùi vị chua – cay – mặn – ngọt bao giờ cũng là tâm điểm được chú ý nhiều nhất, từ già tới trẻ, từ nam tới nữ. Bởi cái nét cay cay, bùi bùi, lại ngọt ngọt dẻo chua có thể xua tan cảm giác của bánh chưng thịt mỡ hay vị ngọt đượm của bánh kẹo. Chính bởi khả năng này đã khiến ô mai hấp dẫn và có được sự “ưu ái” của hầu hết các độ tuổi.
Ô mai đối với người Hà Nội có lẽ đã được coi là câu chuyện riêng kín đáo. Dẫu có bắt nguồn từ đâu thì cách mà món đặc sản ấy còn “sống” mãi đến tận ngày nay trong kí ức của bao thế hệ người Việt là nhờ có giá trị tinh thần và văn hóa mà người dân bồi đắp cho nó.