Nút thắt lớn của ngành năng lượng tái tạo là nhân lực chất lượng cao
Các chuyên gia đánh giá nút thắt lớn nhất của ngành năng lượng tái tạo chính là nguồn nhân lực.
Trong bối cảnh chuyển dịch xanh là xu thế toàn cầu, Việt Nam đang đặt ra mục tiêu xây dựng hệ thống năng lượng với tổng công suất lên tới 150.000 MW năng lượng tái tạo trong thập kỷ tới. Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đặt tham vọng lớn: đến năm 2030 tổng công suất nguồn điện quốc gia đạt hơn 183.000 - 236.000 MW, trong đó năng lượng tái tạo (trừ thủy điện lớn) sẽ chiếm khoảng 28 - 36% tổng công suất, tiến tới 74 - 75% vào năm 2050.
Bên cạnh bài toán vốn đầu tư, công nghệ, hạ tầng lưới điện, thì vấn đề được các chuyên gia đánh giá nút thắt lớn nhất chính là nguồn nhân lực. Để vận hành tới 1.500 hệ thống công suất 100 MW mỗi dự án trong tương lai gần, Việt Nam cần một chiến lược đào tạo nhân lực quy mô lớn và bài bản - vấn đề hiện vẫn còn là khoảng trống đáng lo ngại.

Dự báo đến năm 2030, năng lượng tái tạo (trừ thủy điện lớn) sẽ chiếm khoảng 28 - 36% tổng công suất điện Quốc gia
Theo Bộ Công Thương, tổng công suất điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam đã đạt khoảng 46.000 MW tính đến cuối năm 2023. Quy hoạch điện VIII nêu rõ, từ nay đến 2030 cần bổ sung thêm hàng chục nghìn MW điện mặt trời (46.000 - 73.000 MW) và gió (khoảng 26.000 - 55.000 MW gồm cả onshore và offshore).
TS. Nguyễn Đức Thành (Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam) nhận định, Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế chuyển dịch năng lượng xanh. Việc đặt mục tiêu 150.000 MW năng lượng tái tạo thực chất là phù hợp với cam kết Net Zero 2050, đồng thời tạo ra động lực lớn cho đầu tư, công nghiệp hỗ trợ và phát triển vùng nông thôn, miền núi.
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký JETP (Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng) với cam kết giải ngân 15,5 tỷ USD trong 3 - 5 năm tới, hướng vào năng lượng tái tạo, nâng cấp lưới điện và giảm phát thải từ nhiệt điện than.
Vấn đề đặt ra là với quy mô 150.000 MW, tương đương khoảng 1.500 dự án hoặc tổ hợp quy mô 100 MW, Việt Nam cần hàng chục ngàn nhân sự kỹ thuật để thiết kế, vận hành, bảo trì, giám sát lưới, dự báo sản lượng và đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần TTP Phú Yên chia sẻ, cứ một dự án điện gió hoặc điện mặt trời 100 MW cần ít nhất 10 - 30 người vận hành và bảo trì trực tiếp, chưa kể khối gián tiếp như thiết kế, lập kế hoạch, quản lý hợp đồng. Nhưng hiện nay chúng ta đang thiếu người được đào tạo bài bản.
Theo ước tính của Bộ Công Thương và IRENA (2024), Việt Nam mới có khoảng 30.000 - 35.000 lao động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, trong đó chỉ khoảng 10 - 15% có đào tạo chuyên sâu.
Hiện tại, nhiều dự án năng lượng tái tạo trong nước đang phải “tự đào tạo” đội ngũ tại chỗ, chủ yếu bằng kinh nghiệm thực tế. Nhiều trường đại học mới chỉ bắt đầu xây dựng chuyên ngành hoặc module về năng lượng tái tạo, trong khi các mảng then chốt như: Thiết kế và vận hành gió ngoài khơi (offshore wind); Tích trữ năng lượng (pin lithium-ion, thủy điện trữ năng); Quản lý lưới điện thông minh (smart grid, SCADA, IoT); Dự báo sản lượng tái tạo theo mô hình khí tượng... thì gần như chưa có chương trình đào tạo chính quy.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Quế, chuyên gia hệ thống điện (Đại học Bách khoa Hà Nội) đánh giá, chúng ta có thể mua tuabin, tấm pin, inverter từ nước ngoài. Nhưng không thể nhập khẩu người vận hành, bảo trì. Nếu thiếu nhân lực chất lượng cao thì chi phí vận hành sẽ tăng, rủi ro sự cố lớn, khiến nhà đầu tư quốc tế e ngại.

Nhiều dự án năng lượng tái tạo trong nước đang phải “tự đào tạo” đội ngũ tại chỗ
Trong cơ cấu phát triển, điện gió ngoài khơi được kỳ vọng chiếm 6.000 - 17.000 MW trước 2035. Tuy nhiên đây là phân khúc đòi hỏi kỹ năng rất cao về địa chất biển, an toàn công trình ngoài khơi, vận hành thiết bị cỡ lớn.
Ông Nguyễn Phan Đính, Tổng Giám đốc đốc Công ty CP Xuân Thiện Ninh Thuận nhận định, Việt Nam có lợi thế bờ biển dài, tiềm năng trên 600.000 MW điện gió ngoài khơi. Nhưng để phát triển bền vững cần lực lượng kỹ sư, công nhân được đào tạo theo chuẩn quốc tế. Không thể chỉ dựa vào chuyên gia nước ngoài vì chi phí rất lớn và thiếu ổn định.
Để tháo gỡ nút thắt nhân lực, nhiều chuyên gia đề xuất chính phủ cần: Chuẩn hóa chương trình đào tạo đại học và nghề cho năng lượng tái tạo; Tận dụng vốn JETP để cấp học bổng đào tạo kỹ sư điện gió ngoài khơi, pin lưu trữ, quản lý lưới điện thông minh; Thu hút chuyên gia nước ngoài tham gia đào tạo tại chỗ; Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trung tâm huấn luyện và liên kết với địa phương.
Một số doanh nghiệp lớn như EVN, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), T&T Group… đã bắt đầu nghiên cứu xây dựng các chương trình đào tạo riêng để chuẩn bị cho các dự án lớn sắp triển khai.
TS. Nguyễn Đức Thành nhấn mạnh, với nhu cầu lên tới 150.000 MW năng lượng tái tạo trong 5 - 10 năm tới, Việt Nam đang bước vào một cuộc chạy đua quan trọng không chỉ về vốn và thiết bị, mà quan trọng nhất là đào tạo con người. Hạ tầng lưới điện, vốn đầu tư, công nghệ đều cần thiết, nhưng yếu tố con người mới là nền tảng bền vững để Việt Nam đạt được tham vọng năng lượng xanh.