Bãi giữa sông Hồng có diện tích khoảng 329 ha nằm trải dài qua địa phận của 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên. Gần 1 tháng nay, nước dâng cao, rút chậm khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân cuối ngõ 76 phố An Dương (Tây Hồ, Hà Nội) bị đảo lộn.
Nước lên khiến các con đường, ngõ ngách đi lại hàng ngày bị ngập.
Việc đi lại của người dân và những người thuê đất canh tác nông nghiệp ngoài bãi giữa rất khó khăn. Thuyền là phương tiện duy nhất họ có thể sử dụng.
Tại đường nhánh dân sinh kết nối khu vực nội đô và bãi giữa sông Hồng, từ sáng sớm, hàng chục người dân đã đứng đợi thuyền để đi nhờ sang bãi giữa sông Hồng.
Khu vực này có hơn 100 hộ dân làm nghề canh tác hoa màu trên bãi giữa, đường bị chia cắt nên việc đi lại gặp nhiều bất tiện.
Tại đây chỉ có 1 chiếc thuyền duy nhất phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Một chiếc thuyền chỉ có thể chở từ 6 - 8 người cùng đồ đạc nhỏ gọn. Để di chuyển qua lại giữa hai bên, người dân phải gửi xe máy bên bờ rồi di chuyển bằng thuyền để sang bờ bên kia.
Mỗi lượt người, xe qua đoạn ngập phải trả phí 10.000 đồng, tiền gửi xe đạp, xe máy bên bờ là 10.000 đồng. Nếu có việc phải đi lại nhiều lần trong ngày thì số tiền này là không nhỏ.
Bên cạnh dịch vụ chở thuê qua đoạn ngập, những nhà có thuyền thì tự di chuyển.
Do phương tiện hạn chế nên người dân muốn qua được đoạn ngập phải chờ đợi từ 15-20 phút.
Bà Nguyễn Thị Như (An Dương, Tây Hồ) cho biết, nhà bà có 1 vườn rau ở bãi giữa sông Hồng nên ngày nào cũng phải đi thuyền sang đó 1-2 lần để chăm rau và thu hoạch rau. Mỗi lần đi lại hết khoảng 30.000 đồng. Cuộc sống của gia đình bà và nhiều người bị đảo lộn.
Ông Nguyễn Mậu Dục (80 tuổi), do trồng rau, nuôi gà ở bãi giữa nên hàng ngày ông phải di chuyển bằng thuyền sang bãi giữa sông Hồng. “Mỗi ngày chỉ 1 lần đi, 1 lần về đã vất vả lắm rồi. Có việc cần phải giải quyết thì khó khăn đến mấy vẫn bắt buộc phải đi. Chúng tôi chỉ mong nước nhanh rút để cuộc sống ổn định lại”.
Năm nay, mưa lũ đầu nguồn đã khiến các thủy điện Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình phải xả lũ. Mực nước sông Hồng lên cao hơn cùng kỳ các năm trước.
Những ngày đầu lũ về, nước tại đây dâng cao, có nơi ngập tới 2-3 mét.
Bà Vương Thúy Hà (An Dương, Tây Hồ) cho biết, lũ về, nước dâng cao 2 mét, nhà của bà và một số hộ khác bị ngập và nhấn chìm hoàn toàn trong nước. Hiện giờ bà không có nhà ở, phải ở tạm ngoài lán. Chồng bà bị tai biến phải gửi nhờ nhà hàng xóm. Hàng ngày bà trông giữ xe máy ở bờ bên này để kiếm đồng ra đồng vào.
Đây là những vật dụng mà gia đình bà Hà vớt vát được sau khi lũ rút.
Chung Thủy-Nguyễn Ngọc/VOV.VN