Nửa đường Man Utd

Hòa trên sân Anfield không phải là một kết quả tồi. Man Utd vẫn giữ vững ngôi đầu bảng ở mùa giải hứa hẹn cam go này.

Tuy nhiên, suy cho cùng, mọi thứ mới chỉ là nửa đường, và nó đến từ một Man Utd “nửa đường” trong đại chiến với Liverpool.

Solskjaer đã bắt đầu mở bài

Dấu ấn chiến thuật của Solskjaer là gì? Đó là một câu hỏi kéo dài bấy lâu nay. Và trước Liverpool, có vẻ như bài của Solsa đã bộc lộ rất rõ. Nếu so sánh trận cầu ấy với nhiều trận của Man Utd gần đây, chúng ta sẽ thấy rất rõ một đặc điểm: Man Utd chủ động chơi phòng ngự phản công ở hiệp một và bất ngờ đẩy cao chơi ép sân ở hiệp 2.

Cách tiếp cận này cho thấy rõ Solskjaer đã luôn trung thành với một cách tính. Đó là chấp nhận nhún mình cho đối thủ thi triển hết nội công ở hiệp một và chờ đợi đến hiệp 2, khi đối thủ không còn sung sức nữa, Man Utd mới mạnh dạn bung hết sức để gây áp lực với một đội hình chơi cao hơn hẳn.

Bài đánh này hữu hiệu trước Liverpool, khi mà lối chơi của Klopp đòi hỏi rất nhiều thể lực do tốc độ chơi quá cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải thừa nhận rằng trong một đêm mà hàng thủ Man Utd chơi quá tốt (Maguire là người hay nhất đội hình) và hàng công Liverpool quá cùn, số phận đã không đứng về phía thầy trò Klopp. Đơn giản, chỉ cần Liverpool có bàn thắng sớm, toan tính của Solsa sẽ đổ vỡ hoàn toàn.

Có lẽ đây sẽ là cách tiếp cận kiên định của Solskjaer và nói cho cùng, nó rất phù hợp với nhân sự mà ông có trong tay. Hàng thủ của Man Utd, chỗ mà nhiều người vẫn lo ngại, thực tế không phải là một tập thể thiếu chất lượng. Cái họ cần là tính tổ chức và sự tập trung cao độ. Và dường như hàng thủ ấy đang vào guồng.

Dấu ấn chiến thuật của Solskjaer. Ảnh: Reuters.

Thứ nhất, rõ ràng rằng khi chơi với dàn tứ vệ (back four), hàng thủ Man Utd sáng nước và mạch lạc hơn rất nhiều. Nếu kiểm đếm lại các sai lầm của họ từ đầu mùa tới giờ, chúng ta sẽ thấy thường hay rơi vào những lúc họ thiếu vắng nhân sự chủ chốt hoặc chơi với bộ tam vệ (back three).

Như vậy, về tổ chức, Solsa đã có “đường binh”. Còn về tính tập trung thì khỏi cần nói. Trận gặp Liverpool chứng minh họ đã tập thành một thói quen rồi chứ không phải bỗng nhiên một ngày đẹp trời tập trung hơn hẳn.

Solsa đã mở bài. Dấu ấn chiến thuật lớn nhất của ông từ khi cầm quyền ở Man Utd đã lộ diện. Đây là điểm cộng rất lớn với HLV này và nó khiến những người từng chê bai ông (như chính người viết bài này) phải nói lời xin lỗi.

Và nói thẳng, nói thật ra, một người từng chơi bóng đá chuyên nghiệp đỉnh cao, khi cầm quân ắt hẳn sẽ luôn có những ý tưởng chiến thuật riêng của mình. Điều quan trọng là ý tưởng ấy có phát huy được hay không với những nhân sự mà người ấy có trong tay mà thôi.

Một Man Utd một nửa

Cả trận gặp Liverpool, Man Utd dù chơi thấp ở hiệp 1 hay có đẩy cao hơn ở hiệp 2 (cả về tốc độ lẫn đội hình), thì vẫn không thể bỏ qua một thực tế: họ vẫn giữ tinh thần phòng ngự phản công. Tuy nhiên, có 2 thông số giữa hai hiệp mà chúng ta nên để ý tới chính là số lần dứt điểm và số lần việt vị. Nếu cả hiệp 1 Man Utd chỉ dứt điểm được đúng 1 lần và việt vị tới 7 lần thì ngược lại, hiệp 2 họ việt vị đúng 1 lần và dứt điểm được 7 lần.

Sẽ như thế nào nếu như hàng công Liverpool đang không nằm trong giai đoạn khủng hoảng phong độ và nhân sự, và Man Utd để thua bàn ngay từ nửa đầu hiệp 1? Không khó để đoán rằng Man Utd sẽ bại trận, thậm chí có thể là vỡ trận.

Khi chủ động phòng ngự chờ đợi cơ hội phản công với đội hình chơi lùi sâu như ở hiệp 1, Man Utd rất cần một hàng thủ chơi chặt chẽ, chắc chắn, một hàng tiền vệ phong tỏa tốt và một hàng công sở hữu 3 điểm: tốc độ nước rút, độ nhạy vị trí việt vị và khả năng chớp thời cơ.

Và ở hiệp 1, mới chỉ có một nửa Man Utd mà Solsa muốn mà thôi: một nửa phòng ngự. Nhiều người khen ngợi sự lăn xả của Luke Shaw hay các pha tay đôi của Wan-Bissaka nhưng cần phải nhớ rằng người chơi hay nhất phía Man Utd ở Anfield là Maguire.

Không được chơi bên cạnh một Bailly đã trở nên quen thuộc, Maguire vẫn chỉ huy hàng thủ cực tốt, chọn vị trí chính xác và đúng nghĩa là đã chơi bằng cái đầu. Nhưng ở nửa còn lại, Man Utd hoàn toàn không có gì trong tay? Bởi vậy, họ đã không có được thứ họ lẽ ra cần có: bàn thắng.

Rashford không tận dụng được cơ hội ghi bàn. Ảnh: Reuters.

Nói về tốc độ nước rút, thực sự hàng công Man Utd xuất trận ở Anfield chỉ có một mình Rashford là sở hữu ưu điểm này. Martial khéo trong không gian hẹp, nhưng không phải người chơi tốc độ cao. Pogba lại càng không. Fernandes cũng không phải một người có thói quen nước rút. Trong một sơ đồ 4-2-3-1 chơi phòng ngự phản công đội hình thấp, rõ ràng chỉ mình mũi nhọn Rashford có tốc độ là không đủ.

Khi phản công, ít nhất phải có 2 cá nhân tốc độ cao tham gia pha phản công, thì cơ hội ăn bàn mới trở nên rõ rệt hơn. Như Leicester City ở mùa giải 2015/16 chẳng hạn. Ngoài Vardy chạy như một VĐV 100 m, họ còn có Okazaki cũng là một tốc độ gia thực thụ. Còn Solsa có gì trong tay? Sự đơn độc của Rashford chỉ khiến các pha phản công của Man Utd có vẻ nguy hiểm chứ khó có khả năng ăn bàn.

Về cảm nhận và độ nhạy việt vị, Rashford chưa bao giờ mạnh. Chưa có một thống kê chính xác, nhưng chắc chắn Rashford là người việt vị nhiều nhất Man Utd hiện thời. Các đường mở bóng phản công của Man Utd trước Liverpool trong hiệp 1 đều khá ổn nhưng rốt cuộc, cái bẫy việt vị đã biến những đường chuyền đó trở nên chẳng còn giá trị nào nữa.

Thêm vào đó, phải thừa nhận đêm Anfield là lần cả Bruno Fernandes lẫn Pogba chơi không hay. Chúng ta có thể sẽ có cảm tình hơn với hình ảnh Pogba xông xáo nhưng cái mà một tiền vệ cần cống hiến là gì? Là đường chuyền sát thủ. Cả Pogba lẫn Fernandes đều có những đường chuyền cuối không chuẩn xác trước Liverpool, và điều đó cộng hưởng với 2 điểm yếu kể trên của hàng công để khiến cho việc phản công của Man Utd không sắc.

Và ở yếu tố thứ 3, tức là khả năng chớp thời cơ, tận dụng cơ hội, hàng công Man Utd đã không biết chắt chiu trong một trận cầu có ý nghĩa không chỉ là 3 điểm. Pha phản công nuối tiếc nhất là khi Rashford cầm bóng với sự hỗ trợ của Pogba và Cavani ở hai bên. Thay vì một đường trả bóng lại cho Pogba khi đã hết không gian để dứt điểm, Rashford lại quá cá nhân.

Cơ hội kiểu ấy không nhiều và chắc chắn, Solsa sẽ “sạc” tiền đạo của mình ra trò sau trận cầu, bởi ông không muốn thành tựu của toàn đội bị ảnh hưởng vì những quyết định cá nhân như vậy.

Hoặc cú dứt điểm búa bổ của Pogba đúng vị trí Alisson ở cuối hiệp 2 chẳng hạn. Nó đẹp mắt. Nó hấp dẫn nhưng thực tế, nó là một cú dứt điểm dở. Những gì Pogba có chỉ là lực. Cái cần hơn, là độ quái, góc sút hiểm, Pogba không có. Tất nhiên, ở tốc độ cao, một tiền vệ dứt điểm như vậy là ổn rồi, nhưng nếu cứ thỏa mãn với cái ổn ấy, cả Pogba lẫn Man Utd sẽ không thể tiến bộ.

Và vì chỉ có một nửa, Man Utd không thể có gì hơn ngoài 1 điểm rời Anfield. Với 1 điểm ấy, họ còn lại cả nửa chặng đường Premier League phải đếm từng trận mà đá bởi Man City đang lặng lẽ áp sát trong khi Leicester City ngày một khó lường.

Vẫn quay lại câu chuyện thị trường

Chúng ta hãy thử tưởng tượng một kịch bản như thế này. Nếu như ở mùa chuyển nhượng hè 2020, thay vì mang về Van de Beek và Cavani, Ed Woodward quyết định nổ bom tấn bằng cách mua Mbappe của PSG thì sao nhỉ? Tất nhiên, đây chỉ là tưởng tượng thôi, bởi việc mua một ngôi sao như thế không dễ chút nào song đã tưởng tượng tội gì không chơi lớn một phen cho thiên hạ trầm trồ.

Hàng công của Man Utd khi đó sẽ sở hữu bộ ba Mbappe - Martial - Rashford và dự bị là Greenwood. Trong số này, Mbappe, Rashford và Greenwood là những tay đua tốc độ nước rút thực thụ. Bao nhiêu bàn thắng sẽ được ghi? Man Utd lúc này có bao nhiêu điểm thay vì chỉ là 37 điểm ở Premier League? Và có chăng chuyện họ bị loại ở Champions League?

Solskjaer còn nhiều việc phải làm nếu muốn thắng Liverpool. Ảnh: Reuters.

Tưởng tượng như vậy chẳng qua cũng chỉ đi đến một câu chuyện thực tiễn. Ở kỳ chuyển nhượng mùa đông này, Ed Woodward nhất định phải để chính Solskjaer được quyền lựa chọn một cầu thủ tấn công có tốc độ cao nhằm phục vụ lối chơi ông đang xây dựng cho Man Utd. Cầu thủ ấy không thể là bom tấn, bởi bom tấn khó nổ ra ở mùa đông nhưng để mua một tay đua tốc độ hỗ trợ Rashford lúc này là điều cần thiết vô cùng.

Và nếu Solsa được bổ sung như vậy, chắc chắn nửa đường còn lại ở Premier League của ông sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Việc đếm từng trận mà quyết đấu cũng trở nên không nhiều khó khăn khi bản thân Solsa có thêm lựa chọn nhằm xoay tua đội hình, tạo ra không khí cạnh tranh vị trí lành mạnh đồng thời kích thích, nuôi dưỡng thói quen thắng trận bằng những bàn thắng có tính quyết định.

Nếu vậy, và Man Utd lên ngôi vô địch ở cuối mùa, khi ấy Ed Woodward tưởng thưởng cho HLV trưởng của mình một hợp đồng bom tấn sẽ lại càng ý nghĩa hơn. Đơn giản, hợp đồng ấy cũng chính là một cam kết cho thấy lãnh đạo CLB luôn đứng sau lưng HLV của mình để bắt đầu chinh phục một đỉnh cao khác: Champions League.

Suy cho cùng, một Man Utd “nửa đường” này cũng chính là kết quả của những chính sách “nửa đường” của Ed Woodward, người nhận ra Man Utd tồn tại những vấn đề song lại không giải quyết nó một cách rốt ráo nhất.

Solskjaer: 'Đừng lúc nào cũng phất bóng cho Rashford' HLV Ole Solskjaer cho rằng MU đã lạm dụng bóng dài và muốn các học trò bình tĩnh cầm bóng trong trận hòa 0-0 trước Liverpool ở vòng 19 Premier League hôm 17/1.

Hà Quang Minh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nua-duong-man-utd-post1174586.html