Nữ sinh Trần Phú - Hoàn Kiếm ước mơ 'gieo mầm xanh hy vọng' cho trẻ em Việt Nam
Sự tận tâm của cô giáo Thu Huyền - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã thôi thúc Diệu Linh nuôi dưỡng ước mơ trở thành một cô giáo. Em dự định thi ngành Tâm lý, 'người gieo mầm xanh hy vọng' cho trẻ em Việt Nam.
Trong bài viết “Mái trường yêu dấu - Nơi bắt đầu những ước mơ”, em Nguyễn Ngọc Diệu Linh (học sinh lớp 12D2 - Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm, Hà Nội) đã kể câu chuyện thân thương về cô giáo Thu Huyền - người thắp sáng ngọn lửa đam mê văn chương trong em.
Bài viết của Diệu Linh đã xuất sắc lọt Top 50 tác phẩm ấn tượng nhất Cuộc thi viết và bình chọn "Trường học hạnh phúc" - năm 2024 do Tạp chí Trẻ em Việt Nam tổ chức, phối hợp thực hiện cùng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.
Mở đầu bài viết, Trường THPT Trần Phú - Hoàn Kiếm được Diệu Linh miêu tả như một mái nhà thứ hai: "Nếu nhà là nơi ta tìm thấy cảm giác bình yên và hạnh phúc, thì trường là nơi ta đến mỗi ngày để mài giũa, tích lũy những chiến lợi phẩm mang tên kiến thức, là nơi để vẽ nên bức tranh cuộc đời".
Cô Thu Huyền - giáo viên chủ nhiệm lớp 12D2 - một nhà giáo giản dị, tận tâm đã giúp cho những năm tháng học cấp 3 của Diệu Linh trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
Năm lớp 10, khi đứng trước lựa chọn khó khăn về môn thi học sinh giỏi, Linh lưỡng lự giữa Lịch sử và Địa lý. Chính khoảnh khắc đó, cô giáo nhẹ nhàng hỏi:
"Linh, con đã chọn môn thi chưa?", và cô gợi ý:
"Vậy thi Ngữ văn nhé".
Chỉ với câu nói ấy, cô giáo Thu Huyền đã mở ra một con đường mới - một thế giới mà trước đó Linh chưa từng nghĩ đến. Diệu Linh chia sẻ: "Từ trước đến nay, Ngữ văn vốn không phải là điểm mạnh của tôi, nhưng nhờ cô, tôi đã bắt đầu khám phá được những điều thú vị, đồng thời nhận ra đam mê mà trước đó mình đã vô tình bỏ quên".
Những ngày ôn thi dưới sự hướng dẫn của cô giáo không còn là áp lực, mà trở thành "những chuyến phiêu lưu trong thế giới văn chương". Linh viết với tất cả sự xúc động: "Từ những tác phẩm cổ điển đến những trang văn thời đại, tất cả đã giúp tôi hiểu rõ hơn về cuộc sống và chính bản thân".
Dẫu kết quả thi không như mong đợi, nhưng những gì Linh nhận lại là vô giá. Chính những bài học từ cô giáo đã giúp Linh trưởng thành, tự tin hơn và đặc biệt là nuôi dưỡng ước mơ trở thành "một nhà tâm lý học, người truyền cảm hứng và mang lại điều tốt đẹp cho cuộc đời".
Hình ảnh cô giáo Thu Huyền hiện lên qua từng dòng văn của Linh như một người mẹ thứ hai, người luôn thấu hiểu tâm lý học trò và truyền cho họ niềm tin vào bản thân. Linh viết: "Cô không chỉ là một người thầy, mà còn như một người mẹ, luôn sẵn sàng lắng nghe và động viên chúng tôi vượt qua khó khăn".
Chính nhờ cô, Linh đã nhận ra ý nghĩa thực sự của việc học tập và trưởng thành: "Điều quan trọng nhất không phải là kết quả của một cuộc thi, mà là những giá trị ta học được trên hành trình khám phá bản thân".
Những ngày ôn thi trở thành những chuyến phiêu lưu trong thế giới văn chương. Từ những tác phẩm cổ điển đến những trang văn thời đại, tất cả đã giúp tôi hiểu rõ hơn về cuộc sống và chính bản thân. Dù kết quả cuối cùng không như mong đợi, nhưng nhửng trải nghiệm đó đã giúp tôi trưởng thành và tự tin hơn.
Cô Thu Huyền không chỉ là một người thầy mà còn như một người mẹ thứ hai. Cô hiểu tâm lý học trò, luôn sẵn sàng lắng nghe và động viên chúng tôi vượt qua khó khăn. Cũng chính nhờ cô, tôi đã ươm mầm ước mơ trở thành một nhà tâm lý học, người truyền cảm hứng và mang lại điều tốt đẹp cho cuộc đời".
Kết thúc bài viết, Diệu Linh gửi gắm thông điệp ý nghĩa mà cô Thu Huyền - người truyền cảm hứng, gieo niềm đam mê và dẫn dắt Diệu Linh bước vào hành trình văn chương đầy cảm xúc và hy vọng nhắn nhủ: "Đừng từ bỏ dù gặp bất kỳ khó khăn nào. Hãy sống trọn vẹn với sự tử tế, đam mê và kiên trì, bởi điều tốt đẹp sẽ luôn chờ đón chúng ta".