Nóng Libya: Thổ thành khách không mời, Mỹ-phương Tây rối trí!

Khi Nghị viện Tobruk cho phép Ai Cập can thiệp vào Libya, thì 'những tác giả kịch bản phá nát Libya' khi không thể xác định được vị thế của mình...,

Quốc hội Libya cho phép Ai Cập can thiệp quân sự vào nội tình nước này

Ngày 13/7, Nghị viện Libya hiện đóng tại thành phố cảng Tobruk - vốn ủng hộ Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar - đã "bật đèn xanh" để Ai Cập can thiệp quân sự vào nội tình nước này, tin từ Aljazeera.

Theo quyết định được cơ quan lập pháp Libya thông qua, "các lực lượng vũ trang Ai Cập được phép can thiệp với mục đích bảo vệ an ninh quốc gia của Libya và Ai Cập nếu nhận thấy một mối đe dọa với cả hai bên".

Trước việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya (GNA) ở thủ đô Tripoli, Nghị viện tại Tobruk kêu gọi Libya và Ai Cập cần phải hợp tác để ngăn chặn hành động của các lực lượng nước ngoài và bảo vệ an ninh quốc gia của hai nước.

"Chúng tôi kêu gọi những nỗ lực chung giữa hai quốc gia anh em Libya và Ai Cập để đánh bại kẻ chiếm đóng cũng như duy trì an ninh, ổn định chung ở hai đất nước và ổn định trong khu vực", người đại diện Nghị viện Libya tuyên bố.

Khi Nghị viện Libya - định chế chính trị căn bản của người Libya - cho phép Ai Cập can thiệp quân sự, đã biến Thổ Nhĩ Kỳ thành khách không mời

Quyết định của Nghị viện Libya được đưa ra trong bối cảnh hồi đầu tháng 6, Ai Cập có đề xuất Sáng kiến hòa bình Cairo, vạch ra một tiến trình chính trị ở Libya và kêu gọi các bên ngừng bắn kể từ ngày 8/6.

Đề xuất này được Liên đoàn Ả Rập, Nga, Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất ủng hộ, nhưng lại bị Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya và Thổ Nhĩ Kỳ từ chối.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi khẳng định : "Các lực lượng vũ trang chúng tôi có quyền can thiệp để bảo vệ an ninh quốc gia của Libya và Ai Cập, nếu nhận thấy cần thiết". Theo ông El-Sisi thì Sirte và Al-Jufra là giới hạn đỏ.

Đáp lời, ngày 24/6, Chủ tịch Nghị viện Libya Aguila Saleh đề nghị Ai Cập cân nhắc can thiệp quân sự để hỗ trợ Quân đội Quốc gia Libya chống các lực lượng đối địch ở miền tây Libya, nếu các lực lượng này tấn công thành phố chiến lược Sirte.

Tuần trước, quân đội Ai Cập tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn mang tên Resolve - 2020. Hoạt động này diễn ra ở quận phía tây bắc của Qabr Gabis, cách biên giới Libya 60 km.

Nhận định về Resolve - 2020, Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội Ai Cập, thiếu tướng Kamal Amer cho rằng Cairo đã gửi 3 thông điệp quan trọng tới các lực lượng ở Libya, tới các lực lượng đã và đang can thiệp vào Libya.

Một là các lực lượng vũ trang Ai Cập đủ sức mạnh để bảo vệ an ninh quốc gia. Hai là an ninh quốc gia của Libya cũng là một phần của an ninh quốc gia Ai Cập. Ba là Ai Cập đủ khả năng đối mặt với mọi đe dọa ảnh hưởng đến an ninh của hai quốc gia.

Như vậy, nếu Cairo "chịu đèn" Nghị viện Libya thì tại quốc gia Bắc Phi sẽ có 2 lực lượng nước ngoài chính thức can thiệp là Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập, nhưng với hai danh nghĩa hoàn toàn trái ngược nhau.

Ai Cập đủ khả năng bảo vệ an ninh cho mình và cho cả Libya

Quốc hội Libya biến Thổ thành khách không mời, Mỹ-phương Tây rối bời

Giới phân tích cho rằng, hai danh nghĩa trái ngược nhau giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập - nếu nước này can thiệp vào Libya - đó là Thổ Nhĩ Kỳ làm khách không mời, còn Ai Cập là khách được mời. Tại sao lại nhận định như vậy?

Ngược dòng thời gian. Sau khi được NATO hỗ trợ lật đổ chế độ Gaddafi vào tháng 10/2011, Hội đồng Chuyển tiếp Libya (NTC) đã quản lý đất nước đến tháng 8/2012 thì trao quyền lại cho Đại hội Toàn quốc Libya (GNC).

Đến tháng 6/2014 thì GNC tổ chức cuộc tổng tuyển cử để cử tri Libya bầu ra một cơ quan đại diện quyền lực nhân dân cho quốc gia này. Kết quả là Nghị viện Libya được bầu và Hội đồng các đại diện (CoR) đã ra đời.

Thay vì phải trao quyền lại cho CoR thì GNC không thực hiện, khiến tại Libya thời hậu bầu cử có tới hai thể chế chính trị đối lập. Lợi dụng tình hình, lực lượng Hồi giáo Bình minh đã chiếm Tripoli và thành lập chính phủ với sự ủng hộ của GNC.

Thực tế đó khiến CoR phải chuyển tới thành phố Tobruk và được bảo trợ của Nghị viện Libya - cơ quan đại diện quyền lực do nhân dân Libya bầu ra. Tháng 8/2014, quốc tế công nhận Nghị viện Tobruk là thực thể chính trị đại diện duy nhất của Libya.

Việc tồn tại cùng một lúc hai chính thể tại miền đông và miền tây làm cho đất nước Libya ngày càng hỗn loạn, là cơ hội cho chủ nghĩa khủng bố có nhiều đất diễn. Tận dụng thời cơ đó, Mỹ-phương Tây đã can thiệp vào Libya một lần nữa.

Ngày 17/12/2015 tại Skhirat, Maroc, các cường quốc phương Tây và LHQ đã tổ chức việc ký kết một thỏa thuận phân chia quyền lực giữa hai thực thể chính trị đang kiểm soát miền đông và miền tây Libya.

Kết quả của Thỏa thuận Skhirat là sự ra đời Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya và ông al-Seraj được chọn đứng đầu. Song nhận ra mưu đồ phía sau của đạo diễn kịch bản nên cả hai phe đối địch tại Libya đều phản đối chính phủ mới này.

Khi GNC không trao lại quyền lực cho CoR thì Mỹ-phương Tây lại nhân cơ hội này nặn ra GNa trái nguyên lý

Vì vậy, GNA được thành lập nhưng phải lưu vong. Mãi đến ngày 30/3/2016, GNA mới chuyển từ Tunisia về Libya, đóng tại Tripoli. Nhưng đến tháng 3/2017 phương Tây nhận cú đấm trời giáng khi Tòa án Tối cao Libya từ chối công nhận GNA.

Rõ ràng, GNA ra đời là trái nguyên lý và không dựa trên ý nguyện người dân Libya. Còn bằng việc kiến tạo Thỏa thuận Skhirat, Mỹ-phương Tây đã lần thứ 2 xâm phạm chủ quyền Libya, sau lần thứ nhất là NATO ném bom, hỗ trợ lật đổ Gaddafi.

Tuy nhiên, theo Thỏa thuận Skhirat thì GNA chỉ tồn tại đến tháng 12/2017, nên từ tháng 1/2018, GNA đã tồn tại bất hợp pháp tại Libya. Thực tế này là hết sức nguy hại với Mỹ-phương Tây trong việc sắp đặt bàn cờ chính trị mới cho Libya.

Bởi lẽ, dù được Mỹ - phương Tây ủng hộ và có sự hậu thuẫn của LHQ, song GNA không phải là thực thế chính trị hợp hiến và đang tồn tại bất hợp pháp, nên GNA không thể nhân danh Libya ký kết các thỏa ước quốc tế, theo The Guardian.

Như vậy, Thỏa thuận về hợp tác an ninh và quân sự mà Ankara ký với GNA tháng 11/2019 - nhờ đó Ankara can thiệp vào Libya - là bất hợp pháp và khi Nghị viện Libya cho phép Ai Cập can thiệp vào Libya thì Thổ Nhĩ Kỳ thành khách không mời.

Song trong trường hợp này, lo ngại nhất sau động thái của Nghị viện Libya lại không phải là Erdogan-Ankara, mà chính là Mỹ-phương Tây - "những tác giả kịch bản phá nát Libya" - khi không thể xác định vị thế của mình, nên khó có thể đưa ra phản ứng.

Thực ra "những tác giả kịch bản phá nát Libya" đã lường trước sự nguy hại này nên liên tục tìm mọi cách để có thể tổ chức tổng tuyển cử, nhằm tìm kiếm vị thế hợp pháp cho GNA, từ đó hợp pháp hóa việc xâm phạm chủ quyền quốc gia Libya lần thứ 3.

Tuy nhiên, sự mâu thuẫn giữa "người của Mỹ" với "người thân Mỹ" đã phá hỏng tất cả. Khi Ankara can thiệp vào Libya, "những tác giả kịch bản phá nát Libya" đã âm thầm đứng sau lưng, hy vọng vấn đề Libya sẽ kết thúc có hậu với họ.

Putin vẫn chọn cho Nga tàng hình ở Libya để Mỹ-phương Tây được tiếp tục trần ai với sự ứng nghiệm của "Lời nguyền Gaddafi"

Nhưng "người tính không bằng trời tính", vì khi Nghị viện Libya cho phép Ai Cập can thiệp vào quốc gia Bắc Phi này đã đưa Mỹ-phương Tây vào thế bí. Ủng hộ Ankara hay đứng về phía Cairo? Rõ ràng, Mỹ-phương Tây không dễ dàng có câu trả lời.

Chưa biết vấn đề sẽ đi về đâu, nhưng có một điều có thể khẳng định là lúc này chỉ có Nga - thực thể vẫn tàng hình ở Libya song đã được hái quả ngọt - có nhiều lựa chọn nhất trong vấn đề Libya, nếu Moscow muốn can thiệp vào quốc gia Bắc Phi này.

Nhưng có lẽ Tổng thống Putin vẫn chưa chọn cho Nga "hiện hình" ở Libya, mà vẫn sẽ để cho "những tác giả kịch bản phá nát Libya" tiếp tục được "trần ai" với sự ứng nghiệm của "lời nguyền Gaddafi",

Còn Nga thì ngồi xem việc chuyển hóa tình hình Libya, từ xung đột giữa "người của Mỹ" với "người thân Mỹ" sang cuộc đối đầu giữa "khách được mời" và "khách không mời" trước khi Moscow có hành động chính thức ở Libya.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/nong-libya-tho-thanh-khach-khong-moi-my-phuong-tay-roi-tri-3413531/