Nối tầng tên lửa SAM2 của Việt Nam để bắn B-52 có khó không?

Trong một thời gian rất dài, giai thoại về việc Việt Nam 'độ' lại tên lửa SAM2 của Nga đã được lan truyền rất rộng rãi, nhưng liệu việc nối tầng SAM2 có khả thi hay không?

Giai thoại về việc Việt Nam nối tầng tên lửa SAM2 của Liên Xô, để bắn hạ pháo đài bay của Mỹ đã từng xuất hiện và phổ biến, kể từ sau trận Điện Biên Phủ trên không cuối năm 1972.

Mặc dù đã rất nhiều lần, truyền thông báo chí đính chính lại giai thoại này, tuy nhiên tới nay, vẫn rất nhiều người tin rằng chúng ta đã cải biến được tên lửa SAM2, tăng tầm bắn bằng cách "nối tầng", để có thể hạ gục được pháo đài bay B-52 của Mỹ.

Trong một bài đăng trên website của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật hồi năm 2012, Đại tá Lê Cổ, Nguyên sĩ quan huấn luyện chiến đấu tên lửa phòng không đã khẳng định, Việt Nam có cải tiến tên lửa SAM2 để đánh B-52; nhưng nối tầng để tăng tầm bắn, là điều hoàn toàn không có.

Vậy liệu rằng, nối tầng tên lửa phòng không SAM2 có khó hay không? và liệu rằng việc nối tầng cho tên lửa SAM2 liệu có ý nghĩa gì trong thực chiến hay không?

Đầu tiên, cần phải khẳng định việc "chồng tầng" tên lửa phòng không SAM2 là không cần thiết. Loại tên lửa này ngay khi ra đời đã có khả năng bắn mục tiêu ở cự ly tối đa 34 km, cao độ cực đại lên tới 30 km.

Như vậy với việc máy bay B-52 của Mỹ bay ở độ cao dưới 20.000 mét, ném bom ở độ cao trên dưới 10.000 mét, việc cải tiến tầm bắn của SAM2 là việc làm hết sức thừa thãi. Cần phải nói thêm, từ năm 1965, bộ đội tên lửa của Việt Nam, đã từng bắn rơi máy bay trinh sát Mỹ ở độ cao 18 km.

Thậm chí ngay cả khi SAM2 không thể với tới mục tiêu, việc "nối tầng" hay "gộp hai quả tên lửa vào làm một để tăng tầm bắn", cũng là điều bất khả thi. Việc tăng tầm bay của tên lửa, về cơ bản không hề giống với việc "độ" bình xăng xe máy.

Trong công nghệ tên lửa, một vật thể bay luôn được xác định và tính toán chính xác trọng lượng, tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu và kiểu dáng khí động học từ trước khi thiết kế. Việc cải tiến bằng cách nối tầng, chắc chắn sẽ phá vỡ hoàn toàn những tính toán này.

Chưa kể tới việc, chồng thêm tầng nghĩa là mang thêm nhiên liệu, nhưng cũng khiến tên lửa nặng hơn. Việc làm tên lửa nặng hơn thậm chí còn có thể làm giảm tầm bay của tên lửa, chứ khó có thể gia tăng tầm bay như tưởng tượng của nhiều người. Đấy là trong trường hợp tên lửa có thể bay được sau khi đã "độ" lại.

Như vậy, hoàn toàn không có chuyện Việt Nam nối tầng cho tên lửa SAM2, tuy nhiên việc chúng ta nâng cấp loại tên lửa này là đúng. Những nâng cấp của bộ đội Việt Nam, chủ yếu xoáy vào việc "vạch nhiễu tìm thù".

Cụ thể, chúng ta đã cải tiến chế độ bắn thấp để đối phó với thủ đoạn máy bay địch bay ở độ cao thấp; cải tiến đầu nổ của đạn nhằm tăng phạm vi sát thương máy với bay địch. Và cuối cùng, là cải tiến phần tử phóng, để kíp chiến đấu phóng được tên lửa trong thời gian ngắn nhất kể từ khi phát hiện máy bay địch.

Nhờ những cải tiến này, tỷ lệ pháo đài bay B-52 bị ta bắn rơi trong trận Điện Biên Phủ trên không là rất cao, tổng cộng 34 máy bay B-52 bị hạ, trong đó có tới một nửa bị bắn hạ bởi tên lửa phòng không.

Với việc hạ được 17% số lượng máy bay ném bom B-52 tham chiến chỉ trong vài tuần lễ ngắn ngủi, báo chí quốc tế thậm chí còn khẳng định, đây là hiệu suất chưa từng có trong lịch sử chiến tranh phòng không, và thậm chí còn lo ngại về việc B-52 sẽ bị "tuyệt chủng" trên bầu trời Hà Nội.

Tới năm 1973, trong một buổi tiệc chiêu đãi ở Hà Nội, trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô Stupunhin đã khẳng định “Tên lửa phòng không Liên Xô viện trợ cho Quân đội nhân dân Việt Nam đã trao đúng những bàn tay vàng của những con người thông minh, sáng tạo”. Nguồn ảnh: TL.

Huyền thoại Việt Nam bắn rơi pháo đài bay bất khả xâm phạm của Mỹ trong quá khứ. Nguồn: QPVN.

Trần Trân

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/noi-tang-ten-lua-sam2-cua-viet-nam-de-ban-b-52-co-kho-khong-1518615.html