Nỗi sợ 'nghèo' vốn sống

Dạy kỹ năng sống cho trẻ không gì quan trọng hơn là những thực hành, trải nghiệm, gắn với thực tế xung quanh, để chúng trở thành những người 'giàu có' về vốn sống. Nhìn sang các nước phát triển chúng ta sẽ hiểu kỹ hơn điều này.

Ảnh: Thành Hoa.

Chị H. vừa đón cậu con trai đi du học nước ngoài mới được gần 1 năm sau nhiều lần chị và chồng ra sức khuyên nhủ, động viên con cố gắng ở lại.

Cậu bé đã không thể trụ lại nơi xứ người phải bỏ giữa chừng về nước. Nhìn con gầy gò mệt mỏi, người mẹ chỉ biết rơi nước mắt.

“Ở bên đó lạc lõng quá con không chịu nổi mẹ ạ”. Cậu bé kể lại cho mẹ nghe những ngày tháng dài, đau khổ của mình. Ngày bước lên máy bay, cậu đã từng ôm ấp trong lòng nhiều hy vọng ở vùng đất mới.

Tiếng Anh của cậu rất giỏi bởi ở Việt Nam chị H. cũng đã đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc cho con. Cậu không gặp rào cản về ngôn ngữ nhưng cậu vấp phải rào cản về quan điểm và lối sống với bạn bè xung quanh.

Các bạn cậu chê học sinh Việt Nam chỉ biết học, đời nhạt toẹt, nghèo trải nghiệm. Sự coi thường ngấm ngầm trong ánh mắt họ ám ảnh cậu. Họ khoe từng đi Nam Phi làm từ thiện, rồi từng nhảy dù, lặn biển, họ kiêu hãnh vì có thể sống tự lập không nhờ vào bố mẹ. Họ có thể tự hào giàu có trong tinh thần. Với cậu, cậu cảm giác đấy cũng là kiểu coi thường, rằng cậu chả có gì, chỉ có tiền.

Thực tế giảng dạy ở Việt Nam và ở nước ngoài rất khác nhau. Khi sang nước ngoài, bạn có thể nhìn thấy tụi trẻ con học rất nhàn, nhưng hóa ra lượng kiến thức không hề ít. Vì học rất thực tế, nhìn như chơi mà hóa ra rất sâu. Thậm chí có cả những cái nhỏ nhặt lắt nhắt học sinh cũng được trải nghiệm.

Bạn có thể nhìn thấy thầy giáo dắt một nhóm đi siêu thị, vui vẻ, nhẹ nhõm nhưng thực ra qua đó học sinh được học cách tính toán chi tiêu, đánh giá bao bì, thiết kế, màu sắc trên quầy hàng, học đọc các thành phần ghi trên sản phẩm…

Học sinh được dạy cách chọn thực phẩm, chọn công ty sản xuất, chọn công ty phân phối, cả việc đọc hạn sử dụng, cách sử dụng và cả vấn đề quan tâm tới bao bì nữa. Cũng là sữa nhưng nếu đựng trong chai nhựa sẽ bị chê gây gánh nặng cho môi trường, còn nếu đựng trong vỏ hộp tái chế được sẽ được ưu tiên chọn, như vỏ hộp của Tetra Pak được ưu tiên vì thân thiện với môi trường.

Học sinh uống sữa xong sẽ làm bẹp hộp lại rồi cho vào thùng rác tái chế.

Khu vực để rác sẽ có 3 thùng rác, nếu bỏ lộn rác thải thường vào rác tái chế hoặc ngược lại sẽ bị phạt. Tiền rác được tính tương ứng trên hóa đơn nước, nếu nhà nào xài càng nhiều nước thì cũng có nghĩa là nhà đó phải đóng càng nhiều tiền rác hơn.

Việc phạt như vậy sẽ nâng cao ý thức mọi người, ăn sâu vào tư duy thế hệ trẻ về vấn đề ý thức bảo vệ môi trường.

Những điều nho nhỏ này học sinh Việt Nam thường không để ý. Ở Việt Nam, thường các bé được ông bà và người giúp việc chiều lắm, cơm nước mang tận bàn học.

Khi đói chỉ cần mở tủ lạnh thấy gì ăn nấy, không cần biết phân biệt đồ có hết hạn không. Như cậu bé con chị H. đến khi du học mới thật sự vật vã. Cậu phải nhập viện vì ngộ độc thực phẩm, có khi chỉ vì hộp sữa khui ra rồi để quên ở bàn ăn, tới tận sáng hôm sau vẫn tỉnh bơ rót ra ly uống.

Tưởng ở Việt Nam mới có nguy cơ thực phẩm bẩn, ai ngờ sang đi sang tận Mỹ, Úc rồi mà vẫn trúng ngộ độc thực phẩm vì thiếu kỹ năng.

Tài liệu y tế thế giới cho biết, 70% người Việt nhiễm H. Pylori, một loại vi khuẩn gây ra nhiều bệnh lý cho dạ dày. Con số thực tế có thể còn cao hơn. Thậm chí sang tới Bắc Mỹ, Pháp, mà người Việt cũng vẫn đang đứng đầu trong mọi sắc dân về bệnh viêm loét dạ dày tá tràng, cần phẫu thuật. Thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu nề nếp của chúng ta mà từ nhỏ đã không được uốn nắn cũng là nguồn gốc của nhiều bệnh tật.

Mỗi đứa trẻ nếu chỉ biết làm toán, làm văn, nói tiếng Anh lưu loát mà không biết cách sống văn minh, không biết cách làm mình trở nên giàu có về vốn sống, thì thiệt thòi cho các bé quá!

Thu Hà

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278966/noi-so-ngheo-von-song.html