Nội sinh từ khát vọng

Đất nước mình có rất nhiều dòng sông! Nhưng chắc chắn, không một dòng sông nào phải chứng kiến nỗi đau chia cắt như dòng Bến Hải.

Cầu Hiền Lương nối đôi bờ Bến Hải. Ảnh: ITN

Theo đó, những cây cầu được sinh ra là để “nối những bờ vui”, nhưng cũng hiếm thấy cây cầu nào trên thế giới được sử dụng làm giới tuyến quân sự chia cắt hai miền Nam - Bắc như cầu Hiền Lương.

Đất nước thống nhất gần nửa thế kỷ, nỗi đau chia cắt đi vào dĩ vãng. Cầu Hiền Lương giờ đây chỉ còn là chứng tích cho một thời mất mát, đau thương. Để có được thành quả thống nhất non sông gấm vóc như hôm nay, đã có biết bao liệt sĩ hy sinh, bao thương binh để lại một phần máu thịt trên các chiến trường ác liệt. Và cũng có bao người vợ, bao bà mẹ ngóng đợi được đón người chồng, người con trở về, dù chỉ là một mảnh xương, nắm đất! Anh hùng đâu phải là những điều gì to tát, anh hùng có khi chỉ là sự chịu đựng, hy sinh, nuốt nước mắt vào trong để cống hiến cho dân tộc, cho Tổ quốc những người chồng, người con ưu tú, với mong muốn đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do như ngày hôm nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập”. Người có một mong ước cháy bỏng là được sớm vào thăm đồng bào miền Nam. “Miền Nam luôn trong trái tim tôi” - đó là tình cảm đặc biệt mà Người nhiều lần nhắc đến khi nói về đồng bào miền Nam. Tình cảm đó của Bác Hồ và tình cảm của đồng bào miền Nam đối với Bác, được nhà thơ Tố Hữu khắc họa trong hai câu thơ: “Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà/ Miền Nam mong Bác nỗi mong cha”.

Mong ước thống nhất của Bác Hồ cũng là khát vọng chung của cả dân tộc. Chính từ khát vọng thống nhất, đã sản sinh ra một thế hệ thanh niên của thời hoa lửa, sẵn sàng xếp bút nghiên, viết đơn tình nguyện bằng máu để được vào Nam đánh giặc. Họ là thế hệ thanh niên “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu).

Khát vọng thống nhất còn được tiếp sức bởi một hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa thời ấy với các phong trào thi đua yêu nước như: “Ba sẵn sàng”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”…

Bây giờ, mỗi khi nghe bài hát “Xa khơi” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, tôi vẫn còn thấm từng câu chữ. Nhớ khi đất nước còn chia cắt, mỗi dịp Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài hát này do ca sĩ Tân Nhân trình bày, cha tôi lại ôm khư khư chiếc đài Hồng Đăng (Trung Quốc) để nuốt trọn từng lời ca trong bài hát: “Kìa biển rộng con nục, con măng/ Lướt sóng liền đôi bờ tung tăng/ Con chuồn còn bay nơi nơi/ Con giang chiều gọi bạn đường khơi...”. Hay như đoạn: “Nắng tỏa chiều nay/ Thuyền về mái động chiều nay/ Nhìn phương Nam con nước vơi đầy, thương nhớ...”. Được biết, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sáng tác bài hát này lúc đi thực tế ở Vĩnh Linh, ông suy nghĩ: Con cá, con chim còn được tự do vùng vẫy, mà sao con người cùng một dòng dõi Tiên Rồng lại chịu cảnh chia cắt hai miền. Vậy nên, ông đã viết bài “Xa khơi” như nỗi lòng chung của cả dân tộc, chứa đựng một khát vọng lớn lao là thống nhất hai miền.

Minh họa: Vietpink

Có thể nói, khát vọng thống nhất là khát vọng đồng sức, đồng lòng của cả dân tộc; của đồng bào miền Nam quật khởi, chiến đấu, hy sinh dưới sự kìm kẹp của Mỹ ngụy; của đồng bào miền Bắc, với lớp lớp thanh niên khắc trong tim mình câu nói bất hủ: “Cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù”, để rồi thế hệ nọ lại nối tiếp thế hệ kia hăng hái vào Nam đánh giặc. Khát vọng đó tạo nên sức mạnh nội sinh to lớn, tạo nên quân đội anh hùng, “khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Khát vọng thống nhất được thể hiện trong tất cả đời sống xã hội thời đó, nó có thể là danh từ gọi tên thương hiệu hàng hóa, nhưng cũng có thể là động từ biểu thị ý chí và quyết tâm hành động. Sau năm 1954, khi hai miền bị chia cắt, với khát vọng đất nước sớm được thống nhất, đã có khá nhiều thương hiệu và tên gọi lấy tên “Thống Nhất”. Trong đó, có một số thương hiệu nổi tiếng như: Diêm Thống Nhất, xe đạp Thống Nhất, xe khách Thống Nhất. Hình ảnh chim bồ câu ngậm bông hoa màu đỏ tung sải cánh bay trên bao diêm Thống Nhất; hay hình ảnh chim bồ câu bay trên nền một tấm bản đồ Việt Nam thống nhất ở logo xe đạp Thống Nhất là khát vọng thống nhất non sông, khát vọng hòa bình của cả dân tộc.

Rồi công viên lớn nhất Hà Nội được xây dựng từ hàng chục vạn ngày công lao động của người dân Thủ đô, khởi công năm 1958 đến 1961 hoàn thành cũng được lấy tên là Công viên Thống Nhất. Ngay cả trong lúc vui chơi, thả mình với thiên nhiên, người Hà Nội cũng không quên khát vọng, mục tiêu thống nhất đất nước.

“Trên đất mẹ nắng hồng như lụa

Trải ngàn năm gắn bó hai miền

Như cành chung gốc lớn lên

Như anh em của mẹ hiền Việt Nam”.

Lời bài “Hà Nội - Huế - Sài Gòn” được nhà thơ Lê Nguyên sáng tác năm 1960, một năm sau đó nhạc sĩ Hoàng Vân phổ nhạc. Bài thơ và bài hát này được để trong ba lô cùng với cuốn nhật ký của bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Có lẽ, nó cũng được để trong ba lô, trong tâm thức của lớp thanh niên ngày ấy gửi gắm nỗi niềm mong ước đất nước được thống nhất.

Thế rồi, khát vọng lớn lao đã biến quyết tâm thành ý chí hành động. Đất nước sau 21 năm chia cắt đã hoàn toàn thống nhất. Ngày 31/12/1976, hai đoàn tàu mang tên Thống Nhất xuất phát từ ga Hà Nội và ga Sài Gòn chở theo niềm khát khao hòa bình, hàn gắn và sum họp đã cập bến hai đầu Tổ quốc, hoàn thành khát vọng cháy bỏng, Nam - Bắc nối liền một dải.

Trần Minh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/noi-sinh-tu-khat-vong-post681234.html