Nỗi niềm làng biển. Bài 2: Đìu hiu cửa lạch Cửa Việt

Chiều dần buông trên cửa lạch Cửa Việt, nơi chỉ cách đây vài tháng luôn nhộn nhịp hoạt động nghề cá cùng dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng bây giờ vắng bóng tàu, thuyền vào ra. Hiện chỉ lác đác vài ngư dân cùng những người buôn bán thủy, hải sản đi lại trên Cảng cá Cửa Việt. Hỏi các ngư dân mới biết rằng họ ra Cảng cá Cửa Việt ngồi hóng mát và nhìn ra biển để hy vọng một ngày sẽ lại thuận buồm xuôi gió, vào lộng ra khơi…

* Nỗi niềm làng biển. Bài 1: Thưa thớt tàu thuyền ra khơi

 Cảng cá Cửa Việt không còn cảnh tấp nập tàu, thuyền cập cảng như trước đây - Ảnh: S.H

Cảng cá Cửa Việt không còn cảnh tấp nập tàu, thuyền cập cảng như trước đây - Ảnh: S.H

“Đỏ mắt” tìm lao động biển

Thời gian qua, nhiều tàu, thuyền nằm bờ không chỉ do giá xăng, dầu tăng mà còn nguyên nhân nan giải khác là không tìm được lao động đi biển. Bởi nghề đi biển thu nhập bấp bênh, lắm rủi ro nên nhiều ngư dân đã bỏ nghề biển tìm nghề mới khiến lao động nghề biển ngày một thiếu hụt, nhiều chủ tàu “đỏ mắt” tìm lao động biển.

Ngư dân Bùi Đình Hưng ở Thôn 4 (xã Gio Hải, huyện Gio Linh) cho biết: “Chiếc tàu vỏ thép có công suất 829 CV của gia đình tôi vừa rồi ra khơi đánh bắt thủy sản bằng nghề mành chụp ở ngư trường Hoàng Sa từ ngày 17/6 đến ngày 5/7/2022 vào bờ với thu nhập khoảng 300 triệu đồng nhưng vẫn “lỗ dầu”. “Lỗ dầu” là bởi riêng chi phí xăng, dầu đã hết 270 triệu đồng; hơn 120 triệu đồng trả tiền công cho 12 lao động trên tàu. Rồi còn nhiều chi phí khác như đá lạnh, thực phẩm…

Tính sơ sơ, tàu gia đình tôi phải “bù lỗ” hơn 100 triệu đồng cho mỗi chuyến biển. Tiến công trả cho lao động biển cao như vậy, nhưng việc tìm kiếm lao động cho mỗi chuyến biển không phải là chuyện dễ dàng. Cứ mỗi chuyến biển, tôi phải “đỏ mắt” liên hệ khắp nơi tìm lao động cả trong và ngoài tỉnh thì mới đủ nhân lực để cho tàu ra khơi.

Hầu hết lao động biển đều cho rằng nghề biển vất vả, nguy hiểm, nhưng thu nhập lại thấp và bấp bênh nên họ không mấy mặn mà. Bây giờ, lao động biển trên các tàu đánh bắt xa bờ ở thị trấn Cửa Việt, xã Gio Việt, Gio Hải chủ yếu là từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh vào làm.

Trước đây, lao động biển thường được chia theo sản phẩm đánh bắt được, thì nay lao động biển đưa ra “yêu sách” đối với chủ tàu đánh bắt xa bờ là phải trả tiền công trước khi xuống tàu (khoảng 10 triệu đồng/lao động cho mỗi chuyến biển).

Mặc dù vậy, nhưng khi về có lãi, các lao động biển vẫn được chia thêm, còn lỗ thì chủ tàu chịu một mình. Có quá nhiều áp lực cho các chủ tàu, nên để “cắt lỗ”, nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ đành… nằm bờ…”.

Ngư dân Võ Hải ở Khu phố 5 (thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh) cho biết, cách đây mấy năm khi tàu vỏ thép có công suất 829 CV của gia đình ông còn “ăn nên, làm ra”, nhiều lao động biển xin xuống tàu đi biển nhiều nên phải chọn lựa lao động biển có tay nghề mới cho đi.

Thế nhưng, vài năm gần đây dù tàu của gia đình ông đã cố gắng mọi cách tìm kiếm lao động nhưng cứ đi một vài chuyến biển lại thiếu lao động phải nằm bờ. “Nghề đi biển vất vả, cực nhọc trăm bề nên thanh niên thì bỏ nghề biển đi xuất khẩu lao động, người trung tuổi thì đi làm nghề khác.

Đi biển đòi hỏi lao động phải có sức khỏe, kinh nghiệm, thế nhưng khi không có lao động vẫn phải nhận những người chưa từng đi biển bao giờ rồi mình đào tạo, hướng dẫn thêm. Chứ như tàu gia đình tôi làm nghề mành chụp, nên mỗi chuyến biển cần đến 10 - 12 lao động làm việc trên tàu, thiếu vài lao động cũng khó mà ra khơi”, ông Hải than thở.

Theo ông Hải, giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay khi lao động biển khan hiếm là việc tích cực triển khai, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào đánh bắt thủy, hải sản; hiện đại hóa các thiết bị đánh bắt thủy, hải sản. “Có như vậy, mới không lệ thuộc nhiều vào lao động và góp phần tăng sản lượng khai thác thủy, hải sản trong giai đoạn khó khăn này. Đồng thời, phải coi nghề cá là một nghề thật sự, người lao động phải được đào tạo nghề chu đáo; xây dựng nghề cá đi từ cơ giới hóa đến hiện đại hóa. Chứ không thì chỉ là nghề cha truyền con nối, làm theo thói quen, kinh nghiệm, hiệu quả sẽ thấp…”, ông Hải kiến nghị.

Dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động cầm chừng

Tàu, thuyền không vươn khơi, bám biển kéo theo các dịch vụ hầu cần nghề cá như cung cấp đá lạnh, xăng, dầu, ngư lưới cụ… cũng phải hoạt động cầm chừng. Anh Nguyễn Văn Thông, chủ cơ sở sản xuất đá lạnh tại Cảng cá Cửa Việt cho biết, trước đây cơ sở sản xuất đá lạnh của gia đình anh bình quân mỗi tháng bán ra trên 20.000 cây đá lạnh để phục vụ các tàu đánh bắt xa bờ, nhưng nay chỉ còn dưới 2.000 cây đá lạnh.

Doanh thu sụt giảm từ khoảng 200 triệu đồng/tháng xuống còn chưa đến 20 - 30 triệu đồng/tháng, không đủ trả tiền điện và tiền công cho 2 - 3 nhân công (trước đây cơ sở sản xuất đá lạnh của anh có khoảng 10 người làm). Dẫu biết rằng giá xăng, dầu tăng cao trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng đến hầu hết các mặt đời sống xã hội, nhưng có lẽ chịu tác động nặng nề nhất vẫn là ngư dân và những người làm dịch vụ hậu cần nghề cá.

Bởi những ngành nghề khác chỉ chịu ảnh hưởng về giá, còn nghề đánh bắt thủy, hải sản và dịch vụ hậu cần nghề cá thì gần như “đóng băng” không thể hoạt động khi giá xăng, dầu tăng…

“Xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh) và xã Triệu An (huyện Triệu Phong) là nơi tập trung các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, nhưng hiện tại hầu hết đều hoạt động cầm chừng….chờ ngày giá xăng, dầu giảm sâu để tàu, thuyền ra khơi trở lại.

Ngày trước ở vùng này nhộn nhịp lắm, tàu, thuyền và thương lái khắp nơi đổ về để mua bán chứ không đìu hiu, vắng lặng như bây giờ”, anh Thông chia sẻ.

Phó Giám đốc Ban Quản lý Cảng cá Quảng Trị Lê Sơn cho biết, giá xăng, dầu chưa giảm sâu cùng với việc thiếu lao động biển nên tàu, thuyền nằm bờ cũng đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của Cảng cá Cửa Việt và Cảng cá Cửa Tùng.

Đơn cử, trong năm 2021 có 2.204 lượt tàu cá cập Cảng cá Cửa Việt với sản lượng thủy hải sản qua cảng là 7.166,6 tấn, thì trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ có 955 lượt tàu cá cập Cảng cá Cửa Việt với sản lượng thủy, hải sản qua cảng là 702,5 tấn.

Theo ông Sơn thì để giải quyết được thực trạng trên của ngư dân, rất cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước như triển khai các gói hỗ trợ ngư dân bám biển, giảm giá xăng, dầu ở mức hợp lý. Bên cạnh đó, các cơ quan liên quan, các cấp chính quyền cần có các giải pháp tái tạo nguồn lợi thủy, hải sản mang tính bền vững; điều tiết vùng khai thác thủy hải sản hợp lý…

Sỹ Hoàng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=169405&title=noi-niem-lang-bien-bai-2-diu-hiu-cua-lach-cua-viet