Nơi ghi dấu vị anh hùng Hoàng Công Chất với nhân dân Tây Bắc

Với nhân dân các dân tộc ở Điện Biên, tướng Hoàng Công Chất là vị thủ lĩnh có những công tích lớn lao trong việc dẹp yên giặc xâm lược, mở mang diện tích đất đai, giữ vững biên cương. Đền thờ Hoàng Công Chất gắn với thành Bản Phủ (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) trở thành một địa điểm tín ngưỡng linh thiêng, ghi dấu vị anh hùng áo vải Hoàng Công Chất, thu hút nhiều du khách trong và ngoài tỉnh đến chiêm bái, cầu nguyện.

Cổng thành Bản Phủ được trùng tu, tôn tạo, phù hợp với cảnh quan của khu di tích. Ảnh: Thanh Thuận

Đền thờ Hoàng Công Chất - thành Bản Phủ cách thành phố Điện Biên khoảng 15km, nằm ở trung tâm cánh đồng Mường Thanh trù phú, vựa thóc lớn của vùng Tây Bắc. Tương truyền, vào thế kỷ XVIII, có nhân vật Hoàng Công Chất xuất thân trong một nông dân nghèo tại Thái Bình, đã dựng cờ khởi nghĩa chống triều đình chúa Trịnh với mong muốn xóa bỏ bất công, cứu giúp nhân dân.

Dưới thời vua Lê Dụ Tông, miền Tây Bắc bị giặc Phẻ từ Thượng Lào tràn vào xâm lược, cướp bóc, giết hại dân lành, sau đó, lại bị giặc Giẳng từ Vân Nam (Trung Quốc) kéo đến tranh giành và dồn giặc Phẻ vào khu vực “động Mãnh Thiên” (tiếng Thái gọi là Mường Then, tiếng phổ thông là Mường Thanh, tức trung tâm Điện Biên Phủ). Trước tình thế đó, thủ lĩnh của các dân tộc Thái tại Mường Thanh là Lò Văn Ngải, Lò Văn Khanh đứng lên tập hợp, lãnh đạo dân Mường Thanh chống giặc, song lực còn yếu, nghĩa quân chịu nhiều tổn thất, phải rút lên vùng núi cao bảo toàn lực lượng. Khi gặp nghĩa quân của Hoàng Công Chất (đang trên đường chuyển căn cứ lên Mường Thanh), các thủ lĩnh người Thái đã cầu cứu và Hoàng Công Chất đã đồng ý liên kết với quân của thủ lĩnh người Thái đánh đuổi, tiêu diệt giặc Phẻ, giải phóng Mường Thanh, bảo vệ miền biên giới Tổ quốc.

Sau đó, Hoàng Công Chất cho tiến hành xây dựng thành Chiềng Lề (nay gọi là thành Bản Phủ) từ năm 1758 đến năm 1762 để làm căn cứ cho nghĩa quân tại vị trí trung tâm cánh đồng Mường Thanh. Sử sách còn ghi, thành Chiềng Lề rộng 80 mẫu, dựa lưng vào dòng sông Nậm Rốm, có đường thành đắp bằng đất trồng tre gai, bên ngoài có hào rộng từ 4-5m, sâu 10m, thành cao 5m, mặt thành rộng 4 đến 6m. Thành có 4 cửa: Tiền, hậu, tả, hữu. Ở mỗi cửa có đắp đồn cao, có vọng tiêu là nơi lính đóng. Giữa thành có phủ là nơi các thủ lĩnh nghĩa quân đóng.

Năm 1981, di tích thành Bản Phủ được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Đền Hoàng Công Chất được xếp hạng và công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia 1994. Năm 2016, Lễ hội thành Bản Phủ- đền Hoàng Công Chất cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Cùng với việc củng cố căn cứ Mường Thanh, tướng Hoàng Công Chất còn ra sức mở rộng địa bàn hoạt động ra khắp miền Tây Bắc, xuống tới Bạch Hạc-Việt Trì ở lưu vực sông Thao, sang tới Thượng Lào, cùng với đó, ngăn chặn nguy cơ xâm lấn, quấy phá của thổ phỉ Mãn Thanh từ phía Bắc, bảo vệ cuộc sống của nhân dân. Mường Thanh trở thành khu trung tâm văn hóa, chính trị của đất Tây Bắc. Hoàng Công Chất làm nhiều điều tốt cho dân như chia ruộng đất cho người dân, bảo vệ dân, chống được mọi cuộc xâm lấn, duy trì an ninh trật tự trong vùng... Ông được nhân dân các dân tộc Tây Bắc tôn kính, ngợi ca: “Chúa thật yêu dân/ Chúa xây bản mường/ Ai cũng nhờ chúa mà sống yên vui”...

Để ghi nhớ công ơn của tướng Hoàng Công Chất, nhân dân các dân tộc tại Mường Thanh đã lập đền thờ ông cùng các bộ tướng trong thành Bản Phủ, hàng năm mở hội cúng tế. Ban đầu, đền thờ Hoàng Công Chất là căn nhà 2 gian, mái lợp cỏ tranh. Sau khi mái cỏ bị cháy do hậu quả đốt nương của bà con, ngôi đền đã được tu sửa khang trang, mái lợp ngói. Bên cạnh đền, nhân dân đã trồng 3 cây đa, đề, si chung vào một gốc, gọi là cây đoàn kết để thể hiện tình đoàn kết keo sơn giữa người Thái, người Kinh và các dân tộc anh em trên mảnh đất Điện Biên Phủ anh hùng. Ngày nay, trải qua gần 300 năm, 3 cây đa, si, đề vẫn xanh tốt, trường tồn cùng đất trời, gốc cây to đến nỗi mấy vòng tay người dang ra mới ôm xuể.

Lễ hội thành Bản Phủ - đền Hoàng Công Chất tưởng nhớ công ơn của người anh hùng nông dân Hoàng Công Chất và các tướng Lò Ngải, Lò Khanh, trước đây diễn ra vào ngày mùng 5-5 âm lịch (tương truyền đây là ngày nghĩa quân chiến thắng giặc Phẻ). Sau đó, lễ hội được đổi sang từ ngày 24 đến ngày 28-2 âm lịch trong tiết trời mùa Xuân để phù hợp với không khí hội hè. Ngày chính hội là ngày 25-2 cũng là ngày mất của tướng quân Hoàng Công Chất. Lễ hội được duy trì tổ chức đến năm 1952, sau đó, do chiến tranh mà lễ hội không còn được tổ chức nữa. Đến năm 1990, lễ hội mới được khôi phục lại (tổ chức lễ hội trong 2 ngày là 24 và 25-2 âm lịch hằng năm).

Cây đoàn kết là 3 cây si, đề, đa được trồng chung một gốc tỏa bóng sum xuê bên nhà bia tưởng niệm những anh hùng người Thái có công với nhân dân Tây Bắc. Ảnh: Thanh Thuận

Trải qua thời gian, thăng trầm của lịch sử, một số dấu tích vòng tường thành vẫn còn tồn tại, là một trong những chứng tích ghi dấu ấn lịch sử quan trọng của vị tướng Hoàng Công Chất và nhân dân Tây Bắc trong công cuộc chống thù trong giặc ngoài, bảo vệ vững chắc vùng biên cương Tổ quốc. Năm 2004, UBND huyện Điện Biên đã phối hợp với các cơ quan, ban, ngành trùng tu, tôn tạo Thành Bản Phủ, đền Hoàng Công Chất nhưng không làm mất đi những nét xưa cũ của di tích. Bên cạnh đó, xây mới nhiều công trình như: Cổng thành Bản Phủ, nhà sàn cộng đồng, ao sen kè đá. Tuy được xây mới nhưng cổng thành Bản Phủ được xây theo kiến trúc cổ, bên trên cổng thành có kỳ đài và vọng gác rất phù hợp với cảnh quan của khu di tích.

Di tích thành Bản Phủ - đền Hoàng Công là di sản văn hóa quý báu, là niềm tự hào của nhân dân dân tộc Điện Biên nói riêng và cả nước nói chung. Nơi đây trở thành điểm đến thiêng liêng trong hành trình về nguồn của du khách khi ghé thăm Điện Biên.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/noi-ghi-dau-vi-anh-hung-hoang-cong-chat-voi-nhan-dan-tay-bac-post434445.html