Nỗi đau xé lòng khi hàng chục trẻ đuối nước trong thời gian ngắn

Chỉ chưa đầy trong vòng 30 ngày (từ cuối tháng 5 đến tháng 6-2019), trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã có gần 20 người chết đuối, trong đó có đến 14 trẻ em. Có những vụ chết đuối đau xé lòng người lớn khi chứng kiến cảnh ba trẻ, hai trẻ trong cùng một gia đình chết đuối. Chỉ một chút lơ là của người lớn, hà bá đã cướp đi tiếng cười của nhiều em.

Ba ngày qua, người dân ở thôn Thanh Châu, xã Châu Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình chìm trong nỗi buồn khi cùng lúc ba cháu nhỏ của vợ chồng anh Hoàng Văn Lý và chị Nguyễn Thị Thanh bị nước trên dòng kênh nhỏ, sát mép sông Gianh cuốn trôi.

Nhìn lên di ảnh ba trẻ thơ Hoàng Thị H. (Sn 2009), Hoàng Thị Thanh Ph. (Sn 2001) và Hoàng Văn H. (Sn 2003), không mấy ai kìm được nước mắt. Chị Thanh gào góc bên ảnh con, nỗi đau tột cùng của người mẹ nghèo khó khi bỗng chốc mất 3 đứa trẻ thơ.

Nhiều người dân Quảng Bình bàng hoàng khi chỉ trong một ngày có đến 5 trẻ em chết đuối.

Được biết, chiều tối ngày 24-6, chị Thanh đang loay hoay trong bếp chuẩn bị bữa cơm cho cả gia đình, ba cháu nhỏ xin phép mẹ ra phía sau nhà để chơi. Thời tiết nóng nực, các cháu rủ nhau xuống kênh nước thủy lợi nội đồng để tắm. Khoảng 30 phút sau, khi bữa cơm đã chuẩn bị xong, chị Thanh gọi con nhưng không nghe tiếng con trả lời. Chị lại tiếp tục làm việc bởi nghĩ con đi chơi đâu đó trong làng. Trẻ nhỏ ở quê vẫn thường la cà, đi chơi với bạn bè trong thôn xóm.

Được ít phút, chị Thanh bỗng thấy nóng ruột khác hẳn ngày thường, nên chị vứt bỏ công việc chạy đi tìm con. Ra phía kênh sau nhà, nhìn thấy 3 bộ quần áo của con để trên bờ kênh, chị gào gọi tên con trong vô vọng. Người làng chạy đến, anh Lý chồng chị đi giúp việc cho một bà con trong làng cũng chạy về. Mọi người ào xuống kênh tìm vớt các cháu lên trong tím tái. Các cháu được mọi người hô hấp nhân tạo, đắp đất lên người…tìm mọi cách cứu chữa nhưng tiếng cười của các cháu đã vĩnh viễn khép lại.

Nhìn di ảnh của em đứa con bị chết đuối của anh Lý, chị Thanh ở Tuyên Hóa, Quảng Bình ít người cầm được nước mắt.

Trước khi xảy ra cái chết rất đỗi thương tâm của các con anh Lý, chị Thanh, trên địa bàn tỉnh Quảng Bình cũng đã xảy ra rất nhiều vụ đuối nước trẻ em làm bàng hoàng người lớn.

Ngày 23-5, cả tỉnh Quảng Bình xôn xao khi chỉ trong một ngày có đến 5 trẻ em bị đuối nước. Vụ việc đau lòng đã xảy ra vào lúc khoảng 9h sáng ngày 23-5 tại xã Thanh Thạch, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình.

Được biết, vào thời điểm trên, sau khi dự lễ tổng kết năm học tại Trường THCS Thanh Thạch, một nhóm gồm 8 học sinh của trường đã rủ nhau ra sông Gianh, đoạn qua xã Thanh Thạch để tắm. Trong lúc tắm, 3 em học sinh nữ học lớp 6 gồm các em Nguyễn Thị H.T., Nguyễn C.L. và Nguyễn T.H. (cùng 12 tuổi) đã bị đuối nước.

Chiều cùng ngày, 2 em học sinh tiểu học khác là Hồ Thị A.T. và Hồ Thị K.Y., trú bản La Trọng, xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa cũng đã bị chết đuối khi đi tắm tại thượng nguồn sông Gianh.

Những cái chết vì đuối nước ở trẻ em làm người lớn ở vùng đất cát chưa hết bàng hoàng, thì tiếp đó vào chiều tối ngày 28-5, ba em học sinh gồm: Đinh Thị Hồng T. (Sn 2006), học sinh lớp 7 Trường THCS Tân Hóa, em Trần Thị H. (Sn 2009) và Trương Thị H. (Sn 2009), cùng học lớp 4 Trường Tiểu học xã Tân Hóa rủ nhau ra khe suối gần nhà để bắt cua. Đến đêm khuya không thấy các cháu về nhà, nên người thân đã báo chính quyền địa phương đồng thời huy động người lớn đổ xô đi tìm.

Đến 5h sáng ngày 29-5, mọi người bàng hoàng khi phát hiện thi thể các em ở hói Bụt, một nhánh của sông Rào Nan. Được biết, đây là vụ đuối nước thứ 4 làm 9 học sinh thiệt mạng ở Quảng Bình trong vòng 1 tuần.

Chị Nguyễn Thị Thanh và người thân quặn lòng khi cùng lúc mất đứa con thơ do đuối nước.

Qua những vụ đuối nước thương tâm thường xảy ra vào mùa hè đối với trẻ em chúng tôi nhận thấy: Ngày thường các em đến trường học có sự quản lý của lớp, của trường, nhưng khi về nghỉ hè, do bố mẹ vẫn phải đi làm nên nhiều trẻ thiếu đi sự quản lý của người lớn. Khi các em rủ nhau đi tắm, đi bắt cua, bắt ốc, tắm sông, tắm suối thiếu sự giám sát của người lớn, nên khi gặp nạn các em đều không được cứu vớt kịp thời.

Một nghịch lý xảy ra là hầu hết trẻ em đuối nước thường xảy ra ở các vùng nông thôn, nơi có nhiều quỹ đất nhưng lại không ít sân chơi bổ ích cho trẻ. Nhiều sông, suối, ao hồ nhưng trẻ lại hầu như không được dạy tập bơi, học bơi. Bên cạnh đó tâm lý chủ quan, lơ là việc để mắt đến trẻ của người lớn đã vô tình để các em rơi vào cạm bẫy tử thần sông suối khi đuối nước.

Thiết nghĩ, để hạn chế tai nạn đuối nước ở trẻ em, bên cạnh việc người thân của trẻ cần chăm sóc, quản lý, giám sát chặt các em, thì các tổ chức Đoàn, Đội, thanh niên ở các thôn, xóm cần tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tuần để nhắc nhở các em nhỏ, đồng thời những nơi có đủ điều kiện thì Đoàn viên, thanh niên nên dạy bơi cho các cháu.

Dương Sông Lam

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/doi-song/noi-dau-xe-long-khi-hang-chuc-bi-tre-duoi-nuoc-trong-thoi-gian-ngan-551045/